Wednesday, October 29, 2014

Quan chức Mỹ mắng Thủ tướng Israel ‘hèn,’ gây thêm rạn nứt giữa hai nước

Tổng thống Barack Obama tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong phòng Bầu dục tại Tòa Bạch Ốc ở Washington, 1/10/2014.
Tổng thống Barack Obama tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong phòng Bầu dục tại Tòa Bạch Ốc ở Washington, 1/10/2014.
Cecily Hilleary
Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Israel tiếp tục cho thấy thêm căng thẳng trong tuần này sau khi một quan chức giấu tên của Mỹ được dẫn lời trong mộtbài báo đăng trên một tạp chí, gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bằng một tiếng lóng tục tĩu có nghĩa là "tên hèn vô dụng."
Ông Netanyahu đáp trả hôm thứ Tư trong một buổi lễ tại quốc hội Israel tưởng niệm một quan chức nước này bị ám sát.
"Lợi ích tối cao của chúng ta, chủ yếu là nền an ninh và sự thống nhất của Jerusalem, không phải là mối bận tâm chính của những quan chức ẩn danh công kích chúng ta và cá nhân tôi, trong khi sự công kích nhắm vào tôi chỉ vì tôi bảo vệ Nhà nước Israel," ông Netanyahu nói.
Vụ lời qua tiếng lại khiến chính quyền Obama ra sức khắc phục những tổn hại chính trị.
"Chúng tôi cho rằng những phát biểu như vậy là không thích đáng và phản tác dụng," Alistair Baskey, Phó Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc nói với trang tin Haaretz của Israel.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cũng lặp lại ý này trong một cuộc họp báo: "Tôi đã nói chuyện với Ngoại trưởng về vấn đề này sáng nay và ông chắc chắn quả quyết rằng một cuộc khẩu chiến không mang lại hiệu quả gì từ cả hai phía."
Căng thẳng nhiều tháng trước
Ngay cả trước khi bài báo được đăng, truyền thông Mỹ và Israel đã râm ran đưa tin rằng quan hệ giữa hai nước đồng minh đang lâm vào thời điểm khủng hoảng sau nhiều tháng xảy ra những vụ xung khắc ngoại giao và lạnh nhạt về chính trị.
"Chúng ta không nên giả vờ là không có cuộc khủng hoảng," Bộ trưởng Tài chính Israel Yair Lapid nói tại một sự kiện ở Tel Aviv hôm thứ Bảy. "Mối quan hệ của chúng ta với Mỹ là thiết yếu và phải làm tất cả mọi thứ có thể để chấm dứt cuộc khủng hoảng này."
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon trong lễ tốt nghiệp của các sĩ quan hải quân ở Haifa, 2/9/ 2014.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon trong lễ tốt nghiệp của các sĩ quan hải quân ở Haifa, 2/9/ 2014.
Những căng thẳng gần đây bắt đầu vào tháng 1, khi truyền thông Israel dẫn lại một phát biểu có tính riêng tư của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon, chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vì hành động "theo nỗi ám ảnh đặt sai chỗ và bằng sự nhiệt tình quá độ" trong vòng đàm phán hòa bình gần đây.
"Bộ trưởng quốc phòng không có chủ ý gây ra bất kỳ sự xúc phạm nào đối với Ngoại trưởng, và ông xin thứ lỗi nếu Ngoại trưởng phật ý vì những lời của Bộ trưởng," thông cáo của Bộ Quốc phòng Israel công bố ngày 20 tháng 3 nói, và bị Mỹ bác bỏ.
"Chúng tôi thất vọng vì thiếu một lời xin lỗi về phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ya’alon," một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó nói với báo giới.
Khi ông Ya'alon đến Washington vào tuần trước, theo báo Jerusalem Post, ông đã hy vọng sẽ hội kiến ông Kerry, Phó Tổng thống Joe Biden và Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, nhưng bị khước từ.
Mối quan hệ Mỹ-Israel luôn có những thăng trầm, theo lời ông Alan Elsner, phó chủ tịch truyền thông của J Street, một nhóm vận động phi lợi nhuận nói rằng họ ủng hộ Israel và ủng hộ hòa bình.
"Tôi nghĩ rằng mối quan hệ đã chầm chậm và từ từ xấu đi," ông Elsner nói. "Tôi không cho rằng chúng ta đang lâm vào khủng hoảng, nhưng tôi cho là chúng ta đang tiến tới một cuộc khủng hoảng nếu xu hướng này tiếp tục theo lối hiện giờ."
David Makovsky, giám đốc Dự án Tiến trình Hoà bình Trung Đông của Viện Washington về Chính sách Cận Đông, nhận định những căng thẳng này là không thể tránh khỏi: Dù gì thì ông Obama, giờ đang trong nhiệm kỳ thứ hai làm tổng thống, và ông Netanyahu, đang trong nhiệm kỳ thứ ba làm Thủ tướng Israel, đã nhiều lần từng đương đầu với những vấn đề khó khăn.
"Hai người họ đã làm việc với nhau sáu năm qua, và những gì xảy ra cứ chồng chất thêm," ông Makovsky nói. "Và đôi lúc hai người họ hợp sức lại thì hiệu quả hơn là làm việc riêng lẻ."
Mối quan hệ thất thường
Trở lại vào cuối năm 1997, cựu Tổng thống Bill Clinton từ chối gặp ông Benjamin Netanyahu trong chuyến thăm của ông đến Mỹ. Hai tháng sau, ông Netanyahu trở lại Washington và gặp gỡ những người thườn g xuyên chỉ trích ông Clinton và kết quả là ông Netanyahu không được mời đến Tòa Bạch Ốc. Vấn đề đang bàn thảo vào thời điểm đó, cũng như bây giờ, là tiến trình hòa bình lâm vào bế tắc.
Ngày nay, ông nói Elsner một vấn đề thậm chí còn gây tranh cãi nhiều hơn đang đe dọa mối quan hệ hai nước: thỏa thuận hạt nhân với Iran. Khi hạn chót ngày 24 tháng 11 đang đến gần, ông Elsner dự đoán mối hữu nghị giữa Mỹ và Israel sẽ căng thẳng hơn nữa.
Cuộc đàm phán nhằm mục đích thuyết phục Iran giảm chương trình tinh chế hạt nhân của họ để đổi lấy việc dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay. Iran kiên quyết phủ nhận họ tìm cách chế tạo một quả bom, nhưng ông Netanyahu cáo buộc Tehran đang cố gắng để "lừa phỉnh đến khi đạt được thỏa thuận" và tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.
"Tôi nghĩ rằng giờ mọi người đang chờ xem liệu sẽ có một thỏa thuận với Iran hay không," ông Elsner nói. "Và nếu có, khi đó tôi nghĩ rằng chúng ta có thể sẽ chứng kiến những lời lẽ rất giận dữ và thái độ căng thẳng, gay gắt từ cả hai phía."
Ngoại trưởng John Kerry ngồi cùng với các ngoại trưởng của nhóm P5+1 cũng như Đại diện Cấp cao Liên hiệp châu Âu Catherine Ashton và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, (ngoài cùng bên phải.)
Ngoại trưởng John Kerry ngồi cùng với các ngoại trưởng của nhóm P5+1 cũng như Đại diện Cấp cao Liên hiệp châu Âu Catherine Ashton và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, (ngoài cùng bên phải.)
Nhiều nhà quan sát nghi ngờ về việc đạt được thỏa thuận đến trước cuối tháng sau và dự đoán rằng nhóm P5+1 sẽ triển hạn đàm phán thêm sáu tháng nữa. Đến lúc đó, cuộc bầu cử giữa kỳ đã qua và diện mạo Quốc hội Mỹ có thể thay đổi rất nhiều, một điều mà ông Netanyahu có thể trông cậy.
Nếu đạt được thỏa thuận, ông Elsner nói Israel chẳng thể làm được gì nhiều để thay đổi. Với một ngoại lệ: Họ có thể thỉnh cầu trước Quốc hội Mỹ.
"Vì vậy, giả sử sẽ có một thỏa thuận với Iran và Iran được duy trì khả năng tinh chế uranium. Nếu Israel tích cực vận động sự chống đối để cố gắng phá hoại thỏa thuận, nhờ tới những nghị sĩ đảng Cộng hòa và một số thuộc đảng Dân chủ, lúc đó tôi nghĩ rằng sẽ có vấn đề thực sự," ông Elsner nói.
Đã có sự chống đối đáng kể trong Quốc hội đối với bất kỳ thỏa thuận nào nếu Tehran không tích cực hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Ngày 1 tháng 10, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce, dân biểu Cộng hòa bang California, và dân biểu Dân chủ Eliot Engel là hai trong số 354 thành viên của Hạ viện 435 nghị sĩ đã ký một lá thư gửi Bộ trưởng Kerry đòi Iran minh bạch hơn.
"Chúng tôi tin rằng việc Iran sẵn lòng tiết lộ đầy đủ tất cả những khía cạnh của chương trình hạt nhân của mình là phép thử cơ bản cho ý định của Iran trong việc duy trì một thỏa thuận toàn diện," bức thư viết.
Hầu hết các nhà phân tích đồng ý rằng mối quan hệ giữa ông Obama và ông Netanyahu vào thời điểm này đang lạnh nhạt. Nhưng họ nói rằng mối quan hệ giữa hai nước và hai quân đội vẫn vững như bàn thạch.
"Các mối quan hệ bên dưới, được thể hiện qua vô số phương diện - trong sự hợp tác hàng ngày, hợp tác quân sự và giao lưu văn hóa, du lịch, trao đổi học thuật và quan hệ kinh doanh - là cực kỳ sâu sắc, cực kỳ rộng và cực kỳ mạnh mẽ," ông Elsner nói.
Tuy nhiên ông Makovsky nhìn nhận:
"Ai đó mô tả tình hữu nghị này là ‘quá lớn khó sụp đổ.’ Thật không may, khi một số đối thủ nhất định nhìn thấy kẽ hở trong mối quan hệ giữa hai bên, đôi khi họ muốn khoét sâu vết rạn nứt đó thêm nữa.”


No comments:

Post a Comment