(Baodatviet) - Cuộc đấu giữa Nga với Mỹ-EU đang ngày càng khốc liệt, TQ nhân cơ hội này vươn cái vòi bạch tuộc của “Con đường tơ lụa” ra khắp thế giới.
Trung Quốc tranh thủ “trói” châu Âu vào “vòng kim cô kinh tế”
Báo chí phương Tây đồng loạt đưa tin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang đẩy nhanh tiến trình khai thông “con đường tơ lụa” vươn tới Trung và Đông Âu, cụ thể là Trung Quốc sẽ đầu tư 3 tỷ USD vào việc xây dựng phân khúc châu Âu của "con đường tơ lụa" và có ý định chi thêm 1 tỷ USD chi phí phát sinh cho dự án này.
Tất cả 16 quốc gia ở Trung và Đông Âu đã được mời tham gia dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Tại Belgrade, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã hội đàm trong hai ngày với lãnh đạo các nước này theo công thức “16 + 1” và đã tiến hành các cuộc hội kiến tay đôi.
Hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc với Trung và Đông Âu là sự kiện quy mô lớn nhất nhằm vận động sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình về thành lập khu vực thương mại tự do dọc theo con đường tơ lụa. Vào tháng 11, ông Lý Khắc Cường đã tổ chức hoạt động tương tự ở Myanmar tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc.
Dự án này là một phần của tham vọng bành trướng tài chính trên phạm vi toàn cầu của Trung Quốc. Mục đích của dự án là xây dựng một hành lang giao thông mới từ Địa Trung Hải đến Đông Âu và Trung Âu với con đường thuận tiện để đi tới châu Phi.
Phó Giám đốc Viện Chính trị và kinh tế thế giới (IMEMO) của Nga - ông Vasily Mikheev nói: “Một trong những ý tưởng quan trọng của ông Tập Cận Bình là chiến lược mới cho vốn tư bản Trung Quốc. Nguồn vốn đang rất dồi dào của Trung Quốc không có đủ chỗ đứng trên thị trường nội địa. Do đó, cần phải mở ra giai đoạn mới”.
Ông Mikheev nhấn mạnh, Bắc Kinh đang bước vào giai đoạn mới có thể được gọi là chiến lược bành trướng tài chính ở nước ngoài để mở rộng phạm vi ảnh hưởng về chính trị. Nguồn vốn tư bản Trung Quốc chính là một vũ khí mới, có sức mạnh ghê gớm trên vũ đài quốc tế, vì thế cần phải được hỗ trợ bằng sáng kiến chính trị lớn.
Vì vậy, Trung Quốc đã hiện thực hóa nó bằng chiến lược kinh tế quy mô trên phạm vi toàn cầu, đó là xây dựng con đường tơ lụa trên biển và trên bộ. Các dự án này là rất tốn kém, nhưng Bắc Kinh hoàn toàn có thể hoàn thành dự án kỳ vĩ này trong lĩnh vực hiện không có đối thủ cạnh tranh.
Tuyến đường tơ lụa trên đất liền và trên biển của Trung Quốc đang bao bọc cả châu Á và châu Âu
|
Hôm 18-11 vừa qua, Bắc Kinh đã tiến hành khai trương tuyến đường sắt xuyên lục địa Trung Quốc - Tây Ban Nha dài nhất thế giới, chạy từ phía đông Trung Quốc đến khu vực Địa Trung Hải của châu Âu, xuyên qua 6 quốc gia Á-Âu, có độ dài lên tới 13.052 km, với tổng thời gian hành trình lên tới 21 ngày.
Tuyến đường sắt Nghĩa Ô - Madrid (YixinOu - nối liền Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan) mới được đưa vào sử dụng này đã phá vỡ kỷ lục của tuyến đường sắt số 1 thế giới trước đây là tuyến nội địa Moscow-Vladivostok khi nó dài hơn tuyến đường sắt Nga tới 725km.
Tuy nhiên, không như tuyến đường sắt nội địa của Nga, trong suốt cuộc hành trình xuyên lục địa Á-Âu của mình, hàng hoá trên chuyến tàu Yixinou sẽ bị tái kiểm tra và đóng gói lại ở 3 trạm kiểm soát, do những tiêu chuẩn hải quan khác nhau ở những quốc gia mà nó chạy qua.
Bắc Kinh luôn muốn nối Nghĩa Ô, trung tâm bán buôn hàng hoá tiêu dùng lớn nhất thế giới thuộc tỉnh Chiết Giang với thị trường châu Âu bằng đường sắt. Theo Uỷ ban châu Âu, Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất của EU với kim ngạch giao dịch thương mại song phương lên tới hơn 1 tỉ USD/ngày.
Xây dựng được tuyến đường sắt này, Trung Quốc sẽ bớt phụ thuộc vào vận chuyển đường biển và hàng không. Ngoài ra, đường sắt được cho là phương tiện nhanh hơn đường biển và rẻ hơn nhiều so với đường hàng không. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể sẽ phải trợ giá, do chi phí vận chuyển trên tuyến đường đường sắt này đang có giá cao hơn 20% so với tuyến đường biển.
Cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo sẽ xây dựng tuyến đường sắt tơ lụa mới mang tên YuxinOu, xuất phát từ thành phố Trùng Khánh, phía Tây Nam Trung Quốc, dài 11.179 km, qua 6 quốc gia là Trung Quốc (Tân Cương), Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan và dừng lại ở thành phố Duisburg của Đức.
Dự kiến, khi tuyến đường sắt này hoàn thành, việc đi lại giữa thành phố 30 triệu dân Trùng Khánh - biểu tượng phát triển của vùng tây nam Trung Quốc và Duisburg - cảng nội địa lớn nhất thế giới, đồng thời còn là một trong những trung tâm vận tải và thương mại quan trọng nhất của Đức sẽ mất khoảng 16 ngày.
Tuyến đường sắt YixinOu, nối liền Nghĩa Ô - Trung Quốc với Madrid - Tây Ban Nha
|
Ngoài ra Trung Quốc còn xây dựng 3 tuyến đường sắt mới cũng thuộc dự án “Con đường tơ lụa” là tuyến Vũ Hán - Meilink Pal Dube (Cộng hòa Czech) mang tên HanxinOu, tuyến Thành Đô - Lodz (Ba Lan) mang tên RongOu và tuyến Trịnh Châu - Hamburg (Đức) mang tên ZhengxinOu.
Toàn bộ các tuyến đường sắt Yixinou, YuxinOu, HanxinOu, RongOu và ZhengxinOu sẽ “hợp long” ở Lan Châu, sau đó đi qua Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi) - thủ phủ của khu tự trị Tân Cương. Bắt đầu từ đó, nó sẽ chạy qua Kazakhstan và tỏa thành nhiều nhánh để tới các địa điểm ở châu Âu.
Trong bối cảnh sự đói khát tài chính trong EU, thái độ hào phóng của Trung Quốc là không có giới hạn. Hơn nữa, Bắc Kinh hứa sẽ khuyến khích các công ty và ngân hàng ở Trung và Đông Âu phát hành chứng khoán để thanh toán nợ trên thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, các bên đang tìm kiếm khả năng thành lập một quỹ phi Euro để thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ.
Xét theo mọi việc, doanh nghiệp châu Âu đánh giá tích cực kết quả chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường, coi đó là một cơ hội tốt. Nhưng giới chính trị ở nhiều nước lo lắng trước việc Trung Quốc đang tích cực tiếp cận châu Âu, coi hoạt động của ông Lý Khắc Cường là một thách thức bởi Bắc Kinh đang muốn “trói” châu Âu vào chiếc vòng kim cô kinh tế của mình.
Lung lạc châu Á bằng lợi ích, tấn công ngoại giao kinh tế vào ASEAN
Tại diễn đàn ASEAN và hội nghị cấp cao Đông Á (12-14 tháng 11), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã thu hút sự chú ý của các thủ lĩnh “nhóm 10” ASEAN cũng như lãnh đạo Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia tới sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trung Quốc đã bàn về mở rộng số lượng thành viên tham gia vào các dự án như tạo lập tuyến đường biển và đường bộ của Con đường Tơ lụa từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương và Ngân hàng Á châu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và khu vực tự do thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương.
Để thiết lập hành lang thương mại-giao thông Á-Âu, Trung Quốc đã thành lập “Quỹ Con đường Tơ lụa” và dự kiến đầu tư vào quỹ này 40 tỷ USD. Trước đó, Bắc Kinh công bố rằng ở bước khởi động sẽ đóng góp 50 tỷ USD vào dự án của Ngân hàng Á châu đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, quỹ này rộng cửa hoan nghênh các nhà đầu tư từ châu Á cũng như bên ngoài khu vực tham gia vào.
Phần “con đường tơ lụa” trên lục địa bên phíaTrung Quốc
|
Trước đó, phát biểu trong cuộc họp tại Bắc Kinh với các nhà lãnh đạo từ Bangladesh, Campuchia, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Pakistan và Tajikistan hôm 8-10, ông Tập Cận Bình nói mục tiêu của quỹ Con đường tơ lụa là để “phá vỡ nút thắt cổ chai trong kết nối” tại châu Á, tập trung xây dựng đường giao thông, đường sắt, cảng, sân bay khắp Trung Á và Nam Á cả trên biển và trên bộ.
Nằm trong chuỗi tham vọng này, trước đó, tháng 10/2013, trong chuyến thăm một số nước Đông Nam Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn đưa ra một “sáng kiến”, kêu gọi các nước trong khu vực cùng hợp tác với Trung Quốc để xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ 21” - thực chất là tuyến đường biển huyết mạch nối Trung Quốc với Ấn Độ Dương bằng cách đi qua Biển Đông và vượt qua eo biển Malacca.
Theo quan điểm của ông Viktor Sumsky - Giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc trường MGIMO, tại Naypyidaw thủ đô của Myanmar, cũng sẽ mở ra cuộc tấn công ngoại giao của Trung Quốc nhắm tới các nhà lãnh đạo đông nam Á bởi đề xuất của Trung Quốc phần nhiều phù hợp với những gì mà bản thân ASEAN mong muốn.
Dù sao chăng nữa, các nước có kết nối tương hỗ với nhiều hạng mục trong kế hoạch phát triển tổng thể trên không gian ASEAN. Cuộc thảo luận về chủ đề này diễn ra đã mấy năm nay, và trong suốt thời gian đó các nước ASEAN xem Trung Quốc như là một đối tác quan trọng trong quá trình thực thi các dự án cơ sở hạ tầng.
Nhìn toàn cục, cả “Con đường tơ lụa của thế kỷ 21”, cả dự án Ngân hàng Á châu đầu tư cơ sở hạ tầng mà phần lớn các chuyên viên gọi là phương án Trung Quốc thay thế cho Ngân hàng Phát triển châu Á, cả khu vực thương mại tự do ở châu Á-Thái Bình Dương - đều là những dự án địa chính trị ở tầm chiến lược và có cơ sở thực tiễn.
Nhận xét của chuyên viên Yakov Berger từ Viện nghiên cứu Viễn Đông của Nga cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà các dự án này được ví với kế hoạch Marshall, từng thay đổi cấu trúc mối quan hệ quốc tế sau Thế chiến II. Sáng kiến của Bắc Kinh có ý nghĩa quan trọng đối với châu Á, với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đối với thế giới về sự biến cải cơ sở hạ tầng.
Trung Quốc đề xuất phát triển công nghệ, thay đổi toàn bộ mạng lưới đường sắt, xa lộ, mạng tiềm năng cũng như bất kỳ mạng nào có thể liên kết toàn khu vực từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương. Đó là sự thay đổi trong hệ thống tài chính, mà chỗ dựa căn bản sẽ không chỉ riêng đồng USD mà cả những ngoại tệ khác, trước hết là đồng tiền quốc gia của Trung Quốc và các nước khác.
Phần “con đường tơ lụa” trên lục địa chạy sang châu Âu
|
Đó là sự thay đổi cả trong những khối hiện thực, bởi trong vành đai kinh tế của Con đường Tơ lụa sẽ gồm cả những vùng kém phát triển hơn so với Trung Quốc. Các địa bàn này đòi hỏi phải phát triển cả công nghiệp lẫn dịch vụ. Ý nghĩa quan trọng không kém là sự tái cơ cấu nền kinh tế thế giới, mà ở mức độ lớn cũng là tái cơ cấu chính trị.
Xem xét tính toán của Bắc Kinh về tái cơ cấu hạ tầng giao thông-liên lạc trên không gian Á-Âu, giới chuyên viên đã gọi đây là cuộc bành trướng toàn cầu mới của Trung Quốc, bởi túi tiền của Tập Cận Bình đang rủng rỉnh, còn chiếc ví của Obama gần như trống rỗng, trong khi các nền kinh tế đang khát vốn để tăng trưởng.
Thử điểm lại các khoản tiền của Bắc Kinh tung ra gần đây: Con đường tơ lụa mới 40 tỷ USD từ châu Á luồn lách đến từng ngóc ngách của châu Âu để xây dựng hệ thống cảng khẩu, khu công nghiệp cơ sở hạ tầng tại các quốc gia châu Á nó đi qua, 20 tỷ USD cam kết vốn vay cho khu vực Đông Nam Á và 8 tỷ USD cam kết cho riêng Myanmar vay.
Trong khi Nga với Mỹ và châu Âu đang đấu đá đến hồi quyết liệt vì cuộc khủng hoảng Ukraine thì quả thực Trung Quốc đã làm được rất nhiều việc. Túi tiền không đáy và tham vọng không giới hạn đã khiến Trung Quốc thò tay khống chế khắp 2 châu lục Á-Âu, tạo lập ảnh hưởng lớn ở châu Phi và Mỹ Latin.
Kinh tế quyết định chính trị, một khi Bắc Kinh xây dựng hoàn hảo con đường tơ lụa xuyên lục địa, toàn bộ 2 châu lục này sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc, đẩy bật ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi khu vực Á-Âu, chiến lược “tái cân bằng” của ông Obama có xoay tứ phía cũng chả thể giúp Washington tạo lập được sự cân bằng chứ đừng nói là răn đe Bắc Kinh.
Có thể Trung Quốc sẽ không nắm được vị thế lãnh đạo thế giới nhưng trên thế giới cũng không còn ai có thể kiềm chế được Bắc Kinh vì tất cả những mối quan hệ lợi ích đan xen chồng chéo giữa các bên. Trong cuộc đấu khốc liệt giữa Nga với Mỹ và EU, kẻ thắng cũng sẽ trở thành bại tướng dưới tay Trung Quốc.
Phải chăng đã đến lúc Nga-Mỹ-EU nên dừng lại, đừng để Trung Quốc “đục nước béo cò” rồi đến lúc hối hận cũng không kịp?
- Thiên Nam
No comments:
Post a Comment