Tuesday, October 28, 2014

Châu Á chạy đua hải quân, cảnh giác láng giềng

Báo điện tử Tầm nhìn - Khoảng 90% thương mại thế giới vận tải bằng đường biển và phần lớn phải đi qua những eo biển hẹp và dễ thương tổn như Malacca, Singapore, Đài Loan. Thực trạng đó đã cuốn các nước châu Á-Thái Bình Dương vào cuộc chạy đua trang bị chiến hạm và tàu ngầm, tạp chí Mỹ Defence News nhận định.


 Ảnh minh họa

Đô đốc hải quân Đài Loan Chen Yeong-kang cho rằng, những tranh chấp lãnh thổ trong khu vực có thể gây gián đoạn thông thương hàng hải. Theo GS Stanley Weeks thuộc Trường Chiến tranh hải quân Mỹ, nhiều quốc gia trong khu vực đang tăng cường trang bị tàu hộ vệ, tàu tấn công nhanh…

Ngoài ra, hải quân và cảnh sát biển một số nước sắp tới có thể trang bị thêm máy bay, bao gồm máy bay không người lái, máy bay tuần thám biển P-3.

“Chi tiêu quân sự mạnh tay nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, hải quân hai nước này phát triển nhanh nhất thế giới. Hai quốc gia này không chỉ mở rộng lực lượng hải quân, họ còn đang xây dựng một số chiến hạm phức tạp nhất, bao gồm tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và tàu sân bay”, ông Guy Stitt, Chủ tịch hãng phân tích và tư vấn hải quân quốc tế (AMI) nói.

Truyền thông đặc biệt chú ý tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc và các chiến hạm tấn công bao gồm các tàu khu trục và tàu hộ vệ mới. Hải quân Ấn Độ có hai tàu sân bay đang hoạt động và sắp khởi động đóng chiếc thứ ba, ông Stitt nói.

Các chương trình phát triển hải quân ở châu Á-Thái Bình Dương đã tăng 15% trong thập kỷ qua. Ấn Độ đang chi tiêu và đóng mới nhiều tàu chiến hơn Trung Quốc. Hải quân Hàn Quốc và Indonesia cũng chi rất mạnh cho việc xây dựng lực lượng hải quân hiện đại.

Năm chương trình hàng đầu gồm tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo lớp Aridhaman của Ấn Độ, tàu ngầm KSS-3 của Hàn Quốc, tàu hộ vệ Sigma của Indonesia, tàu hộ vệ Kamorta của Ấn Độ và khu trục hạm Hobart lớp Aegis của Úc.

Theo chuyên gia phân tích Bob Nugent thuộc AMI, ưu tiên hàng đầu của khu vực là tàu ngầm. Hiện nay, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Việt Nam đều có tàu ngầm.

“Các nước này đã chi 40 tỷ USD cho việc đóng mới hoặc mua tàu ngầm”, Nugent nói. Úc, Đài Loan, Thái Lan và Pakistan cũng đang đóng hay mua các tàu ngầm mới trong vòng 20 năm tới. Malaysia vừa hoàn tất trang bị tàu ngầm.

Nhằm đối phó các nguy cơ từ CHDCND Triều Tiên và tranh chấp lãnh thổ tiềm tàng với Trung Quốc hay Nhật Bản, Hàn Quốc có kế hoạch triển khai thêm các khu trục hạm Aegis và các tàu ngầm tấn công hạng nặng. Tháng trước, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông qua kế hoạch đóng 3 tàu khu trục Đại đế Sejong 7.600 tấn lớp Aegis trị giá 4,2 tỷ USD.

Các khu trục hạm mới được trang bị hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng và hệ thống radar của hãng Lockheed, có khả năng theo dõi hàng trăm máy bay trong bán kính 500km.

Úc cũng lập kế hoạch xây dựng mới toàn bộ chiến hạm nổi, tàu ngầm và các tàu bổ sung trong vòng 20 năm tới. Úc gần như đã quyết định mua tàu ngầm Soryu tối tân của Nhật Bản. Nước này quyết tâm tăng cường và hiện đại hóa hạm đội trước sự nổi lên của Trung Quốc,Defense News nhận định.
08:58 | 29/10/2014
Theo Tiền Phong

No comments:

Post a Comment