Vậy thì cái hiện thực đó như thế nào mà gọi là “vết thương”?
Và vết thương đó là gì mà “không thể lành”?
Nhà báo Mặc Lâm, cũng là người chủ biên của “Những vết thương không lành,” cho rằng: “Tựa sách đã phần nào nói được những gì mà tác giả muốn chuyển tới cho người đọc. Mỗi câu chuyện là một vết thương và khi đọc xong cảm nhận của tôi là khó thể lành lặn. Khó lành không phải vết thương nằm nơi chí tử nhưng bởi vì xã hội, đất nước hôm nay không có cách nào điều trị cho chúng liền da.”
Cánh Cò, tác giả của cuốn sách, dùng “đôi cánh” của mình để làm cọ, dùng những chuỗi sự kiện diễn ra hàng ngày trên khắp tỉnh thành, phố phường để làm nền, dùng những nhân vật có thực làm màu sắc. Tất cả những chất liệu ấy kết nối thành một bức chân dung sinh động của con người và xã hội mang tên Việt Nam.
91 “mảnh ghép” trong hơn 500 trang sách là 91 câu chuyện thực, mỗi câu chuyện cô đọng trên dưới 3,000 chữ. Có thể đó là những sự kiện, những vấn đề xã hội mà người đọc trong và ngoài nước đều đã được nghe nói đến. Thế nhưng, chỉ khi đọc qua những trang sách của Cánh Cò, người ta mới vỡ òa trong niềm nhức nhối.
Từ dự án bauxite của Bộ Công Thương cho đến cái dịch sởi làm chết nhiều trẻ em trong nước. Từ cuộc biểu tình bất bạo động ở Hồng Kông ngày nay cho đến sự kiện Thiên An Môn ngày trước. Từ câu chuyện của anh Vươn tội nghiệp bị phá nhà chiếm đất cho đến những cái nhà hàng chục tỉ của Tổng Thanh Tra Chính Phủ Trần Văn Truyền...
Nhiều lắm! Rất nhiều những sự việc, nhân vật, mà trong đó, sang có, hèn có, quan hay dân đều có, "cao" hay "thấp" cũng có. Cứ như thể Cánh Cò trên những vùng trời sải cánh của mình, đã ghé lại, ghi nhận và góp nhặt từng vết thương của con người trong xã hội. Bất lực khi không phải là bác sĩ nên tác giả không thể tự tay chữa lành những vết thương đó. Cánh Cò chỉ có thể dùng đôi cánh của mình và biến nó thành ngòi bút để ghi lại, lột tả đến tận xương da của một xã hội mà nơi đó “nhân dân, những con người không được nói...”
Chúng ta sẽ không tìm thấy những câu, từ nặng nề, mang hơi hướm của đao gươm, cho dù ngay trang bìa là hai chữ “vết thương.” Ngược lại, lời văn, câu chữ diễn đạt quan điểm nhẹ nhàng đến...cay nghiệt.
“Hôn trong im lặng để khuyến khích bọn Do Thái giết người có khác gì sự im lặng của ông bộ trưởng trước hành vi bất nhân hàng loạt? Sự im lặng này không còn khó hiểu, nó đã có một định nghĩa mới: Sự im lặng bất nhân.” (Trang 28, trích “Những im lặng đáng khinh”)
“Mỗi ngày sự tha hóa đạo đức như chiếc xe không phanh, cứ chạy tuột khỏi trí nhớ người dân mà không thấy một cơ quan nào lên tiếng...Tất cả đều im lặng như những việc này không xảy ra tại Việt Nam. Những câu chuyện sát nhân được người dân theo dõi như xem một cuốn phim kinh dị.” (Trang 86, trích “Người Việt độc ác”)
Cái thâm thúy của tác giả là thế. Cánh Cò thấy được cái mà xã hội ai cũng thấy, cả phần không lành lặn của nó. Nhưng để chạm vào nó, miêu tả được cái đau của vết thương không lành đó thì chỉ là Cánh Cò.
“...đọc tin này như một vết cắt nhức nhối trong lòng nhưng khó có thể lên tiếng. Cái đau của người không đủ tiền để mua ly trà đá sau một cuốc xích lô cho khách...Họ là những công nhân miệt mài trong các nhà máy nước ngoài để lãnh những đồng tiền nội tệ ít ỏi. Họ là những nông dân mất ruộng, rổ rá ra đồng mót từng hạt lúa ép để sống còn...” (Trang 67, trích “Chiếc giường và tấm bảng”)
Có đôi khi người đọc cũng sẽ bắt gặp những câu văn rất mạnh mẽ, dùng những danh từ đanh thép để bình phẩm về một “mảnh ghép” nào đó trong bức tranh của mình.
“Có những loại côn đồ chỉ cầm đá khi được thuê. Khác với côn đồ mang mặt nạ tri thức không ai thuê nhưng tự nguyện làm gia nô. Cầm đá có khi đáng tha thứ hơn loại côn đồ cầm bút.” (Trang 295 – Côn đồ cầm đá và côn đồ cầm bút.)
Một sự so sánh không hề khập khiễng!
Đôi khi, ở một vài “mảnh ghép,” người đọc vẫn thấy đâu đó lời văn hài hước, duyên dáng, nhưng đâu đó, cái đau nhức vẫn còn vương lại.
Viết mà như không viết. Kể mà như không kể. Tất cả là những vạt màu tuôn chảy rất tự nhiên. Nhà báo Mặc Lâm nói rằng: “Cánh Cò hình như vắt ruột ra mà viết. Dịch vị tràn qua ngòi bút, thấm xuống màu giấy ố vàng và lan vào tim những ai yếu lòng. Mỗi câu chuyện trong sách bật tung một vấn đề. Có chuyện về người, có chuyện về thú hay cả người lẫn thú đan kết vào nhau trong một tư thế giằng xé đau lòng. Cánh Cò thu âm thanh tiếng kẽo kẹt từ chiếc giường bạc tỉ của một đại gia đặt kế bên tiếng ruột sôi èo ọt mỗi lần đói lả của trẻ con đường phố. Tổng bí thư hay thủ tướng gì cũng đầy ắp ruồi bậu trong từng hơi thở. Lợm giọng và khinh bỉ nhưng dân chỉ biết cúi đầu còn trí thức thì quay lưng làm ra vẻ cao sang không cần cố chấp.”
“Những vết thương không lành” thật sự len lỏi vào từng ngóc ngách của xã hội, từng ông tổng bí thư quyền cao chức trọng cho đến một ông du khách từ Đài Loan xa xôi đau xót khóc đứa con 3 tuổi trong vụ chìm tàu Dìn Ký. Không phải ngẫu nhiên mà Cánh Cò dẫn giải những câu chuyện đó. Mỗi câu chuyện của tác giả là một “mảnh ghép” có sắc thái riêng, có tiếng kêu khóc riêng. Để tựu trung lại, người ta có thể thấy xa xa kia, không phải là những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn, hay “rừng vàng biển bạc,” mà đó là: “Những màn kịch thay nhau diễn qua từng trang sách. Thay nhau cắn xé người đọc và nhất là thay nhau làm cho chúng ta mất ngủ.” (Mặc Lâm)
Buổi ra mắt tác phẩm Những Vết Thương Không Thể Lành của tác giả Cánh Cò được tổ chức lúc 7 giờ tối Thứ Sáu, 5 Tháng Mười Hai, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683.
Liên lạc: Đinh Quang Anh Thái (714) 719-3033.
11-26- 2014 5:04:13 PM
Kalynh Ngô/Người Việt
No comments:
Post a Comment