Saturday, November 29, 2014

Việt Nam: Tham nhũng mười, chỉ thu hồi được hai

HÀ NỘI (NV) .- Tuy tham nhũng tràn lan song từ đầu năm đến nay, Công an Việt Nam chỉ thụ lý 415 vụ án tham nhũng gây thiệt hại khoảng 6,700 tỉ và hệ thống tư pháp chỉ thu hồi được khoảng 22%.


Dinh thự trị giá hàng chục tỷ của ông Trần Văn Truyền, cựu Tổng thanh tra Chính phủ ở Bến Tre. Nhà cầm quyền chỉ thu hồi một căn nhà và một lô đất của ông Truyền nhưng không xử lý ông Truyền tham nhũng vì “không chứng minh được”. (Hình: VietNamNet)

Đó là những số liệu do Bộ Tư pháp CSVN công bố tại cuộc thảo luận “Đối thoại phòng - chống tham nhũng” lần thứ 13 để bàn về “Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng”, vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ CSVN khoe rằng, nỗ lực thanh tra, kiểm toán, điều tra, xét xử một số vụ  vụ án kinh tế, tham nhũng đã đạt được “tác dụng răn đe mạnh mẽ, tạo ảnh hưởng tích cực và củng cố niềm tin của nhân dân”.

Tuy nhiên cũng chính ông Đạt thú nhận, “tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn” và “hiệu quả của những giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn thấp, việc phát hiện tham nhũng còn yếu, cơ chế bảo vệ và khuyến khích, khen thưởng người tố cáo tham nhũng chưa đủ mạnh...”?!

Tuy tham nhũng gây thiệt hại rất lớn song ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ phó Vụ Pháp luật Quốc tế của Bộ Tư pháp Việt Nam, cho biết, có nhiều vụ không thể thu hồi tài sản vì  các viên chức tham nhũng đã chuyển hóa tài sản tham nhũng được bằng nhiều phương thức tinh vi như: chuyển quyền sở hữu cho người khác, rửa tiền, mua sắm rồi chuyển các tài sản có giá trị cao ra ngoại quốc…

Ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Tư pháp CSVN, nói thêm, việc thu hồi tài sản bị tham nhũng kém hiệu quả vì gặp nhiều khó khăn cả ở góc độ luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam.

Một số chuyên gia cả quyết, việc thu hồi tài sản bị tham nhũng sẽ tiếp tục kém hiệu quả vì Việt Nam vẫn sử dụng tiền mặt, chưa minh bạch về tài sản viên chức nhà nước, không thực hiện hệ thống đăng ký tài sản. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng chưa đủ tốt để giúp kiểm tra dòng tiền.

Chưa kể việc điều tra, giải quyết các vụ tham nhũng quá dài, quá nhiều cơ quan tham gia và thường là những cơ quan hữu trách không áp dụng những biện pháp cần thiết như kê biên tài sản của nghi can, giúp nghi can đủ thời gian, điều kiện để thực hiện các biện pháp tẩu tán hết tài sản.

Tham gia cuộc đối thoại, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam góp ý, Việt Nam nên nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giảm các giao dịch bằng tiền mặt, bên cạnh việc giảm các giao dịch trực tiếp giữa viên chức với doanh giới và dân chúng.

Ông Giles Lever, Đại sứ Anh tại Việt Nam khuyến cáo, cần nâng cao vai trò của báo giới trong việc phòng – chống tham nhũng. Làm được điều này thì các viên chức sẽ ngần ngại khi muốn tham nhũng. (G.Đ)
11-28-2014 10:54:42 AM

No comments:

Post a Comment