Saturday, July 5, 2014

Lạm thu vẫn tràn lan, nông dân phải đóng phí... nuôi vịt

HÀ TĨNH (NV) - Dẫu bị nghiêm cấm nhưng tự ấn định, buộc dân phải đóng quỹ, nộp phí vẫn rất phổ biến. Nhiều địa phương tại Hà Tĩnh đang buộc dân chúng phải nộp đóng đủ loại quỹ, nộp đủ loại phí.


Một phụ nữ ở xóm Trà Dương, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, đang xem yết thị để xác định gia đình mình phải đóng bao nhiêu cho quỹ, phí. (Hình: Tuổi Trẻ)

Trong số những loại phí mà nông dân Hà Tĩnh đang phải nộp có phí sử dụng máy cày, phí sử dụng máy tuốt lúa, phí nuôi vịt... Chưa kể họ còn phải đóng tiền cho đủ thứ quỹ như: quỹ an ninh quốc phòng, quỹ xây dựng cơ bản, quỹ chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học, quỹ xây dựng trường chuẩn quốc gia, quỹ thiên tai, quỹ tiêm phòng, quỹ hỗ trợ phụ cấp cán bộ.

Những loại phí, loại quỹ vừa kể hoặc tính theo gia đình, theo đầu người, hoặc tính theo đầu gia súc, gia cầm, diện tích đất.

Theo một phóng sự vừa được đăng trên tờ Tuổi Trẻ, các loại phí, loại quỹ vừa kể góp phần khiến nhiều gia đình ở Hà Tĩnh trở thành bần cùng, ngập sâu trong nợ vì phải vay để nộp. Trung bình, mỗi năm, một gia đình phải đóng hơn hai triệu cho đủ thứ phí, đủ thứ quỹ trong khi nhiều gia đình cần cứu đói.

Viên bí thư xóm Trà Dương, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh khoe rằng, ngoài huyện, xã, ngay cả xóm cũng có quyền ấn định các khoản quỹ, phí. Nhân vật này giới thiệu một danh sách, xác định từng gia đình phải nộp bao nhiêu tiền cho những khoản nào trong năm nay.

Theo đó, quỹ xây dựng cơ bản là 150,000 đồng/người trong độ tuổi lao động, quỹ an ninh quốc phòng 40,000 đồng/gia đình, quỹ đền ơn đáp nghĩa 15,000 đồng/người trong độ tuổi lao động, quỹ chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em 5,500 đồng/người trong độ tuổi lao động, quỹ thiên tai 5,500 đồng/người trong độ tuổi lao động, quỹ khuyến học 5,500 đồng/người không kể tuổi tác, quỹ tiêm phòng 25,000 đồng/mỗi con trâu, bò và 10,000 đồng/mỗi con heo. Riêng quỹ hỗ trợ phụ cấp cán bộ, ngoài việc mỗi người phải đóng 15,000 đồng không kể tuổi tác, mỗi gia đình còn phải đóng thêm 15,000 đồng/sào...

Ðáng chú ý là nếu chậm nộp, nông dân sẽ bị chính quyền địa phương bêu tên trên hệ thống loa truyền thanh, các thứ giấy tờ quan trọng cần có như khai sinh, khai tử, hôn thú không được cấp, những thứ giấy tờ khác cần chứng thực cho chuyện xin đi học, đi làm không có ai ký.

Năm nay, bà Ðặng Thị Thảo ngụ ở xóm Phúc Sơn, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã ngưng nuôi vịt vì năm ngoái phải đóng 750,000 đồng phí nuôi vịt (phí tính trên vịt con là 1,000 đồng/con, vịt đẻ trứng là 2,000 đồng/con) và chưa nộp nên còn nợ. Có thể vì nhiều người phản ứng như bà Thảo nên ông Thân Văn Nam, Chủ tịch xã Sơn Lộc, nói với tờ Tuổi Trẻ rằng, để khuyến khích phát triển chăn nuôi, họ sẽ buộc những gia đình không chăn nuôi phải nộp quỹ.

Trong danh sách các loại quỹ, phí ở Sơn Lộc, so với xã Quang Lộc, dân xã Sơn Lộc phải đóng thêm quỹ chăm sóc sức khỏe toàn dân là 80,000 đồng/người bất kể tuổi tác và quỹ xây dựng trường chuẩn quốc gia là 80,000 đồng/người bất kể tuổi tác. Viên Chủ tịch xã Sơn Lộc khẳng định, tất cả các khoản quỹ, phí đều được dân chúng “nhất trí.” Bằng chứng của sự “nhất trí” này là luôn có 80% nộp quỹ, đóng phí.

Trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ, trưởng phòng Tài Chính huyện Can Lộc, thừa nhận, tại Hà Tĩnh có rất nhiều khoản phí và quỹ vô lý. Gia đình ông ta không nuôi gia súc, gia cầm, chó, mèo nhưng cũng vẫn phải đóng quỹ tiêm phòng.

Tuy quỹ, phí đã được xác định là gánh nặng, gây bất bình lớn trong dân chúng, chưa kể lạm thu là một trong những nguyên nhân khiến nông dân trở thành bần cùng, phải bỏ xứ đi làm thuê, sự bất bình trong nông dân về lạm thu càng lúc càng lớn, trở thành mối đe dọa thường trực đối với nhà cầm quyền.

Tại một số nơi như Thái Bình, nông dân đã từng nổi lọan chống lạm thu. Năm 2002, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam ban hành pháp lệnh về phí, lệ phí nhằm ngăn chặn tình trạng lạm thu và tăng khả năng cung cấp dịch vụ của hệ thống công quyền cho xã hội và cá nhân nhưng từ đó đến nay, lạm thu chỉ tăng chứ không giảm.

Trong khi ở nông thôn, nông dân phải đóng quỹ, nộp phí như vừa kể thì tại thành thị, các loại phí, lệ phí được thu bằng cách cộng thêm vào giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Tháng 10 năm ngoái, ông Ngô Trí Long, một chuyên gia hành chính, cảnh báo, giới hữu trách vẫn tùy tiện ấn định phí, lệ phí và người dân đành nộp mà không có sự lựa chọn nào khác. Túi tiền của người dân vốn đã nhỏ bởi lạm phát cao kéo dài trong nhiều năm, nay lại càng teo tóp vì mức thuế, phí, lệ phí quá cao.

Các cơ quan cấp trung ương có quyền đặt định 393 khoản phí và lệ phí, còn các cơ quan cấp địa phương có thẩm quyền đặt định 39 khoản phí và lệ phí mà việc đặt định này lại phụ thuộc vào... nhận định của từng cấp, từng nơi nên mỗi chỗ mỗi khác. Cuối cùng, việc đặt định phí và lệ phí, mức phí, cách thu - quản lý - sử dụng trở thành tùy tiện, lộn xộn, không được kiểm soát.

Qua một vài nghiên cứu, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, tỉ trọng các khoản thu từ thuế và phí tại Việt Nam đang tăng ngày càng cao. Trong năm năm vừa qua, nguồn thu từ thuế và phí của Việt Nam hiện dẫn đầu khu vực.

Mức thu từ thuế và phí của Việt Nam hiện chiếm 20% GDP, trong khi Trung Quốc - vốn được xem là cao, chỉ có 17,3% GDP, Thái Lan và Malaysia xấp xỉ 15,5% GDP, Philipines 13% GDP, Indonesia 12,1% GDP và Ấn Ðộ chỉ 7,8% GDP. (G.Ð)

07-04-2014 4:21:31 PM

No comments:

Post a Comment