Đăng Bởi -
Trung Quốc luôn khẳng định Hồng Kông là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ có đạo luật chính sách Mỹ - Hồng Kông khẳng định những lợi ích cốt lõi của Mỹ gắn với đặc khu này. Vậy Mỹ sẽ làm gì nếu chính sách thô bạo của Trung Quốc với Hồng Kông ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi của họ?
Không thể quên lợi ích cốt lõi
Ông Mike Gonzalez, chuyên gia của học viện chính sách và an ninh đối ngoại Mỹ cho rằng Mỹ cần thể hiện vai trò theo tinh thần Đạo luật Chính sách Mỹ - Hồng Kông mà quốc hội Mỹ thông qua năm 1992.
Đạo luật tuyên bố rằng Mỹ "nên đóng một vai trò tích cực" trong việc duy trì sự thịnh vượng của Hồng Kông, đảm bảo nó như là một trung tâm tài chính độc lập và các mối quan hệ cùng có lợi với Mỹ. Đạo luật đó ghi rõ Mỹ "nên đối xử với Hồng Kông như một lãnh thổ hoàn toàn độc lập với Trung Quốc về các vấn đề kinh tế và thương mại".
Đạo luật này cho phép các công ty Hồng Kông tiếp cận công nghệ cao rất nhạy cảm mà Mỹ không chia sẻ với các công ty Trung Quốc, với điều kiện Hồng Kông bảo vệ công nghệ đó bằng cách duy trì một hệ thống kiểm soát xuất khẩu minh bạch.
Nếu Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát Hồng Kông như họ đang làm tại đại lục, Mỹ sẽ mất khá nhiều bí mật công nghệ cao, thậm chí liên quan đến an ninh quốc phòng.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong năm 2012, thặng dư thương mại của Mỹ với Hồng Kông cao nhất so với bất kỳ thặng dư thương mại nào khác của Mỹ cùng thời điểm, vì Mỹ chủ yếu xuất khẩu sang Hồng Kông.
Cho đến giờ, Mỹ cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Hồng Kông. Mỹ đang có 1.400 công ty hoạt động tại Hồng Kông và hơn 60.000 công dân sinh sống tại Hồng Kông. Những con số này phản ánh lợi ích chặt chẽ của Mỹ gắn với đặc khu này.
Chính quyền và quốc hội Mỹ đều cần hành động cụ thể
Trong lúc Trung Quốc đang muốn kiểm soát chặt chẽ Hồng Kông bỏ qua lời hứa với người dân đặc khu này cách đây 17 năm, ông Gonzalez đưa ra một số ý kiến để chính phủ và Quốc hội Mỹ hành động nhằm bảo vệ Hồng Kông, cũng tức là bảo vệ lợi ích cốt lõi của Mỹ.
Theo ông Gonzalez, Nhà Trắng cần lên tiếng rõ với Trung Quốc rằng thế giới đang theo dõi tình hình tại Hồng Kông. Họ cần đưa ra những tuyên bố công khai cũng như gửi thông điệp riêng nhắc nhớ Bắc Kinh hậu quả của kẻ vi phạm luật chơi.
Bộ trưởng Ngoại giao nên nối lại các báo cáo hằng năm về Hồng Kông lên Quốc hội, điều mà họ đã làm từ 1992 cho đến tận 2007. Trong 7 năm gần đây, Mỹ không muốn làm mất lòng Bắc Kinh nên đã thôi thực hiện việc báo cáo hằng năm về Hồng Kông và đây cũng chính là nguyên nhân khiến Bắc Kinh tự tin hơn trong việc áp chế đặc khu này.
Ông Gonzalez cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ thể hiện lập trường rõ hơn trước tình hình Hồng Kông. Chẳng hạn, họ có thể chính thức lên án hành vi của Trung Quốc và làm nổi bật nguy cơ Bắc Kinh có ý định thất hứa với Hồng Kông và cộng đồng quốc tế về chuyện đảm bảo đầy đủ nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" với Hồng Kông.
Khi tiếp nhận Hồng Kông năm 1997 từ Anh, Trung Quốc hứa sau 20 năm sẽ cho người dân Hồng Kông tự do lựa chọn người lãnh đạo. Nhưng giờ thì Bắc Kinh đang muốn nuốt lời hứa. Họ muốn người dân Hồng Kông bỏ phiếu bầu lãnh đạo của mình, nhưng các ứng cử viên lại phải do "hội đồng" gồm những người thân Bắc Kinh đề cử.
Ngoài ra, các ứng viên phải có phẩm chất "yêu nước", mà theo cách hiểu rõ ràng hơn là "yêu Bắc Kinh". Giữa tháng 6.2014, Bắc Kinh ra cáo bạch khẳng định rõ không thể có dân chủ đầy đủ tại Hồng Kông như người dân ở đây mong muốn.
Anh Tú (theo Heritage)
No comments:
Post a Comment