Saturday, November 29, 2014

Tam giác tàu ngầm Mỹ-Nhật-Úc

(PL)- Nhật đang hướng tới bốn loại vũ khí của Mỹ nhằm cảnh báo sớm và giám sát đảo xa.
Báo International Business Times (Úc) nhận định quan hệ hợp tác tàu ngầm ba bên Mỹ-Nhật-Úc đang hình thành tại châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Úc đang sở hữu sáu tàu ngầm lớp Collins. Số tàu này đã cũ và khả năng tác chiến không cao. Để tăng cường năng lực hải quân, Úc dự kiến đến năm 2030 sẽ lập hạm đội tàu ngầm thế hệ mới với số đội tàu ngầm tăng gấp đôi.
Đây sẽ là dự án đầu tư tốn kém nhất của Úc. Viện Chính sách chiến lược Úc ước tính Úc phải cần 36 tỉ USD để sắm 12 tàu ngầm.
Tạp chí Nikkei Asian Review (Nhật) nhận định Úc đang rất ấn tượng với công nghệ tàu ngầm diesel của Nhật bởi động cơ chạy rất êm. Đề xuất hợp tác phát triển tàu ngầm Úc-Nhật đã được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Úc Tony Abbott thảo luận hôm 12-11 bên lề hội nghị cấp cao APEC ở Bắc Kinh.
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật. Ảnh: KURE-NEWS
Trong khi đó, từ lâu Mỹ là nhà cung cấp các vũ khí chính cho hải quân Úc như ngư lôi, tên lửa hành trình.
Động thái hợp tác phát triển tàu ngầm với Úc cho thấy Mỹ và Nhật đã đặt niềm tin sâu sắc đối với Úc và xem Úc là đồng minh thân cận nhất. Vai trò phối hợp Mỹ-Nhật-Úc càng trở nên cấp bách khi Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường hạm đội tàu ngầm.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc hiện có 56 tàu ngầm, trong đó có năm tàu ngầm hạt nhân. Đầu năm 2014, hoạt động tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đã bị phát hiện trên Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, vào cuối năm nay, Trung Quốc sẽ đưa vào hoạt động tàu ngầm đầu tiên trang bị tên lửa đạn đạo với tầm bắn đến 7.500 km. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc sẽ có khả năng tiến hành tấn công hạt nhân trên đất Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có khả năng làm đảo lộn “ô dù hạt nhân” của Mỹ và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Nhật và Úc.
Về mặt chiến thuật, Mỹ đã phản ứng bằng cách bố trí tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles tại căn cứ hải quân trên đảo Guam. Hiện Mỹ đã có bốn tàu tấn công tại đảo Guam nhưng chưa thể quán xuyến nổi Ấn Độ Dương và vùng biển Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Mỹ và Nhật đã nhìn thấy lợi thế chiến lược tại Úc. Vị trí của Úc đối diện trực tiếp với Ấn Độ Dương và thuận lợi trong công tác quản lý biển Đông. Với đội tàu ngầm tiên tiến, Úc hoàn toàn có thể đảm nhiệm vai trò tốt hơn trong giám sát các vùng biển này.
Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Satoshi Morimoto nhận định Úc có thể phụ trách Ấn Độ Dương và biển Đông trong khi Nhật sẽ lo khu vực biển Hoa Đông.
Trong khi đó, nhằm tăng cường hải quân, trang web Business Insider của Mỹ ngày 25-11 (giờ địa phương) cho biết Nhật đang hướng tới bốn loại vũ khí của Mỹ:
- Máy bay E-2D Hawkeye: Nhật xem đây là thế hệ máy bay liên lạc và cảnh báo sớm lý tưởng. Nhật dự định mua bốn chiếc vào cuối năm 2019. Máy bay có chức năng như tháp điều khiển không lưu, đưa ra cảnh báo sớm về nguy cơ tấn công.
- Máy bay V-22 Osprey: Nhật dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ mua 17 chiếc. Chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao vào năm tới. Máy bay có tốc độ, linh hoạt, có thể sử dụng trong cứu trợ thảm họa và phòng thủ.
- Máy bay không người lái Global Hawk: Nhật dự tính mua ba chiếc. Máy bay có thể theo dõi mục tiêu trong 100.000 km2 mỗi ngày. Như vậy Nhật có thể giám sát các đảo xa tốt hơn.
- Xe tấn công-đổ bộ AAV7A1: Trong hai năm tới, Bộ Quốc phòng Nhật sẽ mua 52 chiếc. AAV7A1 có thể hoạt động bên cạnh lữ đoàn triển khai nhanh của Nhật và sẽ giúp Nhật đưa ra phản ứng nhanh tại các đảo xa.

Chủ Nhật, ngày 30/11/2014 - 04:55
DUY KHANG

No comments:

Post a Comment