Phạm Chí Dũng Gửi tới BBC từ Sài Gòn
26 tháng 11 2014
Một năm sau hội nghị trung ương cuối năm 2013 “chưa lấy phiếu tín nhiệm trong đảng”, sau hai năm kể từ hội nghị trung ương 6 cuối năm 2012 Tổng bí thư khăn tay chấm mắt, chính sự Việt Nam vẫn gần như trọn vẹn nỗi tương thích giằng co khó giấu.
Vuột lỡ
Dường như những người tuyên bố “cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” và cả Ủy ban thường vụ quốc hội vừa vuột lỡ một cơ hội sắc nhọn liên quan đến “hai năm tín nhiệm thấp có thể từ chức”.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp quốc hội lần thứ 8 vừa qua đã như chấm dứt giấc mộng “thay máu” chính phủ. Kết luận quá dễ tìm là chẳng một ai trong giới quan chức chính phủ trực tiếp “điều hành kinh tế xã hội” và cũng mang nhiều tai tiếng nhất, cũng là đối tượng chính của khung kỷ luật trên - sẵn lòng đảm đương trách nhiệm rời bỏ ghế của mình.
Thậm chí ngược lại, “cặp bài trùng” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc Nguyễn Văn Bình còn ghi điểm tín nhiệm cao đột biến đến mức quá khó hiểu. Lời cảnh báo hoặc chờ đợi biến cố của một số dư luận trái chiều rốt cuộc đã không xảy ra: trừ một số quan lại đầu ngành vẫn nguyên bề lụn bại như bộ trưởng các ngành y tế, giáo dục, lao động…, giới chính khách đầu não của Chính phủ về tổng quan đã giành được một thắng lợi quan trọng.
Quan trọng đến mức xét một cách công bằng, đủ để lấy lại thế cân bằng từ dáng đi xiêu vẹo và có phần bị hụt hẫng trước đó.
“Thông cáo báo chí”
Vụ bắt doanh nhân Hà Văn Thắm gây xôn xao trong giới kinh doanh ngân hàng và bất động sản.
Trong chiến thắng khá ngọt ngào trên, có vẻ sự kiện Hà Văn Thắm của Ngân hàng Đại Dương bị bắt khẩn cấp đã góp một vai trò quan yếu. Xảy ra ngay vào thời gian đầu của kỳ họp quốc hội lần thứ 8, vụ việc đình đám này lập tức thu hút sự chú ý của cả báo chí quốc tế. Người bị xem là có liên quan đến Chủ tịch quốc hội đã như khiến cho khán phòng quốc hội lắng hẳn, trái ngược không khí “phản biện” khá sôi động trước đó. Và sau đó, người ta cũng không thấy ông Nguyễn Sinh Hùng than thở lộ liễu về câu chuyện “ăn hết lấy gì mà tiêu” về thực chất báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Ngay cả sự kiện đột ngột thu hồi tài sản của nguyên tổng thanh tra Trần Văn Truyền cũng không thể át được âm vang của vụ Hà Văn Thắm. Lẽ đương nhiên, có một sự khác biệt rất thực dụng giữa lối hành xử đối với một quan chức về hưu và một đại gia đương nhiệm. Hình như động thái xử lý một quan chức người Nam Bộ như ông Truyền chỉ mang tính vớt vát - đến từ những người chưa định hình nổi đường lối chiến lược cần phải tiến tới đại hội 12 của đảng vào năm 2016 như thế nào.
Điểm sáng duy nhất của vụ việc thu hồi tài sản Trần Văn Truyền chỉ là bằng vào một lần rất hiếm hoi, cơ quan thường hết sức kín tiếng và có vẻ yếm thế là Ủy ban kiểm tra trung ương lại quyết định dùng hình thức thông cáo báo chí đối với một quan chức cao cấp bị kỷ luật.
Thủ pháp gần như chưa có tiền lệ trên ít nhất đã cho thấy ngay cả những người bên đảng bắt đầu thực sự quan tâm đến vai trò của truyền thông, cho dù mới đây báo Giáo dục Việt Nam còn bị xử phạt hành chính vì nói cạnh khóe về “ghế cao + văn hóa lùn = ?”.
Truyền thông phi nhà nước
Không nhất thiết phải là tính thành khẩn của cơ quan chức năng trong việc minh bạch hóa công tác kỷ luật đảng viên, mà việc sử dụng hoặc lợi dụng một cách đắc dụng các phương tiện báo chí, kể cả trang mạng phi nhà nước, đang và sẽ là lợi thế cho những nhóm chính trị muốn tự mình “nâng lên một tầm cao mới”.
Phụ họa cho động thái vừa ẩn vừa lộ trên là hiện tượng ngày càng nhiều bài viết công kích và bới móc nội bộ được tung lên một số trang mạng phi nà nước, kể cả những trang bị chính quyền xem là “phản động”.
Từ tháng 4/2014, người ta bắt đầu nhận ra sự xuất hiện của một tác giả có tên Dương Vũ với loạt bài “Ai đang làm khánh kiệt đất nước?”, xoáy rất sâu vào nội bộ chính phủ, Ngân hàng nhà nước, đặc biệt ngành công an, với vô số thông tin mà nếu không phải do hoang tưởng thì chỉ có thể khởi đi từ những người nằm sâu trong nội bộ và chúa ganh ghét nhau.
Cho đến thời gian diễn ra kỳ họp quốc hội lần thứ 8 và sát ngày lấy phiếu tín nhiệm, tần suất và số lượng bài của Dương Vũ tăng hẳn lên. Đến nay, tác giả này đã truyền bá đến 12 kỳ viết.
Ngược lại, hàng loạt băng ghi âm về nguyên văn chất giọng của Hà Văn Thắm tiết lộ về một lãnh đạo rất cao lại tung hoành trên mạng. Thậm chí cả vài trang mạng “phản động” cũng lao vào cuộc trình diễn này như một sự cố tình.
Hai luồng đối lưu trên càng khiến tình hình chính sự trở nên rối bời trong bối cảnh đất nước ngày càng khó lối ra.
Giằng co đến phút 89?
Việc bổ sung hai ủy viên bộ chính trị Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Thị Kim Ngân tại hội nghị trung ương giữa năm 2013, dù được những ai đó hy vọng là phá vỡ thế bế tắc chính trường, nhưng đến nay vẫn chưa làm nên bất kỳ chuyển động rõ nét nào của bàn cờ chính trị.
Một năm rưỡi từ thời điểm trên đã trôi qua. Thời gian vụt nhanh đến mức bất kỳ chính khách tham vọng nào cũng đều cảm thấy đã bị mất đi một tài sản quý giá.
Phía trước, chỉ còn chưa đầy một năm rưỡi cho giai đoạn “chuẩn bị” đại hội 12. Chính xác chỉ còn 13-14 tháng nữa, theo dự kiến lịch trình đại hội này - một thời đoạn mà đến giờ có thể nói ngay là không còn đủ nếu so sánh với thời gian truyền thống cần ít nhất 1,5 năm để tạm hoàn thiện một bộ khung nhân sự nào đó.
Cũng bởi thế, mọi chuyện đang sa dần vào lối mòn dĩ vãng: khi thế giằng co bất dịch không thể bị phá vỡ, tất cả đều phải trông đợi vào phút 89.
Thậm chí là phút 90 hoặc 90 + 1, như lối nói lóng của giới chính khách quá chuyên nghiệp về chuyện hậu cung nhưng lại chẳng hề màng tới hậu sự dân tộc.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, nhà báo tự do tại Tp HCM.
No comments:
Post a Comment