Theo ông Cao Tung Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM, chất lượng nước các kênh, rạch trong những năm qua có chuyển biến đáng kể vì TP đã triển khai nhiều chương trình, dự án cải tạo. Dù vậy, trừ 2 kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Đôi - Tẻ, các hệ thống kênh còn lại đều không đạt quy chuẩn nước mặt.
Gia tăng chỉ tiêu ô nhiễm
Số liệu quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM cho thấy tình hình cải thiện chất lượng nước kênh, rạch từ năm 2013 đã chậm lại. Năm 2014, có dấu hiệu tái ô nhiễm biểu hiện qua việc gia tăng một số chỉ tiêu ô nhiễm: BOD5 tăng 18% so với năm 2012, COD tăng 3,6%... Chỉ số WQI (chất lượng nước) của 6 trạm quan trắc dùng cho mục đích cấp nước trên sông Sài Gòn - Đồng Nai có chiều hướng giảm so với năm 2013.
Giảm ô nhiễm môi trường là 1 trong 6 chương trình đột phá giai đoạn 2011-2015 mà Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ IX đã đề ra. Trong đó, chỉ tiêu cụ thể đối với nước mặt là giảm 80% nguồn ô nhiễm mặt nước ở nội thành (5 hệ thống kênh, rạch chính là Sài Gòn - Đồng Nai, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé, Đôi - Tẻ) và 60% ở ngoại thành (2 hệ thống kênh Thầy Cai - Cần Giuộc và kênh tiêu Ba Bò). Tuy nhiên, phân tích tình hình chất lượng nước các kênh, rạch hiện nay, ông Sơn thừa nhận đến năm 2015, TP sẽ không hoàn thành mục tiêu đã đề ra mà có thể phải đến giai đoạn 2018-2020.
Rác thải dày đặc trên nhiều dòng kênh ở TP HCM
TS Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện Môi trường và Tài nguyên TP HCM, nhận xét chỉ tiêu COD, BOD đều ở mức cao; coliform vượt hàng trăm ngàn lần cho thấy ô nhiễm còn khá nghiêm trọng và chủ yếu là ô nhiễm vi sinh. Theo TS Phượng, cần quan tâm đến các khu dân cư vì nước thải sinh hoạt chiếm đến 90%, gần 1,2 triệu m3 trong tổng số 1,32 triệu m3 nước thải phát sinh mỗi ngày nhưng chưa được thu gom xử lý đầy đủ.
Hiện nay, TP HCM chỉ có nhà máy thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt Bình Hưng (huyện Bình Chánh) với công suất 141.000 m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, các hệ thống kênh, rạch xung quanh các bãi rác tập trung của TP đều bị ô nhiễm về hữu cơ và dinh dưỡng. Nước thải từ các bệnh viện, cơ sở y tế cũng là vấn đề đáng lo ngại vì hầu hết lượng nước phát sinh đều đã vượt công suất xử lý. “Dù TP đã đầu tư rất nhiều nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển” - TS Phượng nhận định.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, cũng cho rằng chất lượng nước mặt tuy đã được cải thiện nhưng không đáng kể. “Đơn cử kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vừa được cải tạo xong nhưng chúng tôi vớt rác 2 ngày/lần, mỗi lần được 8-9 tấn, có lúc lên đến 11-12 tấn, vừa vớt xong đã thấy rác trôi về, nhiều nhất là khu vực Tân Bình” - ông Hoàng cho hay.
Quy hoạch lỗi thời
Về tiến độ các dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, ông Lưu Văn Tấn - Trưởng Phòng Quản lý nước thải Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập - cho biết dự kiến năm 2015 sẽ đưa vào hoạt động nhà máy xử lý nước thải lưu vực kênh tiêu Ba Bò. Trong quý II/2015, tổ chức đấu thầu gói thầu chính Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, công suất 480.000 m3/ngày đêm, dự kiến đến năm 2019 đi vào hoạt động.
Ngoài ra, TP HCM đang kêu gọi đầu tư dự án nhà máy xử lý Tây Sài Gòn (công suất 120.000 m3/ngày đêm) và Bắc Sài Gòn 1 (công suất 140.000 m3/ngày đêm). Riêng nhà máy xử lý Tham Lương - Bến Cát hiện phải thay đổi phương án thi công và điều chỉnh diện tích vì quận 12 chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Việc đầu tư cho công tác thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đang gặp khó khăn vì nguồn vốn lớn, chỉ riêng công tác thu gom đã “ngốn” gần 4 tỉ USD.
Theo ông Tấn, nguyên nhân không kém quan trọng khiến nước kênh, rạch hiện nay vẫn ô nhiễm là quy hoạch các hệ thống cấp thoát nước cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa phù hợp. Quy hoạch thoát nước đô thị xây dựng từ năm 1998, đến giờ đã lỗi thời. Kênh, rạch thoát nước hiện nay bị lấn chiếm, bị “khai tử” rất nhiều để xây dựng công trình, kể cả một số công trình phúc lợi xã hội khiến chức năng tiêu thoát nước kém, phát sinh ao tù, nước đọng.
Cơ quan chức năng hãy làm gương!
Tại hội thảo “Giải pháp cải thiện nguồn nước tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn TP HCM” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức vừa qua, cả Chi cục Bảo vệ môi trường TP và Viện Môi trường - Tài nguyên đều khẳng định nước thải sinh hoạt là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm kênh, rạch.
TS Nguyễn Thị Thanh Phượng cho rằng nước thải công nghiệp không đáng lo lắng vì chỉ chiếm 8% tổng lưu lượng xả thải và các khu công nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung! Vì vậy, phần lớn các giải pháp xoay quanh vấn đề nâng cao ý thức người dân và đầu tư hệ thống thu gom rác thải, nước thải sinh hoạt, trong khi các giải pháp kiểm soát ô nhiễm nguồn nước thải công nghiệp ít được nhắc đến.
Ông Lưu Văn Tấn, đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, lại có nhận định khác: “Chúng ta nói quá nhiều về nhận thức và hành vi xả rác bừa bãi của người dân trong khi chính các cơ quan chức năng còn du di trong xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm, không tạo được sự răn đe và làm gương cho cộng đồng. Nâng cao nhận thức của người dân là một quá trình dài. Vì vậy, các cơ quan chức năng nên làm tốt việc giảm thiểu ô nhiễm, cũng là làm gương cho người dân” - ông Tấn đề nghị.
Chủ Nhật, 22:18 21/12/2014
Bài và ảnh: Minh Khanh
Theo NLĐO
No comments:
Post a Comment