Friday, September 26, 2014

Trung Quốc hưởng lợi nếu tham gia cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo

RFI-Đức Tâm

media
Cảnh sát chống bạo động gần vụ khủng bố tại Urumqi, khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, 22/05/2014.REUTERS/Cao Zhiheng/Xinhua

Không thể tự nhận là cường quốc mà lại thờ ơ trước các vấn đề quốc tế quan trọng. Trong một thời gian dài, Trung Quốc luôn luôn viện dẫn nguyên tắc « không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác », để lẩn tránh trách nhiệm trước các cuộc khủng hoảng quốc tế.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cáo buộc Trung Quốc hành xử như những kẻ đứng ngoài cuộc trong suốt 30 năm qua. Phát biểu này thể hiện rõ sự bực bội của Washington trước việc Trung Quốc từ chối ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Trong những tuần qua, các thông tin nói rằng một số lực luợng nổi dậy ở Tân Cương đã được các chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo huấn luyện. Do vậy, Bắc Kinh khó có thể không hành động. Hơn nữa, chính tổ chức khủng bố này tố cáo là các quyền của người Hồi giáo tại Trung Quốc đã bị tước đoạt.

Theo giới quan sát, mặc dù ít có khả năng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tiến hành khủng bố ngay trên lãnh thổ Trung Quốc, nhưng đây là một cơ hội để Bắc Kinh vừa tăng cường bảo vệ các lợi ích kinh tế, chính trị của mình, vừa thể hiện được vai trò cường quốc có trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu.

Trung Quốc biết rõ là muốn thách thức vai trò Hoa Kỳ trong tư cách cường quốc kinh tế số một thế giới, cần phải tham gia tích cực hơn vào các vấn đề quốc tế. Sức ép của quốc tế đối với Trung Quốc gia tăng, đặc biệt vào lúc này, khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bắt đầu khóa họp thường niên và Hoa Kỳ gia tăng các cuộc không kích nhắm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Syria.

Là nước nhập khẩu dầu lửa nhiều nhất thế giới, Trung Quốc rất cần đa dạng hóa các nguồn cung ứng nhiên liệu. Các nước như Ả Rập Xê Út, Iran, Irak có thể chu cấp thêm khoảng 6 triệu thùng dầu mỗi ngày cho Trung Quốc. Như vậy, Bắc Kinh được hưởng lợi nhiều nếu an ninh trong khu vực này được bảo đảm.

Bối cảnh hiện nay tạo hy vọng là Trung Quốc sẽ tham gia tích cực hơn vào lĩnh vực an ninh. Thế nhưng, dường như mọi việc vẫn nguyên trạng.

Mối đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo còn tạo cơ may cho Bắc Kinh thay đổi hình ảnh của mình. Cho đến nay, Trung Quốc bị tố cáo phát triển bộ máy quân sự, hung hăng đe dọa một số nước trong vùng Châu Á trong các tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo. Nếu Bắc Kinh ủng hộ liên minh quốc tế về quân sự trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, chắc chắn, quốc tế sẽ có cái nhìn khác về sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ tại Trung Đông sẽ tạo thế mạnh cho Trung Quốc đàm phán, kiềm chế được ảnh hưởng của Mỹ tại vùng Châu Á.

Trong con mắt của Bắc Kinh, chính sách xoay trục của Washington sang Châu Á là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Giờ đây, chính quyền Obama đang phải đối phó với nhiều hồ sơ nóng bỏng, như tổ chức Nhà nước Hồi giáo, khủng hoảng Ukraina, xung đột Palestine-Israel. Trung Quốc đang tìm cách xích lại gần Hàn Quốc với hy vọng chi phối liên minh quân sự tay ba Mỹ-Nhật-Hàn, tại Châu Á. Việc ủng hộ Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo sẽ tạo thế mạnh cho Bắc Kinh trong việc « dàn xếp » với Washington, để giảm bớt sự thống trị về quân sự của Mỹ trong khu vực.

Lập trường của Trung Quốc « ngầm ủng hộ » các hành động của Mỹ chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo là chưa đủ. Nếu tiếp tục chính sách « tọa sơn quan hổ đấu » thì Trung Quốc sẽ bỏ lỡ cơ hội được « ngồi cùng chiếu » với các cường quốc lớn trên thế giới.

No comments:

Post a Comment