Friday, July 11, 2014

Liên hiệp quốc:'Giới trẻ phải có tiếng nói'

 —Liên hiệp quốc cảnh báo những điều tai hại sẽ xảy ra nếu các chính phủ tiếp tục làm ngơ trước những tiếng nói của những người trẻ và loại họ ra ngoài những quyết định quan trọng về chính sách. Thông tín viên VOA Lisa Schlein tường thuật rằng trong  lúc các nước đánh dấu Ngày Dân số Thế giới 11 tháng 7, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc cho biết là đầu tư vào sức khỏe của thanh thiếu niên mang lại nhiều lợi ích cho các cộng đồng trên toàn thế giới.
Người trẻ chiếm gần 2 tỉ trong số 7 tỉ người hiện sống trên Trái đất. Con số đông đảo này là một sức mạnh rất lớn và không thể dễ dàng làm ngơ. Dù vậy, thanh thiếu niên đã và đang bị đặt ra ngoài lề, và tại nhiều nước, họ là nạn nhân của những hành vi vi phạm nhân quyền tệ hại nhất.
Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc, có khoảng 515 triệu thanh thiếu niên tuổi từ 15 đến 24 sống với mức thu nhập dưới 2 đô la một ngày. Tuy nhiên, hai phần ba các nước trên thế giới không hề tham khảo ý kiến của giới trẻ đối với những quyết định về chính sách ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Quỹ Dân số Liên hiệp quốc cho biết giới trẻ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt tại các nước nghèo ở châu Phi và châu Á, nơi con số người trẻ rất đông đảo. Ông Luc de Bernis, bác sĩ sản khoa đồng thời là cố vấn cao cấp về sức khỏe các bà mẹ của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc, nói có hàng triệu người trẻ vào tuổi dậy thì đang đối mặt với những thay đổi về thể chất và cũng dễ trở thành nạn nhân của những vụ vi phạm nhân quyền. Ông nhận định:

“Điều này đặc biệt quan trọng tại những nơi mà các thanh thiếu niên, đặc biệt là các em gái, đang đối mặt với nguy cơ cao bị cưỡng bức tình dục và, chúng tôi biết có 10% các em gái bắt đầu có quan hệ tình dục trước 16 tuổi— vì bị ép buộc và việc này dẫn đến tình trạng có thai sớm và phá thai.”
Theo các số liệu thống kê của Liên hiệp quốc, trên toàn cầu, có hơn 15 triệu em gái tuổi từ 15 đến 19 sanh con mỗi năm. Liên hiệp quốc cho biết kết hôn sớm, mang thai sớm và sanh nở chiếm tỉ lệ cao về tử vong khi sanh tại các nước đang phát triển.
Thêm vào đó, các cuộc nghiên cứu cho thấy  hơn 2 triệu thanh thiếu niên tuổi từ 10 đến 19 bị nhiễm HIV, một căn bệnh có liên hệ đến việc bị ép buộc tình dục.
Bác sĩ De Bernis nói với Đài VOA việc các em gái phải đối mặt với nhiều mối rủi ro  không thể chấp nhận được là một bi kịch:

“Tôi đã phải mất nhiều năm làm việc tại các nước đang phát triển mới hiểu được, mới nhận thức được rằng khi bạn là một em gái nhỏ, một thiếu nữ trẻ tuổi, bạn không có nơi an toàn nào cả. Ngay cả trong gia đình bạn cũng thường không được an toàn. Bạn không thể được an toàn trên đường phố. Bạn không thể được an toàn trong trường học khi các nữ sinh không được tôn trọng, khi không có nhà vệ sinh, khi không có không gian và toàn là bạo động.”
Bác sĩ De Bernis nói những  người trẻ khỏe mạnh, có giáo dục, có sức sản xuất có thể giúp phá vỡ cái vòng lẩn quẩn của nghèo đói từ thế hệ này sang thế hệ khác và có thể đóng góp cho cộng đồng và quốc gia. Ông nói Quỹ Dân số Liên hiệp quốc đang làm việc với các chính phủ và các xã hội dân sự để quảng bá giáo dục về tình dục cũng như những dịch vụ có chất lượng về sức khỏe khi quan hệ tình dục và sanh nở.
Ông nói cơ quan này của Liên hiệp quốc đang làm việc với các nhà lãnh đạo truyền thống để nỗ lực thay đổi quan niệm của họ đối với giới trẻ và tìm sự ủng hộ của những người này trong việc cấm những cuộc hôn nhân quá sớm và cải thiện cuộc sống của giới trẻ.
Ông nghĩ câu tục ngữ “trẻ con nên được trông nom chứ không phải được nghe” đã bị xuyên tạc. Ông nói, trái lại, các chính phủ nên lắng nghe tiếng nói của giới trẻ, nên tôn trọng họ và nên hiểu rằng tất cả mọi người đều được hưởng lợi khi người trẻ có thể đóng góp cho sự phát triển của đất nước.



No comments:

Post a Comment