Wednesday, October 29, 2014

'Ở Việt Nam có hối lộ bằng tình dục'

THU HẰNG - Thứ Năm, ngày 30/10/2014 - 00:50
(PL)- Theo Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh, hiện có ba vấn đề lớn cần sửa đổi trong BLHS để tăng hiệu quả phòng, chống tham nhũng: Mở rộng chủ thể phạm tội, xử lý hình sự pháp nhân, mở rộng khái niệm về hối lộ.
“Tình dục cũng được xem như một loại lợi ích phi vật chất được đưa ra để hối lộ cho quan chức trong giai đoạn hiện nay”. Đó là lời khẳng định của ông Khánh khi trao đổi với báo chí bên lề hội thảo hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong BLHS 1999 diễn ra tại Hà Nội ngày 29-10.
Không miễn trách nhiệm hình sự người đưa hối lộ
. Phóng viênTại diễn đàn Quốc hội mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị khi sửa đổi BLHS nên mạnh dạn miễn trách nhiệm hình sự đối với tội đưa hối lộ để khuyến khích việc tố cáo tham nhũng. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

 
Ông Nguyễn Doãn Khánh: Như ý kiến của các chuyên gia thảo luận, hối lộ có hai mặt giữa cung và cầu. Nếu không có người đưa hối lộ thì cũng không có người nhận hối lộ. Do đó hai tội phạm này, về tính chất, mức độ nguy hiểm cũng như tác hại của nó đối với sự lành mạnh của đội ngũ công chức nhà nước và bộ máy nhà nước là như nhau. Cho nên về mặt tội phạm những hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bắt buộc phải tính.
Tuy nhiên, để khuyến khích việc tố cáo tham nhũng thì chúng ta phải có chính sách xử lý đối với hành vi đưa hối lộ. Cụ thể, những trường hợp đưa hối lộ mà họ chủ động trình báo, cung cấp thông tin, lập công lớn giúp phá án, phát hiện, tố giác, xử lý hành vi của đối tượng nhận hối lộ thì có thể miễn trách nhiệm hình sự. Còn những trường hợp bình thường mà miễn trách nhiệm hình sự là bỏ lọt tội phạm.
Ba vấn đề lớn cần sửa đổi
Có ý kiến cho rằng việc sửa đổi BLHS lần này là cơ hội để đưa ra những giải pháp đột phá phòng, chống tham nhũng. Theo ông, những đề xuất nào được cho là đột phá trong dự thảo BLHS sửa đổi đang được thảo luận?
+ Vấn đề thứ nhất là liên quan đến việc mở rộng chủ thể phạm tội. Như vụ đường sắt vừa rồi, đối tượng nhận hối lộ là trong nước nhưng người đưa hối lộ là người nước ngoài. Hay như lĩnh vực tư nhân, bây giờ hợp tác công - tư đang trở thành loại hình hợp tác phổ biến, thậm chí xuyên quốc gia nên tác động của kinh tế tư nhân, các chủ thể tư nhân với thành phần kinh tế các nước là mối quan hệ liên kết chặt chẽ. Nếu chúng ta không có quy định về tham nhũng trong lĩnh vực tư thì sẽ tạo ra mảnh đất trống cho tội phạm tham nhũng. Từ lĩnh vực tư này có tác động đến lĩnh vực công nên việc mở rộng chủ thể phạm tội để đưa vào luật là vấn đề rất được quan tâm.
Vấn đề thứ hai là xử lý hình sự đối với pháp nhân. Đây là xu hướng mà Hội đồng tư vấn của Chính phủ cũng như đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Hiện nay chúng ta chỉ cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và trong nhiều trường hợp đã bỏ lọt, bỏ sót trách nhiệm của pháp nhân. Ví dụ đối với các doanh nghiệp, giám đốc có thể là chủ doanh nghiệp nhưng cũng có thể làm thuê, khi đem tiền đi hối lộ quan chức để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp đó mà lại xử lý mỗi người trực tiếp thực hiện còn người hậu thuẫn, có quyết định tập thể hẳn hoi mà không xác định trách nhiệm là bỏ lọt tội phạm.

Mở rộng chủ thể tham nhũng để đưa vào luật là vấn đề rất được quan tâm. Ảnh minh họa: HTD
Vấn đề thứ ba là mở rộng khái niệm về hối lộ đúng như các chuyên gia quốc tế đã nêu lên. Thường chúng ta có cấu thành vật chất đối với nhóm tội tham nhũng nên bắt buộc hành vi và hậu quả thiệt hại của nó là vật chất, đưa nhận hối lộ là vật chất. Nhưng trên thực tế có nhiều lợi ích khác không thua kém lợi ích vật chất, đó là lợi ích tinh thần. Ví dụ như chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu và có cả lợi ích phi vật chất khác… Vì vậy cần mở rộng khái niệm, phạm vi hối lộ phù hợp với chuyển biến về tình hình tội phạm để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng hiện nay.
“Bôi trơn” bằng tình dục cũng là hối lộ
. Thưa ông, trong bối cảnh của xã hội Việt Nam trọng tình nghĩa thì liệu có khó khăn khi luật hóa quy định mở rộng khái niệm hối lộ liên quan đến các lợi ích phi vật chất như tình cảm?
+ Đúng là có cái khó. Đối với luật pháp quốc tế họ quy định rạch ròi giữa quà biếu với của hối lộ cả về mặt giá trị lẫn hình thức thể hiện, Việt Nam thì chưa rạch ròi được chỗ này. Tất nhiên, khi giá trị tài sản được đưa cho người có chức vụ quyền hạn không nằm trong giới hạn thể hiện tình cảm thì nó chuyển hóa thành tài sản hối lộ. Một khía cạnh rất mới mà các chuyên gia quốc tế nêu là cả khía cạnh tình dục cũng được xem như một loại lợi ích phi vật chất được đưa ra để hối lộ cho quan chức trong giai đoạn hiện nay.
. Thưa ông, trên thế giới phát hiện chuyện hối lộ bằng tình dục rất nhiều, vậy qua giám sát và nghiên cứu của Ban Nội chính thì vấn đề này liệu đã có ở Việt Nam hay chưa?
+ Chuyện hối lộ bằng tình dục chắc chắn có ở Việt Nam. Đã có những truyện ngắn người ta viết thành đề tài văn học phản ảnh thực trạng xã hội.
. Vậy trong sửa đổi BLHS có nên đưa vấn đề này vào, thưa ông?
+ Chắc chắn khái niệm chung về vấn đề này đưa ra được. Đó là quy định “của hối lộ không bao hàm vật chất mà cả những lợi ích về mặt tinh thần mà người hối lộ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
. Quy định chung chung như vậy liệu có vận dụng được không, thưa ông?
+ Không, sau này sẽ có hướng dẫn thi hành luật sẽ nói rõ bao gồm những hành vi nào, “của” ở đây được giải thích như thế nào. Như vậy sẽ có tên cụ thể từng hành vi chứ không nói chung.
Xin cám ơn ông.
Luật hóa càng sớm càng tốt
Hành vi hối lộ bằng các lợi ích phi vật chất không chỉ là tình dục mà còn là cơ hội đi học, cơ hội việc làm, đi du lịch… Tất cả kiểu lợi ích này cần quy định ngay trong BLHS càng sớm càng tốt.
Ông ROBERT ALAN DOIGchuyên gia quốc tế cao cấp về chống tham nhũng, chuyên gia tư vấn UNDP
Phạt tiền pháp nhân
Một trong những hạn chế về xử lý tội tham nhũng là thu hồi tài sản tham nhũng. Do đó, đối với tội phạm về tham nhũng, ngoài hình phạt tù thì cần áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính để khắc phục thiệt hại. Tuy nhiên, hình phạt tiền chủ yếu chỉ áp dụng đối với tham nhũng trong lĩnh vực tư hay đối tượng xử lý hình sự là pháp nhân.
Ông NGUYỄN DOÃN KHÁNH
Phó Ban Nội chính Trung ương

THU HẰNG

No comments:

Post a Comment