Tuesday, July 1, 2014

Người thất nghiệp tại Việt Nam càng ngày càng đông

HÀ NỘI (NV) - Trong 3 tháng đầu năm 2014, tại Việt Nam có khoảng một triệu người thất nghiệp. Nếu so với 3 tháng cuối năm 2013, số người thất nghiệp tăng thêm khoảng 150 ngàn. Tỷ lệ thất nghiệp chung của 3 tháng đầu 2014 là 2.21%.

Ðó là những số liệu mới được công bố tại hội thảo cập nhật thông tin về thị trường lao động Việt Nam do Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội, Tổng Cục Thống Kê của Việt Nam và Tổ Chức Lao Ðộng Thế Giới (ILO) phối hợp tổ chức vào sáng 1 tháng 7.


Cô Nguyễn Kim Tiền, tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm, không tìm được việc làm sau khi ra trường nên phải làm tiếp viên cho một quán cà phê ở An Giang. (Hình: Người Lao Ðộng)

Dựa trên những số liệu này thì tỷ lệ thất nghiệp tại các thành phố ở Việt Nam là 3.72%, cao gấp 2.4 lần so với nông thôn. Ðáng chú ý là có hơn 162 ngàn người mà học vấn từ đại học trở lên đang thất nghiệp. So 3 tháng đầu năm nay với cuối năm ngoái thì chỉ trong vòng ba tháng, số người có học vấn từ đại học trở lên bị thất nghiệp đã tăng thêm khoảng 40 ngàn.

Ngoài ra, còn có khoảng 80 ngàn thanh niên mà học vấn ở mức cao đẳng và 174 ngàn thanh niên đã được đạo tạo nghề bị thất nghiệp.

Nếu tính riêng thanh niên trong độ tuổi dưới 24 bị thất nghiệp thì con số này khoảng 505 ngàn, tăng thêm chừng 55 ngàn so với cuối năm ngoái.

Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam thú nhận, “tình hình khá nghiêm trọng cho cả thanh niên lẫn những người lao động có trình độ” và “thị trường lao động chưa có dấu hiệu khả quan.”

Kể từ khi số lượng người có trình độ học vấn cao bị thất nghiệp gia tăng, các viên chức chính quyền và báo giới Việt Nam đẩy mạnh chỉ trích hệ thống giáo dục, cho rằng, đây là hệ quả tất nhiên của việc đào tạo tràn lan, chương trình đào tạo bất cập, không bám sát và không đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Không có bất kỳ viên chức lãnh đạo nào của chính quyền Việt Nam nhận trách nhiệm, cũng như không có bất kỳ ý kiến nào đòi truy cứu trách nhiệm của những viên chức này về hàng loạt sai lầm khiến kinh tế suy thoái, số lượng doanh nghiệp phá sản càng ngày càng lớn và đó mới là nguyên nhân chính của vấn nạn vừa đề cập và là nguồn gốc của nhiều vấn nạn khác, ví dụ như tỷ lệ tội phạm gia tăng.

Hồi giữa năm ngoái, ILO từng khuyến cáo, khi có tới 50% số người thất nghiệp tại Việt Nam là thanh niên, Việt Nam đang lãng phí một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội.

Chưa kể theo ILO, ngoài số thanh niên bị thất nghiệp, khoảng 53% (chừng 4 triệu) thanh niên Việt Nam đang phải làm những công việc mà thu nhập kém, điều kiện lao động thấp và không có bảo hiểm xã hội.

Ông Gyorgy Sziraczki, giám đốc chi nhánh Việt Nam của ILO cảnh báo, nếu thanh niên không được hưởng một sự khởi đầu tốt hơn và không được đối xử công bằng, Việt Nam đã bỏ lỡ một nguồn lực đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của mình.

ILO đã từng khuyến cáo, Việt Nam nên khai mở tiềm năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng cơ hội về việc làm với năng suất cao cho thanh niên.

Chính quyền Việt Nam vẫn bị xem là thiếu quan tâm tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ðây là lý do khiến vài năm qua, có thêm hàng trăm ngàn doanh nghiệp loại này phá sản. Phần lớn những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tồn tại đã thu hẹp quy mô hoạt động thành “siêu nhỏ.” Tất cả những yếu tố đó làm cho cơ hội về việc làm của thanh niên càng lúc càng mong manh.

Một chuyên gia về việc làm cho thanh niên khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của ILO, tên là Matthieu Cognac, nhắc nhở thêm rằng Việt Nam cần phải chú ý tới khu vực nông thôn, nơi cư trú của phần lớn thanh niên Việt Nam. Ông Cognac khuyên chính quyền CSVN cần đẩy mạnh tư vấn về việc làm, mở các khóa đào tạo về phát triển doanh nghiệp để hỗ trợ thanh niên tự kinh doanh.

Trao đổi với báo giới, ông Sziraczki nói rằng, sẽ không thể giải quyết vấn nạn về việc làm cho thanh niên Việt Nam, nếu không thay đổi chính sách vĩ mô, cấu trúc phát triển và tăng chi phí hỗ trợ tìm kiếm việc làm, tăng tổng cầu, thay đổi cách thức tiếp cận nguồn vốn và tăng hiệu quả đầu tư.

Ðến nay, vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy, chính quyền Việt Nam lắng nghe những khuyến cáo của ILO. Dẫu cho các tập đoàn kinh tế quốc doanh, tổng công ty nhà nước đã làm thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng, chính quyền này vẫn xác định “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là chủ đạo. Ðiều đó có nghĩa là họ tiếp tục dồn gần như toàn bộ nguồn lực quốc gia vào việc duy trì sự tồn tại của các tập đoàn kinh tế quốc doanh, tổng công ty nhà nước. Bất chấp tình trạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản hàng loạt, khiến vấn nạn thất nghiệp càng lúc càng nghiêm trọng. (G.Ð)

01-07-2014 5:03:45 PM

No comments:

Post a Comment