JAKARTA (NV) .- Indonesia đe dọa hôm Thứ Năm 18/12/2014 là sẽ đánh chìm mọi tàu đánh cá hoạt động bất hợp pháp, gồm cả tàu của Việt Nam, trong vùng biển đặc quyền kinh tế của nước này.
Tàu tuần Indonesia cho nổ rồi bắn chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ngày 5/12/2014. (Hình: Straits Times)
“Chúng tôi bắt đầu cuộc chiến tranh chống đánh cá bất hợp pháp. Chúng tôi sẽ truy tìm và đánh chìm tất cả các tàu đánh cá (nước ngoài) hoạt động bất hợp pháp.” Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp của Indonesia, tuyên bố như thế hôm Thứ năm với báo chí.
Mấy tuần lễ gần đây, Hải quân Indonesia đã được lệnh đánh chìm mấy chục chiếc tàu đánh cá của nước ngoài bị bắt khi hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của họ. Ngày 5/12/2014, hải quân Indonesia đặt chất nổ cho nổ 3 tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam rồi bắn cho chìm ở khu vực quần đảo Anambas, khu vực nằm ở giữa Malaysia và Indonesia. Một tuần sau đó, đánh chìm 5 tàu đánh cá của Thái Lan.
Khi ra lệnh cho Hải quân đánh chìm các tàu đánh cá nước ngoài, trong một bài diễn văn đọc trong tuần này, tổng thống mới nhậm chức Joko Widodo đe dọa khoảng 30 chiếc tàu cá ngoại quốc bị đánh chìm “mới chỉ là cảnh cáo đầu tiên”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN hôm 9/12/2014 chỉ cho biết một cách nhẹ nhàng rằng Hà Nội đã liên lạc với chính phủ Jakarta về việc đánh chìm tàu đánh cá của Việt Nam và kêu gọi Jakarta đối xử với ngư dân Việt “theo luật quốc tế, căn cứ vào tinh thần nhân đạo và dựa trên mối quan hệ của Indonesia với các nước khác”.
Trong cuộc phỏng vấn trên tờ Wall Street Journal, ông Widodo kêu rằng “Mỗi ngày có khoảng 5,400 tàu đánh cá ngoại quốc hoạt độ trong các vùng biển của chúng tôi. Đến 90% hoạt động bất hợp pháp. Bởi vậy, dùng liệu pháp chấn động (shock therapy) đối với họ, dĩ nhiên là phải đánh chìm chúng”.
Nội trong vòng 5 ngày loan báo chương trình “Shock therapy”, Hải quân Indonesia đã bắt giữ 155 tàu đánh cá nước ngoài. Trong một cuộc phỏng vấn khác dành cho đài VOA, ông Widodo cho biết ông đã ra lệnh cho tư lệnh quân đội từ ba bốn tuần trước rằng “Đánh chìm các tàu đánh cá bất hợp pháp”.
Theo tin tức, tàu đánh cá bị Indonesia bắt gặp khi hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của họ phần lớn là từ Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt nam. Tàu của ngư dân Việt Nam vốn trang bị yếu kém máy móc định vị nên có thể không biết mình đang hoạt động ở vùng biển đặc quyền của nước khác, dẫn đến bị bắt giữ.
Một lý do khác để bị nước khác bắt giữ có thể là thủy sản trên các vùng biển Việt Nam đã cạn kiệt nên ngư dân Việt Nam phải mạo hiểm đến các vùng biển xa để kiếm sống.
Theo ông Carl Thayer viết một bài về vấn đề này trên tạp chí The Diplomat hôm Thứ Năm 18/12/2014, bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Hàng Hải và Ngư Nghiệp Indonesia tiết lộ hồi tuần trước, trước khi bắn chìm 3 tàu đánh cá Việt Nam, rằng chính phủ nước họ đã khuyến cáo chính phủ các nước Trung Quốc, Malaysia, Phi Luật Tân và Thái Lan nhưng không nói với Việt Nam.
Hành động cứng rắn cao độ và đột ngột với tàu cá nước ngoài của Indonesia đi ngược lại với các văn kiện mà Jakarta ký với Việt Nam.
Ngày 27/6/2013, Indonesia và Việt Nam loan báo hai nước nâng mối quan hệ hai nước lên thành “Đối tác chiến lược”.
Điểm 10 và 11 của Bản Tuyên Bố Chung về đối tác chiến lược giữa hai nước viết:
Điểm 10: Hai lãnh tụ (của hai nước) nhìn nhận sự tiến bộ trong sự hợp tác ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản và nhấn mạnh đến nhu cầu của hai nước thực hiện hơn nữa về Bản Nghi Nhớ về Hợp tác Hàng Hải và Ngư nghiệp (2010) để đạt những tiềm năng cao của sự hợp tác trong lãnh vực này, cũng như đối phó với các hoạt động dánh cá bất hợp pháp, gồm cả việc sắp xếp hồi hương các ngư dân bị bắt giữ vì hoạt động bất hợp pháp.
Điểm 11: Hai nhà lãnh tụ chỉ thị cho các toán kỹ thuật xúc tiến thảo luận để có kết luận sớm về bãi bỏ giới hạn vùng đặc quyền kinh tế, không thiên vị cho thỏa hiệp cuối cùng về bãi bỏ biên giới trên biển, khuyến khích hai bên tìm giải pháp tạm thời để thể hiện sự hợp tác hoạt động hàng hải và ngư nghiệp.
Theo ông Thayer, một bản ghi chú riêng rẽ giải thích về các điều vừa kể được Bộ Ngoại Giao Hà Nội viết rằng hai bên “ đồng ý hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vấn đề liên quan đến ngư dân và các tàu đánh cá hoạt động lấn vào các vùng biển của nhau dựa trên tình bằng hữu và nhân đạo”.
Những gì đang diễn ra cho thấy ông Joko Widodo tân tổng thống của Indonesia (nhậm chức từ Tháng 10 năm 2014) làm khác hẳn bản thỏa hiệp mà người tiền nhiệm của ông đã ký với phía Việt Nam.
Hàng năm, Indonesia bắt giữ nhiều tàu đánh cá của Việt Nam. Ngư dân Việt bị bắt bỏ tù cũng không ít ở nước này. Việc đánh chìm tàu đánh cá của Việt Nam cũng từng diễn ra nhiều năm trước. Ngày 23 tháng 10, 2009, tàu đánh cá của ông Võ Hồng Thạch thuộc huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định đã từng bị hải quân Indonesia đốt cháy. (TN)
12-18- 2014 4:25:50 PM
No comments:
Post a Comment