P-3 Orion, chiếc máy bay chống ngầm hiện đại, là loại thiết bị mà các quan chức Mỹ dự đoán có thể bán cho Việt Nam một khi lệnh cấm giao dịch vũ khí sát thương được hủy bỏ.
P-3 Orion là máy bay bốn động cơ phản lực cánh quạt, chủ yếu làm nhiệm vụ chống tàu ngầm và giám sát hàng hải, được phát triển cho lực lượng Hải quân Mỹ và giới thiệu lần đầu vào những năm 1960. Đến nay, qua nhiều lần nâng cấp, chiếc phi cơ có thể đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự. Ảnh: Aviation Spectator.
P-3 có sải cánh khoảng 30 mét, dài 35 mét, cao 10 mét với một khoang chứa bom ở dưới thân trước máy bay. Bên cạnh đó, dưới cánh chiếc phi cơ cũng có thể trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau như: tên lửa chống hạm AGM-84H/K Harpoon, AGM-84E SLAM, tên lửa đối đất AGM-65F Maverick, ngư lôi Mk-46, Mk-50, Mk-54... Điều này khiến P-3 Orion linh động hơn trong các nhiệm vụ của mình. Trong ảnh, một chiếc P-3C Orion, phiên bản nâng cấp tối tân nhất, đang bắn pháo sáng báo hiệu chuẩn bị hạ cánh. Ảnh: Aviation Spectator.
Ngoài các nhiệm vụ chống ngầm, một số máy bay P-3C còn được cải tiến để hỗ trợ mặt đất hay trên chiến trường. Các thiết bị đi kèm gồm radar địa hình, cảm biến quang - điện tử với khả năng kết nối thời gian thực cho các nhiệm vụ trinh sát, tuần tiễu... Trong ảnh, chiếc P-3 đang tiến hành thử nghiệm rải chất chống cháy. Ảnh: Porterville Airport.
Nhiều đơn vị quân đội trên thế giới vẫn ưa chuộng sử dụng P-3 cho các nhiệm vụ của mình. Chiếc máy bay cũng xuất hiện ở các cuộc tập trận chung. Đến nay, có tổng số 734 chiếc P-3 được sản xuất. Năm 2012, nó gia nhập hàng ngũ số ít máy bay quân sự được quân đội Mỹ sử dụng trên 50 năm. Trong ảnh là các vũ khí, trang bị P-3 có thể mang theo trên một hành trình bay. Ảnh: Ar15
Một phi đội tiêu chuẩn điều khiển P-3C Orion gồm 11 người, trong đó có 3 phi công, 2 sĩ quan giám sát bay hải quân, 2 kỹ thuật viên, 3 sĩ quan vận hành thiết bị trinh sát và một kỹ thuật viên chung. Trong ảnh là buồng lái của một chiếc P-3C Orion. Ảnh: Aviation Spectator.
P-3 được trang bị một thiết bị phát hiện từ trường bất thường (MAD) ở đuôi máy bay. Thiết bị này giúp P-3 phát hiện dấu hiệu của bất cứ tàu ngầm nào trong phạm vi hoạt động. Tuy nhiên vùng ảnh hưởng của MAD thường bị giới hạn nên phi cơ phải bay thấp nếu muốn do thám tàu ngầm. Ảnh: Aviation Spectator
Vừa có hỏa lực mạnh mẽ, vừa cơ động trong thực thi nhiệm vụ là lý do P-3 được sử dụng rộng rãi. Trong ảnh, một chiếc P-3 đang thả mồi bẫy nhiệt. Ảnh:Aviation Spectator.
Thứ Sáu, ngày 26/9/2014 - 09:46
Theo Vũ Hoàng tổng hợp (VNE)
No comments:
Post a Comment