(Baodatviet.vn) - Hàng trăm ngàn người xuống đường tham gia cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong nhân kỷ niệm 17 năm đặc khu này được trao trả cho Trung Quốc.
Phóng viên TTXVN tại Hong Kong đưa tin chiều 1/7, đúng ngày kỷ niệm 17 năm Hong Kong trở về Trung Quốc Đại lục (1/7/1997-1/7/2014), phe dân chủ mở rộng ở Hong Kong đã tổ chức biểu tình, giống như mọi năm kể từ năm 1997, để bày tỏ những yêu sách chính trị của họ.
Hàng chục nghìn người đã tập trung tại Công viên Victoria (Công viên Trung tâm) ở khu Causeway Bay từ trưa 1/7 để chuẩn bị cho cuộc biểu tình khổng lồ đã được dự kiến từ lâu.
Sách Trắng của Bắc Kinh về Hong Kong và chân dung Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh đã trở thành những mục tiêu bị người biểu tình hủy hoại đầu tiên ngay từ buổi sáng 1/7 tại khu vực này.
Đúng 15h 23 chiều 1/7, đoàn người biểu tình bắt đầu cuộc tuần hành hòa bình của mình tại Công viên Victoria. Đến tận khi di chuyển, vẫn có rất đông người gia nhập dòng người biểu tình ở khu vực cuối công viên.
Xếp hàng tại một điểm bỏ phiếu để bỏ phiếu cho một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức về cải cách dân chủ tại Hong Kong. |
Trong số những người biểu tình có 2 người mang theo một chiếc quan tài.
“Điều này là để nhớ các nạn nhân của ngày 4/6 vừa qua và những số phận tương tự. Nó cũng hàm ý rằng việc Bắc Kinh phát hành Sách Trắng đã đặt dấu chấm hết cho lời hứa của Bắc Kinh" – một thành viên thuộc Liên đoàn Dân chủ Xã hội nói.
Trên đường đi, họ tiếp tục hủy hoại Sách Trắng về Hong Kong và chân dung Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh. Trên đường di chuyển về khu vực tòa nhà chính quyền ở khu vực Kim Chung (Admiralty), đoàn biểu tình đã thu hút thêm sự tham gia của đông đảo người dân Hong Kong, với số lượng lên tới hàng trăm nghìn người.
Theo kế hoạch dự kiến, những người tham gia biểu tình ngồi sẽ chốt tại đường Chater và duy trì biểu tình ở đó qua đêm 1/7, tới tận 8h sáng 2/7 và sẽ giải tán trước 9h sáng 2/7, với hy vọng chính quyền Hong Kong có thể xác lập quyền đề cử ứng cử viên Trưởng Đặc khu của người dân Hong Kong và đối diện thẳng thắn với cuộc khủng hoảng quản trị hiện nay ở Hong Kong.
Trước đó, gần 800.000 người Hong Kong đã bỏ phiếu đồng ý tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tự do về cải cách dân chủ. Các nhà tổ chức hôm 30/6 đã yêu cầu chính quyền Hong Kong thực hiện nghiêm túc ý nguyện của người dân.
Gần 800.000 người tham gia bỏ phiều lần này chiếm gần 1/4 trong tổng số 3,47 triệu cử tri năm 2012 của Hong Kong, thành phố có dân số khoảng 7,2 triệu người.
Cuộc bỏ phiếu được tổ chức dưới cả hai hình thức là trực tuyến và bỏ phiếu tại thùng. 88% những số phiếu yêu cầu các nhà lập pháp Hong Kong phủ quyết mọi cải cách chính trị không đáp ứng "chuẩn mực quốc tế".
Trong dòng người biểu tình có nhiều người lớn tuổi địa phương và cả những khách du lịch đến từ đại lục |
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc lại bác bỏ giá trị của những lá phiếu và cho rằng đó là hành vi phản động, là điều "hoang tưởng chính trị".
China Daily gọi cuộc bỏ phiếu là "màn kịch chính trị vi phạm hiến pháp", đồng thời cáo buộc Mỹ đã đứng đằng sau tài trợ cho nhóm vận động dân chủ Occupy Central.
Thời báo Hoàn Cầu cho rằng bất kỳ sự nhượng bộ nào của chính quyền Bắc Kinh đều dẫn đến "sự bất ổn lớn" ở Hong Kong.
"Lực lượng đối lập ở Hong Kong đang làm tất cả mọi việc trong khả năng của mình để tạo ra một cỗ xe chính trị và lừa bịp người dân Hong Kong, sao cho càng có nhiều người leo lên cỗ xe ấy càng tốt. Mục tiêu của nó là chính quyền trung ương và người dân của quốc gia này”, tờ thời báo Hoàn Cầu kết tội.
“Chúng tôi kêu gọi công dân Hong Kong đừng nhảy lên cỗ xe chiến ấy, đừng để mình bị bắt cóc bởi những kẻ đối lập, đừng đánh mất sự thịnh vượng của Hong Kong và hạnh phúc của bạn cho những tính toán nhỏ mọn của họ”, tờ báo này kết thúc.
Tờ Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của TƯ ĐCS Trung Quốc cũng cho rằng: Việc Hong Kong được hưởng những đặc quyền tự trị không làm thay đổi thực trạng pháp lý rằng đây là "một khu vực hành chính địa phương của một nhà nước đơn nhất", tức chính quyền TƯ Trung Quốc.
Tờ báo này gọi các nhóm đối lập là những "kẻ cực đoan", kết tội họ là những người "sẵn sàng hy sinh sự thịnh vượng của Hong Kong để đổi lấy lợi ích cho riêng mình'".
Được biết, Bắc Kinh đã cam kết sẽ cho người dân Hong Kong bầu ra người đứng đầu thành phố vào năm 2017, nhưng lại không cho họ quyền lựa chọn những ứng cử viên nào được tham gia bầu cử. Chính điều này làm những người dân chủ lo sợ rằng Bắc kinh chỉ cho những người ủng hộ họ tham gia bầu cử.
Ảnh hưởng của chính quyền Bắc Kinh lên đặc khu hành chính Hong Kong ngày càng lớn, dần làm xói mòn những cam kết tôn trọng quyền tự do của Hong Kong mà Anh và Trung Quốc đã thỏa thuận vào năm 1997.
Như Quỳnh
No comments:
Post a Comment