Cảnh sát chống bạo động phải tham gia bảo vệ các nhà máy ở Bình Dương (hình minh họa)
Tòa án TP. HCM hôm 4/7 đã tuyên án 10 người vì tội 'Gây rối trật tự công cộng' trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi tháng Năm.
Phiên tòa diễn ra cùng ngày với thông báo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó cho biết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do bạo động sẽ được vay vốn ngoại tệ để có thể nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất.
Chín người trong số này lãnh 6 tháng tù giam, trong khi một người bị tuyên phạt bốn tháng tù treo do "chưa đủ tuổi vị thành niên và gia đình có công với cách mạng", báo Nhân Dân cho biết.
Theo cáo trạng được báo này dẫn lại, các bị cáo đã "lợi dụng cuộc tuần hành" chiều 13/5 của công nhân Bình Dương để kéo sang các khu công nghiệp ở quận Thủ Đức nhằm đập phá doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc.
Ý định trên đã "bị lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời", cáo trạng cho biết.
Cũng theo cáo trạng, những người này đã "dùng gạch đá, bom xăng, xe máy đâm thẳng vào lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ, khiến cho 16 người bị thương."
"Vụ đập phá này đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp ở Thủ Đức là 24 triệu đồng tài sản và 140 triệu đồng tiền thiết bị".
Áp lực đền bù
Đây là một trong nhiều phiên tòa xét xử nghi phạm tham gia các vụ 'bạo động, gây rối và hôi của' nhắm vào một số doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài trong thời gian qua.
Bạo động bắt nguồn từ các cuộc tuần hành chống Trung Quốc ở Hà Tĩnh và khu vực phía nam hồi tháng Năm đã khiến nhiều cơ sơ sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc và Đài Loan, bị hư hại.
Các vụ xung đột cũng đã khiến ít nhất hai công dân Trung Quốc thiệt mạng.
Bắc Kinh và Đài Bắc đã yêu cầu Hà Nội phải đền bù cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Đài Loan cho biết vụ bạo loạn ảnh hưởng đến 425 doanh nghiệp nước này, trong đó 25 doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Tổng giá trị thiệt hại ước tính dao động trong khoảng 150-500 triệu đôla, và các thiệt hại kinh tế có liên quan là một tỷ đôla.
Hồi cuối tháng Sáu, chính quyền Việt Nam thông báo đã bắt đầu bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại qua hình thức tiền bảo hiểm và hoàn thuế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng được hoãn nộp số thuế còn nợ.
Mới gần đây, tập đoàn Formosa của Đài Loan đã đề xuất với chính phủ Việt Nam về việc thành lập đặc khu kinh tế tại Vũng Áng, động thái bị giới chuyên gia trong nước chỉ trích là nhân vụ bạo động để 'gây khó dễ'.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng Bảy, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên được báo trong nước dẫn lời nói một số đề xuất của Formosa "hiện pháp luật Việt Nam không quy định nên Chính phủ không đồng ý".
Trong một diễn biến liên quan, Ngân hàng Nhà nước hôm 4/7 đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp bị thiệt hại do các vụ bạo động, báo trong nước đưa tin.
Theo đó, các doanh nghiệp này có thể vay vốn bằng ngoài tệ từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để nhập khẩu thiết bị, máy móc phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản cho phép doanh nghiệp bị thiệt hại nặng tại Bình Dương được nhập máy móc, thiết bị từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan như hàng hóa thông thường mà không cần văn bản xác nhận của Bộ Khoa học và Công nghệ.
No comments:
Post a Comment