Báo chí trong nước đưa tin Hà Nội long trọng kỷ niệm 60 năm “Ngày Giải phóng Thủ đô” 10.10.1954-10.10.2014.
Trong khi nhà cầm quyền đổ hàng trăm tỉ ra để tổ chức “Ngày giải phóng thủ đô” thì dân oan bị nhà cầm quyền các địa phương cướp đất vẫn biểu tình đòi công lý vòng quanh bờ hồ Gươm, Hà Nội. (Hình: Tễu Blog)
Một lễ kỷ niệm hoành tráng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với hơn 3,500 quan chức đại biểu tham dự, nhiều hoạt động văn hóa xã hội, ca nhạc chào mừng, cờ hoa biểu ngữ trang trí khắp các tuyến đường…Và hoạt động bắn pháo hoa tưng bừng tại 30 điểm.
Một bài báo trên VTC News (“Nếu chim hòa bình không bay được thì dân thông cảm”) đã hé lộ kinh phí Hà Nội phải bỏ ra cho ngày lễ này là 800 tỷ đồng Việt Nam (gần 38 triệu USD). Riêng việc bắn pháo hoa khoảng 30 tỷ đồng Việt Nam (khoảng hơn 1.4 triệu USD).
Đã có nhiều lời chỉ trích, kể cả thư kiến nghị của một số người dân yêu cầu Hà Nội hủy bỏ bắn pháo hoa tại 30 điểm vì quá lãng phí, nhưng rồi những người lãnh đạo nhà nước cộng sản nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn tiến hành. Một số blogger bình luận: Đúng là nhà nghèo chơi hoang. Lấp lánh rực rỡ chừng mươi, mười lăm phút mà bay vèo 30 tỷ lên trởi, tiền thuế mồ hôi nước mắt của người dân.
Trước đó, lãnh đạo Hà Nội đã lên tiếng cải chính về việc hủy bỏ bắn pháo hoa. Thế đấy. Pháo hoa đã mua rồi, tiền “phần trăm” cũng đã bỏ trong túi ai đó rồi, hủy làm sao được. Ở xứ này ý kiến, nguyện vọng của người dân là cái gì, như muỗi vo ve một lúc rồi hết, chưa kể, quan chức chính khách Việt có mấy khi đọc báo “lề trái”, thế là khỏi phải nghe thấy cái gì cả.
Mà đã thấm tháp gì so với hồi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, phóng tay đến 94 ngàn tỷ đồng Việt Nam tức khoảng 4.7 tỷ USD thời điểm đó. Dư luận rồi các đại biểu quốc hội đã từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính và những người có trách nhiệm, nhưng cũng chẳng hề có được con số cụ thể, minh bạch, rồi khi đại lễ qua đi, mọi người cũng quên.
Đó là chưa nói, nhiều công trình được gấp rút xây dưng chào mừng nhân dịp 1000 năm đó bây giờ nhìn lại đã bị xuống cấp hư hại do làm ẩu, làm gấp ra sao.
Đã thành cái lệ ở xứ Việt ta cứ mỗi khi có dịp là phải tổ chức cho thật to, thật hoành tráng, vẽ ra đủ thứ để có cớ chi tiền ngân sách, có cớ chia nhau bỏ túi. Hết kỷ niệm mấy chục năm ngày Quốc khánh 2 tháng Chín, lại mấy chục năm ngày thống nhất đất nước 30 tháng Tư, rồi kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi trận Điện Biên Phủ trên không….
Chỉ có chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Cộng hay ngày mất Hoàng Sa, Trường Sa, cuộc chiến với Khơ Me Đỏ là không thấy kỷ niệm, trái lại còn cố quên đi như hoàn toàn không có. Mãi sau này internet, báo chí “lề trái” phát triển, nhà cầm quyền biết có giấu cũng không được, mới thi thoảng cho nhắc đến mà thôi.
Trong cái sự tổ chức ăn mừng những “chiến thắng trong quá khứ” ấy ngoài cái lý do mà ai cũng biết là để tiêu tiền, và chia chác với nhau bất kể nền kinh tế nước nhà đang kiệt quệ, đời sống nhân dân đang khốn khó, còn có những lý do thuộc về tâm lý khác, của nhà cầm quyền.
Thứ nhất, bằng vào sự “ăn mày dĩ vãng”, họ muốn sơn phết, tô vẽ lại cho bộ mặt và “tính chính danh” của đảng cộng sản. Họ muốn nhắc đi nhắc lại với người dân rằng đảng cộng sản đã có công đánh Pháp đuổi Mỹ, thống nhất đất nước, không một đảng phái nào có thể so bì hay tranh giành được cái “công lao” ấy.
Mặc dù họ thừa biết rằng vào thời buổi có nhiều nguồn thông tin để kiếm tra như hiện nay thì một bộ phận người dân Việt Nam đã thừa biết sự thật về “tính chính danh” ấy của đảng, về nguyên nhân, mục đích, kể cả “những chiến thắng” của đảng cộng sản trong hai cuộc chiến tranh với Pháp, với Mỹ và với chế độ VNCH vừa qua.
Thứ hai, mỗi một lần lễ lạc, kỷ niệm là dịp để nhà cầm quyền lên dây cót tinh thần tự hào của người dân, và “tự sướng”. Tự sướng về chiến thắng đã đành, tự sướng về những “thành quả” đạt được.
Kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng thủ đô chẳng hạn, là dịp để nhắc lại những hình ảnh của Hà Nội thời chiến tranh, thời bao cấp, thành phố cũ kỹ nghèo nàn không được xây dựng, cuộc sống người dân khốn khó tằn tiện…để so sánh với bây giờ.
Cái sự so sánh bằng cách lộn sòng sự thật đó chỉ có thể có tác dụng với một số người Hà Nội, người miền Bắc. Còn với người Sài Gòn hay dân miền Nam thì cứ mỗi lần kỷ niệm ngày Thống nhất đất nước là người ta lại nhớ tới mức sống, nền kinh tế hay về nhiều mặt khác, Sài Gòn và miền Nam thời đó so với các nước láng giềng ra sao còn bây giờ thì thế nào, thành ra lại đâm phản tác dụng.
Nói là so sánh bằng cách đánh tráo sự thật bởi vì không thể cứ so sánh với chính mình trong quá khứ chiến tranh hay thời bao cấp, mà phải so sánh Việt Nam với các nước láng giềng chung quanh và thế giới trong thời điểm hiện tại, sau cùng một khoảng thời gian.
Phải nhìn lại Việt Nam bây giờ thống nhất về mặt lãnh thổ thì đã rõ, nhưng đã thống nhất được lòng người hai miền, trong và ngoài nước chưa. Thống nhất nhưng có thực sự độc lập hay luôn bị khống chế, điều khiển từ xa và luôn bị đe dọa bởi Trung Cộng, còn cuộc sống của người dân đã thực sự có hạnh phúc tự do dân chủ hay chưa?
Ăn mừng hoành tráng để mà làm gì khi số tiền hàng chục, hàng trăm tỷ đồng Việt Nam ấy lẽ ra có thể tiết kiệm, làm nhiều việc có ích hơn cho dân. Khi mà người dân đa số vẫn còn phải chạy ăn từng bữa. Khi xã hội vẫn còn đầy dẫy những câu chuyện thương tâm như một em bé học sinh lớp 3 đạp xe đi học về vì đói quá mà loạng quạng ngã xuống mương chết đuối. Một người mẹ vì quá quẫn bách đã thắt cổ chết để chồng con có chút tiền phúng điếu và để địa phương thương tình xét cho gia đình chị vào sổ hộ nghèo, có thể vay vốn làm ăn, vay tiền cho con đi học. Một người bán vé số chỉ vì bị kẻ xấu lừa khoảng 3 triệu đồng (tức chưa đến 150 USD) mà phải tự tử…
Có những ông bố bà mẹ phải ngủ trong ống cống hay bán máu để nuôi con ăn học, có những bệnh nhân phải chết chỉ vì không có nổi tiền đóng viện phí. Những người con Việt phải bỏ nước ra đi làm thuê ở xứ người hay nhắm mắt chấp nhận những cuộc hôn nhân khập khiễng với những ông chồng Đài, Hàn, Trung xa lạ để có chút tiền giúp cha mẹ…
Ăn mừng hoành tráng để làm gì khi cái được so với 60 năm “ngày giải phóng thủ đô” chẳng là gì so với cái mất đi. Với Hà Nội, là mất đi cái hồn của thành phố, nếp sống thanh lịch, tử tế của người Hà Nội xưa cũ. Còn lại một Hà Nội bây giờ tuy to hơn gấp nhiều lần, nhà cửa đường xá xây mới nhiều, hàng hóa phong phú thừa mứa, đời sống của một thiểu số là giàu có hơn hẳn. Nhưng đạo đức xã hội, những giá trị về văn hóa, nếp sống, sự lương thiện tử tế của con người thì xuống cấp trầm trọng.
Mà có riêng gì Hà Nội, đó là tình trạng chung của cả nước sau 40 năm thống nhất! Ăn mừng hoành tráng để làm gì khi mang tiếng là một Thủ đô ngàn năm tuổi, nằm trong số 17 thủ đô rộng lớn nhất thế giới, mà kiến trúc quy hoạch lộn xộn, hệ thống thoát nước kém gây ngập lụt, khói bụi ô nhiễm, giao thông hỗn loạn, hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển, nhà nhà mở cửa buôn bán xô bồ… Nói ngắn gọn, Hà Nội vẫn chưa phải là một đô thị đúng nghĩa.
Còn người Hà Nội bây giờ thì thường xuyên tạo nên hình ảnh mất thiện cảm trong mắt du khách nước ngoài cũng như người dân cả nước nhìn vào bởi những thói xấu như hay chửi tục, coi thường khách hàng với những kiểu “bún mắng cháo chửi”, không tôn trọng luật lệ giao thông, rất hay phân biệt vùng miền, phân biệt người Hà Nội gốc với người nhập cư…
Hãy nhìn sang nước Đức cũng vừa mới kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin sụp đổ, 25 năm thống nhất, tự do, dân chủ và cường thịnh, họ mới đáng để ăn mừng thật sự.
Nhưng như những kẻ điếc, câm, mù, những người lãnh đạo Hà Nội nói riêng và nhà cầm quyền nói chung vẫn cứ tiếp tục tìm cách phá tiền, hết nghĩ ra kỷ niệm ngày lễ này lại đến dự án xây cái kia làm cái nọ, cái nào cũng hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng Việt Nam. Cứ tiêu rồi con cháu đời sau trả, lo gì.
10-10- 2014 3:26:29 PM
Song Chi/Người Việt
Song Chi/Người Việt
No comments:
Post a Comment