SÓC TRĂNG (NV) - Chín sĩ quan công an, gồm một đại tá, bốn thượng tá, một thiếu tá, ba đại úy đã bị cách chức, giáng chức, giáng cấp, cảnh cáo, khiển trách, kiểm điểm vì gây hàm oan cho bảy người.
Hồi đầu tháng 7 năm ngoái, ông Lý Văn Dũng, 42 tuổi, chuyên chạy xe ôm, ngụ tại xã Ðại Ân, huyện Trần Ðề, tỉnh Sóc Trăng bị giết với 7 nhát dao. Chiếc xe, điện thoại di động và ví của nạn nhân vẫn còn tại hiện trường.
Ông Trần Văn Ðỡ, một trong bảy thanh niên bị tra tấn, ép thú nhận đã giết người, ép tố cáo người yêu là đồng phạm để kết luận điều tra thêm nặng ký. (Hình: Người Lao Ðộng)
Công an Sóc Trăng xác định vụ án mạng này là do hiềm khích cá nhân và bắt khẩn cấp ông Trần Hol, 28 tuổi vì ông Hol từng có xung đột với nạn nhân. Sau đó công an lần lượt bắt giữ thêm năm người khác là bạn bè của ông Hol gồm: Trần Cua, Trần Văn Ðỡ, Thạch Sô Phách, Thạch Mươl, Khâu Sóc.
Theo tin tức do công an đưa ra, tất cả thú nhận đã cùng nhau giết ông Dũng. Công an còn bắt thêm một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Bé Diễm, tiếp viên của một quán nhậu tại thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Ðề, với lý do “không tố giác tội phạm.”
Nhóm điều tra vụ án này đã hoàn tất “Kết luận điều tra” và được thượng cấp khen thưởng. Họ đã nhận quyết định khen thưởng và chờ nhận hiện kim là tiền thưởng do “thành tích phá án nhanh.”
Ðúng lúc này thì có một cô gái tên là Lê Thị Mỹ Duyên, ngụ tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, đến Công an phường Bình Trị Ðông, quận Bình Tân, Sài Gòn, đầu thú vì là đồng phạm trong vụ án giết ông Dũng. Cô Duyên cho biết, cô đã cùng cô Nguyễn Kim Xuyến, ngụ tại huyện Trần Ðề, tỉnh Sóc Trăng, giết ông Lý Văn Dũng để cướp tài sản nhưng vụ cướp bất thành. Sau đó cả hai rời Sóc Trăng lên Sài Gòn. Tại Sài Gòn, cô Xuyến có quan hệ tình cảm với người khác. Cô Duyên quyết định ra đầu thú để cả hai có thể ở bên nhau đến trọn đời trong... tù.
Hệ thống tư pháp đã kiểm tra toàn bộ lời khai của cô Duyên và nhận thấy những lời khai này gần như trùng khớp hoàn toàn với các tình tiết của vụ án. Cũng vì vậy, tháng 2 năm nay, Viện Kiểm Sát tỉnh Sóc Trăng phải ký, công bố quyết định đình chỉ điều tra đối với 7 người mà chính họ phê chuẩn lệnh bắt.
Hồi đầu tháng 3 năm nay, báo giới Việt Nam đã tìm gặp được ba trong số 7 người vừa được trả tự do. Cả ba: Trần Hol, Trần Văn Ðỡ và Thạch Sô Phách đều kể rằng, từ khi bị bắt, họ liên tục bị Công an huyện Trần Ðề rồi sau đó là công an tỉnh Sóc Trăng liên tục đánh đập, ép nhận tội. Ðây là lý do họ chấp nhận khai theo hướng dẫn của các điều tra viên để được sống.
Cũng vì bị tra tấn, buộc phải khai theo hướng dẫn, ông Trần Văn Ðỡ không dám tìm gặp cô Nguyễn Thị Bé Diễm - nữ nạn nhân duy nhất trong vụ án oan này. Ông Ðỡ đã bị đánh đập để buộc phải khai cô Diễm có biết ông “tham gia giết người.” Một luật sư nhận định, việc vụ án có thêm bị can “không tố giác tội phạm” sẽ giúp “kết luận điều tra” thêm nặng ký!
Dù báo giới chỉ tiếp cận được ba trong bảy nạn nhân nhưng hoàn cảnh của họ cho thấy, tám tháng bị tạm giam đã phá nát tương lai và gia đình của họ. Không chỉ có ông Ðỡ mất người yêu. Ông Thạch Sô Phách cho biết, ít ngày trước khi ông được trả tự do, vợ ông đã bỏ con lại cho mẹ ông và đi theo người khác. Vợ ông Trần Hol thì bồng cả hai đứa con bỏ xứ đi giúp việc nhà. Bà chỉ vừa mới về quê sau khi ông Hol được phóng thích.
Theo công an Sóc Trăng, ngoài việc cách chức, giáng chức, giáng cấp, cảnh cáo, khiển trách, kiểm điểm chín sĩ quan, trong đó có một viên đại tá là phó giám đốc công an tỉnh phụ trách điều tra, công an tỉnh này còn buộc 16 sĩ quan công an khác có liên quan tới việc kiểm điểm, gây hàm oan cho bảy nạn nhân nhưng công an Sóc Trăng không hề đề cập tới chuyện truy cứu trách nhiệm hình sự của những sĩ quan này.
Bắt người vô tội, đánh đập, ép họ thú nhận đã phạm tội, sau đó truy tố, kết án không thèm xem xét chứng cứ và những lời kêu oan là chuyện phổ biến tại Việt Nam. Thực trạng này khiến dân chúng hết sức phẫn nộ về hệ thống tư pháp. Hồi hạ tuần tháng 4, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam loan báo, kế hoạch “giám sát tối cao của Quốc Hội Việt Nam trong năm 2015” sẽ là giám sát tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và giám sát việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan.
Hồi trung tuần tháng trước, cơ quan điều tra Viện Kiểm Sát Tối Cao của Việt Nam đã ra lệnh tạm giam hai cá nhân liên quan tới vụ làm ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị hàm oan là một kiểm sát viên và một viên thượng tá do “cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án.”
Năm 2003, ông Nguyễn Thanh Chấn bị cáo buộc giết một người hàng xóm. Dù ông liên tục kêu oan và có nhiều nhân chứng, bằng chứng cho thấy ông vô tội. Chưa kể ông Chấn liên tục tố giác đã bị tra tấn, ép nhận tội nhưng cuối cùng, ông vẫn bị phạt tù chung thân. Mãi tới năm 2013, vì gia đình hung thủ có mâu thuẫn, thân nhân ông Chấn mới tìm ra thủ phạm và thủ phạm đã đầu thú. Ông Chấn được trả tự do hồi cuối năm ngoái, trở về nhà khi vợ đã hóa điên do tuyệt vọng, bốn đứa con phải bỏ học nửa chừng vì đói nghèo.
Mới đây, Tòa án Tối Cao của Việt Nam vừa yêu cầu xem lại vụ án của ông Hàn Ðức Long và Viện Kiểm sát Tối cao cũng vừa làm điều tương tự đối với vụ án của bà Ðỗ Thị Hằng. Ông Long đang chờ ngày thi hành án tử hình trong một vụ án mà có nhiều dấu hiệu cho thấy ông vô can. Còn bà Hằng, vốn là nạn nhân một vụ buôn người nhưng đã ở tù 5 năm 6 tháng vì “mua bán phụ nữ” mà sau này, Viện Kiểm Sát Tối Cao cho rằng “lầm lẫn do trùng tên. (G.Ð)
06-09-2014 4:37:18 PM
No comments:
Post a Comment