HONGKONG (NV) - Theo báo South China Morning Post của Hồng Kông, số ra ngày 9 tháng 6, 2014, nhà cầm quyền Bắc Kinh vừa có lệnh tạm cấm các công ty quốc doanh tham gia đấu thầu ở Việt Nam.
South China Morning Post đưa tin này dựa trên một nguồn ẩn danh và đã kiểm tra tin vừa kể qua một số viên chức làm việc trong các tập đoàn, công ty quốc doanh của Trung Quốc. Theo đó, một tập đoàn và ba công ty quốc doanh xác nhận đã nhận được lệnh vừa kể “qua điện thoại từ Bộ Thương Mại Trung Quốc.”
Cũng theo South China Morning Post, có thêm một viên chức làm việc tại văn phòng cấp giấy phép dự thầu của Bộ Thương.
Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 do Trung Quốc đầu tư được ký kết tháng 12, 2013, sẽ không biết sẽ ra sao. (Hình: ANTÐ)
Trong khi ông Xu Liping (Hứa Lợi Bình), một chuyên viên về quan hệ giữa Trung Quốc với Ðông Nam Á, làm việc tại Viện Chiến Lược Quốc Tế, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, nhận định, lệnh cấm là một hình thức gây sức ép về kinh tế đối với Việt Nam.
Trong khi đó, ông Zhang Jie (Trương Kiệt), một chuyên viên khác cho rằng, tác động của lệnh tạm cấm dự thầu vừa kể sẽ không đáng kể đối với Việt Nam vì “khối lượng hoạt động của Trung Quốc ở Việt Nam quá nhỏ bé.” Theo ông Zhang, ngay cả khi Trung Quốc vẫn để các tập đoàn, công ty tham gia đấu thầu thì trong tình hình hiện nay, Việt Nam cũng sẽ không để cho các nhà thầu Trung Quốc thắng thầu.
Kể từ 2004, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam song trong quan hệ thương mại Việt-Trung, Việt Nam luôn lãnh phần thua thiệt. Kể từ khi tranh chấp chủ quyền ở khu vực quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc bùng nổ, kinh tế Việt Nam vốn đã bất ổn càng thêm bất ổn vì nhiều nguy cơ do quan hệ thương mại bất bình đẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc kéo dài trong hàng chục năm.
Nhiều chuyên gia kinh tế Việt Nam đang lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ gây áp lực bằng cách cắt đứt quan hệ kinh tế-thương mại, khiến kinh tế Việt Nam suy sụp, bởi kinh tế Việt Nam vốn đã bị lệ thuộc gần như hoàn toàn vào Trung Quốc.
Hồi trung tuần tháng 12 năm ngoái, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, chỉ trong 10 năm, từ 2001 đến 2012, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 76 lần, từ 210 triệu USD hồi 2001, thành 16 tỷ USD vào năm 2012. Một vài thống kê khác cho biết, trong vài năm gần đây, khoảng 1/4 số ngoại tệ đã chi trong quan hệ thương mại với Trung Quốc là nhằm nhập cảng nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu. Cũng vì vậy, nếu Trung Quốc ngưng xuất cảng những nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu này, hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ tê liệt.
Các chuyên gia kinh tế Việt Nam còn tỏ ra đặc biệt lo ngại khi hàng loạt công trình rất quan trọng về năng lượng, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam hiện do Trung Quốc đầu tư và đảm nhận. Nếu việc thực hiện các công trình này không thể tiến hành bình thường, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các chương trình phát triển và việc trì hoãn hoàn thành các công trình đó còn gây thêm tốn kém.
Tuần trước, tại nghị trường, ông Ðặng Ngọc Tùng, đại biểu Quốc Hội kiêm chủ tịch Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam từng nêu thắc mắc, vì sao nhà thầu Trung Quốc thường xuyên không hoàn thành hợp đồng đúng hạn, chất lượng các công trình không bảo đảm, giá thành các công trình thường tăng cao hơn dự kiến, không sử dụng nhân công Việt Nam, song có tới 90% dự án phát triển nguồn điện và 80% dự án phát triển hạ tầng giao thông vẫn được giao cho các nhà thầu Trung Quốc?
Những thắc mắc kiểu đó đã từng liên tục được nêu trong vài năm qua, ở nhiều hội nghị, hội thảo nhưng giới hữu trách ở Việt Nam không trả lời. (G.Ð)
06-09- 2014 4:35:13 PM
No comments:
Post a Comment