Thủy điện dày đặc, thiên nhiên lại khắc nghiệt đang đẩy người dân miền Trung - Tây Nguyên vào cảnh khốn cùng, trong khi các chủ đầu tư phủi trách nhiệm
Nhằm tạo một diễn đàn đối thoại đa chiều, ngày 28-10, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban MTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức diễn đàn “Thủy điện miền Trung, Tây Nguyên - Quan tâm của người dân và trách nhiệm của các bên liên quan”.
Chủ đầu tư nuốt lời
Ông Phạm Hát (ngụ xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam; làm nghề chèo đò trên sông Vu Gia) cho biết trước kia, số người làm nghề chèo đò như ông ở địa phương rất đông. Song, khi thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 mọc lên thì nhiều người phải bỏ nghề.
Sông Vu Gia trơ đáy vì thủy điện Đăk Mi 4 chặn dòng
“Nhiều lần chúng tôi đang chở khách ngược thượng nguồn buôn bán thì thủy điện đóng cửa đập không xả nước. Chúng tôi phải nằm chờ cả ngày, đến khi thủy điện xả nước mới về được. Giờ đây, người dân xã tôi không nói “lạy trời cho mưa xuống” mà nói là “lạy trời cho thủy điện xả nước xuống” - ông Hát bức xúc.
Người dân xã Đại Hồng cho hay dòng sông Vu Gia vốn rất rộng, có thể lên đến 200 m và không có bất cứ cồn cát nào. Khoảng năm 2009, dòng sông hẹp dần và xuất hiện nhiều cồn cát. Theo người dân, có thể thủy điện tích nước rồi xả lũ một lần đã khiến dòng sông bị sạt lở, tạo ra các cồn cát. Nhiều loài cá phổ biến như chình, mè, dược và các loài cua, ốc... cũng chẳng còn. Người dân xã Đại Hồng đã thử đo nước sông Vu Gia và nhận thấy mức thấp nhất và cao nhất có lúc chênh nhau đến 3 m.
Hạ nguồn là thế, người dân ở thượng nguồn thủy điện Đăk Mi 4 cũng chẳng đỡ hơn chút nào. Ông Lê Thanh Việt - Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam - cho biết người dân nhường đất xây dựng thủy điện đang rất lao đao. Tại nơi cư ngụ cũ, trung bình mỗi hộ có khoảng 0,3 ha đất ở và 4 ha đất ruộng. Thế nhưng, sau khi nhường đất cho thủy điện và đến nơi ở mới, mỗi hộ chỉ được cấp cả đất ở và đất vườn vẻn vẹn hơn 400 m2. Nguồn nước sinh hoạt trước kia lấy từ suối cách nhà chỉ hơn 10 m, nay phải dẫn từ đập trên núi hơn 6 km nhưng lắm lúc đập khô không có nước dùng.
“Chủ đầu tư xây cho mỗi hộ một căn nhà gạch, nói giá 70 triệu đồng nhưng không có trụ sắt bên trong mà chỉ lấy gạch xây xung quanh thôi nên người dân rất lo cho sự an toàn của căn nhà khi vào mùa mưa bão. Lúc về xây dựng nhà máy, chủ đầu tư hứa hẹn sẽ tạo công ăn việc làm, hỗ trợ cho người dân nhưng đến nay, không có con em nào của xã Phước Hòa được làm trong nhà máy thủy điện cả” - ông Việt nói. Ông cho biết hiện tỉ lệ hộ nghèo của xã lên đến 85%.
Một vòng luẩn quẩn
Ông Nguyễn Bá Thủy - Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, huyện Đăk G’long, tỉnh Đắk Nông - không giấu nổi sự chua xót khi nói về những người dân trên địa bàn chịu ảnh hưởng của thủy điện Buôn Tua Srah. Gần 95% dân số xã Quảng Hòa là đồng bào dân tộc ít người, họ tự khai thác nương rẫy, mỗi nhà có được khoảng 2 ha trồng bắp, trồng mì.
“145 hộ đã bị di dời để nhường đất xây dựng thủy điện. Tại nơi ở mới, chủ đầu tư thủy điện cấp cho mỗi hộ 140 m2, trong đó xây căn nhà 54 m2, phòng khách
16 m2. Đồng bào làm sao sống được trong những căn nhà như vậy? Ở được 3-5 ngày, họ lại đi vào rừng hoặc bán nhà cho người khác. Về đất sản xuất, chủ đầu tư hứa cấp mỗi hộ 0,6- 0,7 ha, bấy nhiêu thì trồng được gì? Vậy mà thực tế cũng chỉ cấp 0,2 ha thôi, nhiều hộ đến giờ còn chưa được cấp đất. Việc họ quay về khu vực thủy điện để canh tác trở lại hay kéo đi phá rừng là điều không thể tránh khỏi. Đây là một cái vòng luẩn quẩn: Di dời rồi quay về, trồng rừng rồi phá rừng” - ông Thủy nhận xét.
Theo ông Thủy, có đến hơn 900 ha rừng đã bị phá để làm khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng từ thủy điện Buôn Tua Srah.
Đây chỉ là vài trường hợp trong số nhiều cộng đồng dân cư đang gánh chịu tác động từ các dự án thủy điện. Theo TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ - khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 23 dự án thủy điện công suất trên 100 MW, 28 dự án công suất 50-100 MW và rất nhiều thủy điện có công suất dưới 30 MW. Phần lớn các dự án này đã đi vào hoạt động hay đang xây dựng.
TS Tuấn cho biết 10 năm trở lại đây, việc đầu tư xây dựng thủy điện diễn ra một cách ồ ạt nhưng chủ đầu tư không có nhiều chuyên môn trong thi công và vận hành thủy điện. Vì thế, họ xem nhẹ, thậm chí bỏ qua các yếu tố môi trường - xã hội, khiến người dân chịu nhiều thiệt hại và tổn thương.
Ông Ngô Xuân Thế, đại diện nhà máy thủy điện A Vương (Quảng Nam):
Xã hội hưởng lợi
Chính các thủy điện cũng bị tác động bởi biến đổi khí hậu như mưa xả không kịp, nắng không có nước xả, chứ không phải thủy điện là yếu tố gây biến đổi khí hậu. Giá điện đang quá rẻ và bao cấp cho toàn xã hội, nhóm hưởng lợi rất nhiều chứ không riêng chủ đầu tư. Các sông miền Trung ngắn và dốc, dung tích phòng lũ ít nên chủ yếu là tác dụng cấp nước về mùa hạ. Đơn cử trong tháng 9, chúng tôi có kế hoạch dừng hoạt động để kiểm tra, bảo hành 2 tổ máy của thủy điện A Vương nhưng không thể dừng vì nếu dừng thì hạ du không còn nước để uống chứ đừng nói sản xuất!
Ông Lê Quý Anh Tuấn, Giám đốc nhà máy thủy điện A Lưới (Thừa Thiên - Huế):
Tiền thuế đi đâu?
Chủ đầu tư đã chi 300 tỉ đồng cho việc tái định canh, định cư nên tôi khẳng định không có chuyện người dân mất đất. Chúng tôi đã đầu tư hệ thống cấp nước và cũng chỉ vận hành 1 năm thì phải bàn giao cho địa phương chứ chủ đầu tư không thể ôm suốt cả đời được. Chủ đầu tư làm xong là hết trách nhiệm. Do các sở, ban, ngành địa phương quản lý không chuyên nghiệp, để hệ thống hư hỏng, xuống cấp, không cấp nước được cho bà con chứ không phải lỗi từ chủ đầu tư.
Hằng năm, chúng tôi phải đóng cho tỉnh 75-80 tỉ đồng, gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, GTGT, phí dịch vụ môi trường rừng... Thế thì tiền đó đi đâu mà không đầu tư cho người dân, tiền có đến được với người dân không? Nếu tôi là dân sống ở khu tái định cư đó, tôi cũng bức xúc lắm!
Bài và ảnh: Minh Khanh
No comments:
Post a Comment