Thursday, December 18, 2014

Chiến tranh kinh tế với Mỹ: Nga có gì để vào trận?

(Baodatviet) - Tổng thống Mỹ cho rằng ông đang chịu sức ép về việc trừng phạt Nga, tuy nhiên, sẽ không có trừng phạt nếu Nga chịu... hợp tác và thay đổi

Trong ngày 16/12/2014, Tổng thống Obama đã tuyên bố những thông tin vô cùng quan trọng về vấn đề cuộc khủng hoảng ở Ukraine và mối quan hệ của nước này với Nga.

Tổng thống Mỹ Obama cho biết ông đã chịu nhiều sức ép từ Quốc hội của Mỹ, vốn do Đảng đối lập nắm quyền kiểm soát về vấn đề thông qua Đạo luật về Hỗ trợ tự do cho Ukraine. Theo đó, Mỹ sẽ viện trợ vũ khí sát thương, huấn luyện quân đội Ukraine chống lại những người ly khai ở miền Đông, và tiếp tục gia tăng hơn nữa các biện pháp trừng phạt vào kinh tế Nga.

Người phát ngôn của Nhà Trắng Josh Earnest cho hay: "Có thể trong tuần này, Tổng thống sẽ hoàn tất những bước chuẩn bị cuối cùng và thông qua Đạo luật." Người phát ngôn Earnest cũng cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng và sẽ để lại cho kinh tế Nga những "dấu ấn sâu đậm".

Như vậy, thời gian cho Đạo luật gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga chỉ còn một ngày, cụ thể đến thứ 7 ngày 20/12/2014.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng John Kerry đã bổ sung ý tứ cho Tổng thống khi tuyên bố: "Các biện pháp trừng phạt có thể được gỡ bỏ trong một tuần, thậm chí vài ngày, tùy thuộc vào sự lựa chọn của Tổng thống Putin." Những tuyên bố này của Ngoại trưởng Mỹ được phát đi khi ông này đang có chuyến làm việc tại London.

Tổng thống Mỹ Obama sẽ thông qua việc trừng phạt Nga vào cuối tuần này
Tổng thống Mỹ Obama sẽ thông qua việc trừng phạt Nga vào cuối tuần này
Và điều kiện để các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, theo ông Kerry là: "Yêu cầu duy nhất đối với Nga là khôi phục lại các chuẩn mực quốc tế đối với hành vi giữa các quốc gia, cụ thể là việc tôn trọng biên giới, chủ quyền..."

Những gì mà ông Kerry đưa ra đồng nghĩa với việc, nếu Nga muốn tránh những sự trừng phạt về kinh tế, thì tốt nhất họ nên chấm dứt những sự hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine, và trên hết là trả lại bán đảo Crimea - đã bị sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014 cho quốc gia Đông Âu này.

Sở dĩ Mỹ tự tin vào các hành động trừng phạt gia tăng của họ sẽ mang lại kết quả bởi từ tháng 6/2014, phương Tây đã áp dụng một số biện pháp trừng phạt vào kinh tế Nga. Nó khiến cho đồng rúp của Nga mất giá 11% so với đồng USD (tỉ giá hôm 16/12/2014). Đây là sự sụt giảm lớn nhất của Nga kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998.

Tiếp đến, giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh, và các nước xuất khẩu dầu mỏ thuộc OPEC cũng tuyên bố không giảm sản lượng của mình, cho dù giá dầu có xuống đến 40 USD/thùng. Hiện tại giá dầu đang ở mức 60 USD/thùng, và nền kinh tế Nga đã thiệt hại hàng chục tỉ USD. Giá dầu tiếp tục giảm, Nga sẽ phải chấp nhận sự thật rằng nền kinh tế của họ bắt đầu suy thoái.

Cùng với những hành động ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Mỹ với các nền kinh tế đầu tàu của EU, Washington đang hứa hẹn EU - đối tác thương mại lớn nhất của Nga sẽ chung lưng đấu cật với Mỹ trong những biện pháp trừng phạt gia tăng.

"Có nhiều yếu tố xảy ra cùng lúc khiến kinh tế Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng các biện pháp trừng phạt là nguyên nhân chủ yếu. Đã đến lúc Tổng thống Putin phải đưa ra lựa chọn cho mình, và thời gian cho quyết định đó không còn nhiều."

Tỉ giá đồng rúp đang phản ánh những tác động mà trừng phạt của phương Tây áp đặt lên nước Nga
Tỉ giá đồng rúp đang phản ánh những tác động mà trừng phạt của phương Tây áp đặt lên nước Nga

Putin có gì khi lâm trận?

Những yêu sách mà Mỹ đưa ra với nước Nga quả thực đã vượt quá giới hạn, khi họ không mảy may chú ý tới tâm tư của Moscow. Bán đảo Crimea là yếu tố mang tính "lợi ích cốt lõi" của Nga. Cuộc đảo chính ở Ukraine còn đang lộn xộn, Nga đã nhanh chóng cất nhanh viên ngọc Crimea này vào túi mình.

Và những chiến lược của Nga, tâm huyết của Nga nhằm biến miền Đông Ukraine thành một vùng đệm chắc chắn sẽ không thể giũ bỏ một sớm một chiều. Chẳng cần phải tối hậu thư của nước Mỹ, chẳng cần phải mất thời gian chờ đợi, chắc chắn Tổng thống Putin đã có câu trả lời cho họ: Nga sẽ không bao giờ nhượng bộ.

Như vậy, chiến tranh kinh tế sẽ phải nổ ra. Và khi "lâm trận", Tổng thống Putin đang có những gì trong tay?

Tại cuộc họp của Thủ tướng Dmitry Medvedev với các cơ quan phụ trách kinh tế của chính phủ, Ngân hàng trung ương, lãnh đạo các tập đoàn ngày 17/12, Nga đã tuyên bố họ có đầy đủ công cụ để ổn định nền kinh tế.

Thủ tướng Medvedev khẳng định Nga đang có đủ số lượng dự trữ ngoại tệ để cân bằng tỉ giá đồng rúp, đồng thời có sẵn những phương án đối phó với các hành động gia tăng trừng phạt kinh tế.

Thủ tướng Medvedev khẳng định Nga đã sẵn sàng đối phó
Thủ tướng Medvedev khẳng định Nga đã sẵn sàng đối phó

Những gì ông Medvedev phát biểu, tính đúng sai chưa được kiểm chứng, nhưng trước mắt, Moscow đang bắt đầu úy lạo tinh thần binh sỹ - là những cơ quan tài chính, doanh nghiệp, tập đoàn, ngân hàng - những mục tiêu sẽ bị nhắm đến trong đợt trừng phạt mới. Tinh thần đương đầu và đồng lòng, sát cánh với chính phủ vào thời điểm này sẽ là một chỗ dựa tốt để Tổng thống Putin bước vào trận đánh.

Tuy nhiên, nước cờ cao hơn của ông Putin không phải ở nội tại, mà chính là ngoại giao. Còn nhớ cách đây vài ngày, Tổng thống Hollande của Pháp đã có cuộc gặp chớp nhoáng với Tổng thống Putin ở Moscow. Chưa từng có tiền lệ những cuộc gặp kiểu như vậy trong nhiều năm nay trong mối quan hệ Nga - phương Tây.

Không biết họ đã bàn những gì với nhau, nhưng sau cuộc điện đàm ngày 17/12/2014, Nga đã tuyên bố rút thủy thủ trên tàu Mistral về nước để... đón năm mới theo thông tin từ Đài tiếng nói nước Nga. Dường như đã có những đàm phán, thỏa thuận giữa hai bên, và Nga bắt đầu thực hiện những giao kèo của họ. Một khi Nga không gia tăng sức ép với Pháp về thương vụ Mistral, thì để có đi có lại, Pháp sẽ phải chấp thuận Nga một số điều kiện.

Tiếp đến, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã điện đàm với Tổng thống Nga Putin. Ngay sau đó, cuộc điện đàm các bên Nga - Pháp - Đức - Ukraine được nối và thêm nhiều vấn đề được thống nhất, trong đó có việc thực thi hiệu quả các thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine.

Mỹ muốn Nga trả lại những gì đã lấy của Ukraine
Mỹ muốn Nga trả lại những gì đã lấy của Ukraine

Có thể thấy, Nga đang tích cực đẩy cuộc xung đột Ukraine theo một chiều hướng tốt. Với chiều hướng này, EU không có lý do để gia tăng trừng phạt với Nga. Nhìn vào những quốc gia mà ông Putin điện đàm, gồm nước Đức - đầu tàu kinh tế của EU, và có mối quan hệ khá thân thiện với Nga. Còn nước thứ hai là Pháp, vốn đang vướng mắc về những điều khoản hợp đồng Mistral trị giá vài tỉ USD.

Động thái Đức bày tỏ muốn Nga tái xây dựng dòng chảy phương Nam thay vì qua Thổ Nhĩ Kỳ thì qua lãnh thổ Bulgaria, đến Italia như ban đầu, cho thấy Đức bắt đầu ngã giá. Hiện Nga chưa có thông tin hồi đáp điều này, nhưng phần nào hé lộ những thỏa thuận giữa các bên.

Một khi Nga chịu hợp tác với EU, xuống nước trong một vài thỏa thuận kinh tế, sẽ khó lòng để EU theo Mỹ trừng phạt nước Nga. Cần phải nhớ rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ có hiệu quả nếu có sự tham gia của châu Âu, bởi đây mới là đối tác chính của kinh tế Nga chứ không phải Mỹ.

Nếu Mỹ trừng phạt đơn phương chắc chắn sẽ không hiệu quả. Vài ngày tới vừa là thời gian để Nga suy nghĩ (theo quan điểm của Mỹ) nhưng cũng là thời gian để Washington tăng cường các hành động ngoại giao thuyết phục EU.

Đến thời điểm này, chính EU đang là lá bài mà cả Nga và Mỹ cùng giành giật. Mỹ là một đồng minh truyền thống, nhưng Nga sẽ là một bạn hàng mang lại nhiều lợi ích sát xườn hơn với EU.

Đỗ Minh Tú

No comments:

Post a Comment