Wednesday, October 29, 2014

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Đường lún, nứt là có tiêu cực

(Baodatviet) - Chừng nào tham nhũng, tiêu cực không kiểm soát được sẽ còn nhiều dự án lún, nứt như hiện nay.

PV:- Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014, đã có hơn chục tuyến đường cao tốc vừa thông xe đã lún nứt, tiêu biểu là tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long; cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây... Ông bình luận như thế nào về thực tế này? Theo thông tin ông được biết, các nước láng giềng có điều kiện địa chất tương tự Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc có phải đối mặt với tình trạng này không?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: - Có thể nói, trong đầu tư công từ hàng chục năm nay, cuộc đấu tranh cho hai yếu tố cơ bản là chất lượng và hiệu quả luôn là cuộc đấu tranh rất vất vả khó khăn. Trên thực tế, có những dự án được giám sát, thi công một cách nghiêm túc, khách quan thì hiệu quả được nâng lên đáng kể.
Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả luôn là điểm yếu trong đầu tư công của những quốc gia đang phát triển, chứ không riêng gì VN. Nhưng tốc độ phát triển của VN chậm, từ xây dựng quy trình, quy chuẩn, tuyển chọn nhân lực tới đầu tư công nghệ… VN còn ở trình độ thấp, dẫn tới ngay ở khâu thẩm định dự án, thi công, nghiệm thu còn rất hạn chế, không thể so sánh với các nước khác.
Kèm theo đó là bệnh tham nhũng hoành hành, tại VN căn bệnh tham nhũng, tiêu cực làm chất lượng và hiệu quả của công trình trở thành điểm yếu trong đầu tư xây dựng cơ bản. Nó cũng là nguyên nhân làm tăng nợ công do các dự án bị đội vốn, chất lượng kém, sửa chữa nhiều…
Còn lún, nứt mặt đường là trách nhiệm của người đứng đầu
Còn lún, nứt mặt đường là trách nhiệm của người đứng đầu
Tôi không nói 100%, nhưng không ít dự án lớn có vấn đề về chất lượng, vừa làm đã hỏng. Báo chí đã nêu tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long; cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Lại có những dự án nếu không có vấn đề về chất lượng thì lại có vấn đề về hiệu quả; không lún, nứt, xuống cấp, nhưng lại gia hạn, đội vốn. Tình hình trên giải thích vì sao nước khác làm một con đường chỉ mất 10 đồng còn VN phải mất 15 đồng. Đó là điểm yếu mình cần lưu ý.
Về nguyên nhân, tôi cho rằng ở đây có yếu tố của người lãnh đạo. Qua báo cáo của Chính phủ, tôi cảm thấy VN gần như đang bó tay với nạn tham nhũng hay chống tham nhũng đã nhờn thuốc. Tham nhũng ở VN đã và đang sống ký sinh trên đầu tư công. Ở các nước phát triển, họ đầu tư 10 đồng thì đủ 10 đồng đi vào dự án, còn ở VN, do quản lý kém, thất thoát, tham nhũng nên 10 đồng đầu tư chỉ có 7 đồng vào dự án. Nghĩa là đã có 3 đồng chảy vào túi riêng, gây thất thoát vốn.
Tham nhũng, tiêu cực, lãng phí luôn tác động qua lại với nhau, tạo cơ hội cho nhau phát triển. Một khi các dự án đầu tư công không được kiểm soát chặt chẽ, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí không được chống triệt để, nó sẽ ảnh hưởng ngay tới chất lượng dự án.
PV:- Trong khi, tất cả các tuyến đường nói trên đều có mức đầu tư rất lớn, giá thành làm đường cao tốc rất cao (theo Bộ trưởng Bộ KHĐT là gấp 3 lần Mỹ). Theo ông, nguyên nhân vì sao mà đồng tiền không đi liền chất lượng như vậy? Để xảy ra thực tế này, trách nhiệm của bộ chủ quản ra sao?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa:- Những dự án bị tác động từ những yếu tố khách quan, bất khả kháng thì nước nào cũng có, tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là yếu tố chủ quan, yếu tố con người.
Thứ nhất, do tắc trách, thiếu trách nhiệm trong quản lý, tham nhũng, tiêu cực sẽ tác động trực tiếp tới chất lượng của công trình. Do có tham nhũng, tiêu cực nên ngay từ khâu lọc dự án đã có chạy chọt, phong bì lót tay dẫn tới đánh giá, thẩm định dự án qua loa, không kiểm soát chặt chẽ các luận chứng khả thi, các đánh giá tác động tới môi trường không được cân nhắc, tính toán kỹ.
Từ khâu lọc dự án không kỹ, tham nhũng khiến các khâu thẩm định, phê duyệt, thi công, giám sát, mua bán, sử dụng thiết bị, nguyên vật liệu cũng sẽ có vấn đề theo, mà chỉ đến khi đưa vào sử dụng mới bộc lộ những yếu kém, khuyết điểm.
Trong quá trình đi tiếp xúc cử tri, tôi được nghe nhiều chuyện ăn bớt nguyên vật liệu, mua chuộc giám sát, thẩm định chỉ có tính chất tượng trưng…
Cứ thử hình dung, một con đường chiều dài mấy chục cây số, chỉ cần bớt 1cm độ dày của bê tông, của nhựa đường, của cốt thép thì số tiền đút túi sẽ lên tới bao nhiêu? Chừng nào tham nhũng, tiêu cực không kiểm soát được sẽ còn nhiều dự án lún, nứt như hiện nay.
Thứ hai, nhìn ở góc độ quản lý, chúng ta chưa có được cơ chế xử lý trách nhiệm kiên quyết, đủ sức răn đe. Nhiều dự án có vấn đề về chất lượng hay hiệu quả nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, không ai bị cách chức. Tôi cho rằng cần phải có cơ chế xử lý trách nhiệm thích đáng, như cách chức, bồi thường thiệt hại, thậm chí xử lý hình sự . Có vậy mới mong giảm thiểu được tình trạng kém chất lượng trong đầu tư công.
Trong thực tế, đầu tư công không chỉ có ở lĩnh vực giao thông, xây dựng mà còn có cả ở lĩnh vực y tế, giáo dục, tuy nhiên giao thông là lĩnh vực tiêu tốn nhiều tiền nhất, đầu tư lớn nhất và nhận được sự quan tâm nhiều nhất.
PV:- Lâu nay, qua báo chí, dư luận có biểu dương sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của Bộ trưởng Bộ GTVT… nhưng thực tế tiêu cực vẫn xảy ra, chất lượng dự án vẫn có vấn đề, liệu có phải đã hết thuốc chữa với căn bệnh nan y này, thưa ông?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa:- Trước tiên, tôi cho rằng đây có lỗi của hệ thống. Phải cải cách cả hệ thống, xây dựng lại quy trình điều hành quản lý, chú trọng yếu tố con người ở các khâu chứ không phải chỉ cá nhân người đứng đầu. Vai trò của người đứng đầu là phải vận hành được bộ máy chạy trơn tru chứ không phải sai đâu sửa đó, phát hiện lỗi chỗ này thì chạy xuống chỉ đạo, lỗi chỗ kia lại chạy đến điều hành… Đường lún, nứt mới xuống chỉ đạo chỉ là cách xử lý khi việc đã rồi.
Theo tôi, người đứng đầu không nhất lúc nào cũng phải vi hành, ở đâu cũng tới, chỗ nào cũng tới, có lỗi là tới, mà quan trọng là người lãnh đạo phải xây dựng, thiết kế hệ thống và tổ chức nhân sự đủ khả năng đảm trách công việc, tức là phải tạo ra được một bộ máy không cần lãnh đạo tới mà vẫn hoạt động hiệu quả.
Là người đại diện cho nhà nước mang tiền ngân sách đi đầu tư mà không hiệu quả, để xảy ra thất thoát, lãng phí, chất lượng với hiệu quả có vấn đề thì nhất thiết phải xem xét lại trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản.
PV:- Có thể nhận thấy rõ nỗ lực của bộ GTVT trong việc điều tra nguyên nhân đường lún nứt, xử lý nhà thầu làm đường kém chất lượng. Thậm chí, việc điều tra chỉ đem lại kết quả là tất cả đều minh bạch, không có rút ruột công trình, lỗi tại bê tông hay thời tiết... Vì vậy, việc quy trách nhiệm không thể thực hiện được. Ông có đề xuất giải pháp gì cho vấn đề này không, thưa ông?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: - Kinh nghiệm của nhiều nước, khi một dự án không đạt yêu cầu về tiến độ, thời gian, hiệu quả, lập tức sẽ xử lý trách nhiệm người lãnh đạo, nhẹ là điều chuyển, nặng thì cách chức.
Cách quản lý tốt là làm cho quyền lợi gắn liền với trách nhiệm, buộc người có chức vụ phải nỗ lực cao để đảm bảo cho sự bền vững của quyền lợi, chức vụ. Xử lý trách nhiệm nghiêm túc không cho phép khi có sai phạm rồi thì ngồi cãi qua cãi lại ai sai ở đâu, sai thế nào, mà người phụ trách phải chịu trách nhiệm cho sai phạm và thiệt hại xảy ra, thậm chí khi không có lỗi.
Ví dụ, khi cấp dưới tham ô, tham nhũng gây thiệt hại lớn thì trong phạm vi quản lý của mình, người lãnh đạo cũng phải chịu trách nhiệm, tự từ chức hoặc bị cách chức.
Đó là kinh nghiệm quản lý trong nền hành chính tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, quản lý hành chính tại VN hiện còn vướng nhiều yếu tố đặc thù nên không khuyến khích việc từ chức, thậm chí sai cũng không muốn hay không phải từ chức.
PV:- Theo ông, liệu Bộ GTVT có gặp khó trước các vấn đề kiểu như "lợi ích nhóm"... mà không được thể hiện năng lực như mong muốn hay không? Nếu vậy, với vai trò là ĐBQH, ông sẽ đề xuất gì để gỡ khó cho Bộ GTVT?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: - Ngay từ đầu, tôi đã đặt vấn đề phải lấy đặc điểm yêu cầu công vụ, yêu cầu bộ máy, yêu cầu xã hội làm chuẩn… Chừng nào còn những con đường lún, nứt, cầu hỏng, đập thủy điện sạt lở, công tình máy móc thiết bị vận hành, mua sắm không đúng chuẩn mực tức là người lãnh đạo chưa làm tròn trách nhiệm. Tất nhiên, cũng phải nghiên cứu từng trường hợp cụ thể thì mới kết luận được.
Tuy nhiên, theo cơ chế quản lý hành chính hiện nay, việc đánh giá hoàn thành trách nhiệm là rất khó vì nó bị tác động bởi nhiều yếu tố. Có khi do tồn dư từ nhiều đời lãnh đạo trước mà người kế nhiệm phải bổ nhiệm hay sử dụng người mà họ không muốn. Có khi do nể nang nên người đứng đầu muốn xử lý cũng không làm được như mong muốn.
Mỗi lần có sai phạm trong đầu tư công, tôi đề nghị thành lập hội đồng thẩm định độc lập, điều tra sự cố. Hội đồng này phải đảm bảo không bị tác động bởi lợi ích nhóm có như vậy mới tìm được nguyên nhân khách quan. Chỉ khi có kết luận chính xác, khi đó mới tìm được thuốc chữa.

PV:- Sắp tới, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về vấn đề này. Ông có kỳ vọng, báo cáo sẽ có những đột phá trong việc tiếp cận nguyên nhân và đưa ra giải pháp cho vấn nạn này hay không và vì sao?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: - Dù Bộ trưởng rất nỗ lực nhưng vẫn còn những dự án kém chất lượng, chưa hiệu quả, tôi chắc Bộ trưởng biết lý do tại sao. Tôi tin Bộ trưởng Bộ GTVT biết hết thực trạng, do đó tôi cũng tin Bộ trưởng sẽ có những giải pháp để khắc phục và cải thiện tình hình. Nếu không khắc phục được thì có thể còn có lý do khác, Bộ trưởng cũng cần thông tin cho Quốc hội và cử tri biết.
PV:- Xin cảm ơn ông!
Thứ Tư, 29/10/2014 06:42
  •  Vũ Lan

No comments:

Post a Comment