Wednesday, October 29, 2014

Hơn 10 lần kiến nghị, vẫn để người dân 'đu cáp'!

ÐẮK LẮK (NV) - Mặc dù đã nhiều lần có đơn kiến nghị khi nhận thấy hàng loạt cầu treo, dây cáp đang là mối đe dọa thường trực tới sinh mạng của người dân, song nhà cầm quyền CSVN vẫn không đoái hoài.

Theo báo Người Lao Ðộng, gần chục năm qua, hàng ngàn hộ dân ở xã Ea Huar, huyện Buôn Ðôn và xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Ðắk Lắk, vẫn bất chấp nguy hiểm, vượt các con sông để đến nương rẫy bằng dây cáp chằng néo vào 2 thân cây trên bờ.


Sau tai nạn chết người, người dân xã Hòa Lễ, vẫn phải qua sông bằng cáp treo. (Hình: Người Lao Ðộng)

Ông Nguyễn Ðức Việt, chỉ huy trưởng quân sự xã Hòa Lễ cho biết, ông Nguyễn Chua (54 tuổi) ngụ thôn 6, vừa bị tử nạn do dùng một chiếc ròng rọc luồn vào sợi dây cáp có độ dốc lớn cố định để qua sông và đã bị đập vào bờ đất, tử vong đang gây bực tức cho người dân.

Ðáng thương thay, trước đó vợ ông Chua là bà Nguyễn Thị Thọ cũng từng bị rơi khi qua sông bằng sợi dây tử thần này. Ông Chua nuôi vợ trong bệnh viện nhưng vợ ông đã không có cơ hội nuôi ông. Bi kịch gia đình xảy ra trên cùng một chiếc dây định mệnh.

Hơn thế nữa mỗi ngày, có hiện rất nhiều người đi làm bằng cách đu dây tử thần qua sông Krông Ana. Người bị thương vì đập vào bờ bên kia không ít, chỉ không ai biết mà thôi. Cái giá của sinh mạng con người đánh cược bằng một sợi dây. Cây cầu bắc qua con sông Krông Ana vẫn nằm trong đơn kiến nghị của xã.

Ðề cập vấn đề trách nhiệm trong vụ ông Chua, ông Ðoàn Hữu, chủ tịch xã Hòa Lễ cho rằng, nhà cầm quyền địa phương đã làm hết trách nhiệm nhưng “lực bất tòng tâm.”

Theo ông Hữu, trước đây tại xã có tổng cộng 21 dây cáp treo do dân tự chế để qua sông Krông Ana. Nhưng gần đây, nhận thấy sự nguy hiểm nên xã đã vận động tháo dỡ 18 dây cáp. Ba sợi dây cáp còn lại rất quan trọng vì chúng là phương tiện của hàng trăm hộ dân để qua lại khu đất sản xuất hơn 300 hecta cây trồng phía bên kia sông. Nếu không đi lại bằng cáp treo thì lấy gì sống?

Xã đã hơn chục lần kiến nghị với cấp lãnh đạo nên xây một cây cầu tại vị trí thôn 5, phục vụ nhu cầu đi lại cho toàn bộ người dân sản xuất phía bên kia sông nhưng chưa được đồng ý.

“Sau cái chết của ông Chua, người dân vẫn không còn cách nào khác là phải đi lại bằng các sợi dây cáp. Xã biết đó là nguy hiểm nhưng chịu, chỉ tha thiết mong cấp lãnh đạo sớm xây cầu để người dân bớt khổ,” ông Hữu nói.

Trong khi đó, ông Ðỗ Bình Chính, phó giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải tỉnh Ðắk Lắk cho biết, những chiếc cáp treo không có trong danh mục quản lý của sở mà thuộc quản lý của nhà cầm quyền địa phương. Còn việc đề xuất xây cầu thì sở cũng có công văn đề xuất với tỉnh, song quyết định xây hay không thì chưa thể nói trước (?!). (Tr.N)

10-29-2014 2:52:10 PM

No comments:

Post a Comment