Sunday, June 22, 2014

Đã đủ chứng cứ để khởi kiện tàu Trung Quốc

Ngư dân Đà Nẵng và hàng loạt ngư dân Quảng Ngãi đang tiến hành các thủ tục khởi kiện tàu Trung Quốc.
Mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ cho biết TP Đà Nẵng đã quyết định giữ lại tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đang hoạt động đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa chiều 26-5 để làm bằng chứng tố cáo hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc. “Hiện TP đã ghi hình lại con tàu này và đưa vào trưng bày tại bảo tàng. Không chỉ trưng bày về hình ảnh mà TP còn công chiếu cả đoạn video về việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 cho du khách trong và ngoài nước xem” - ông Thọ cho hay.
Bí thư TP Đà Nẵng: “Đó là hành vi ngang ngược...!”
Bày tỏ quan điểm trước sự vụ này, ông Thọ nói việc tàu Trung Quốc ngang ngược đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa là hành động không thể chấp nhận được. Vì thế việc ngư dân kiện tàu Trung Quốc để đòi lại công lý là chính đáng. “Nhưng muốn kiện thì phải nắm chắc chứng cứ, thông tin và mọi việc cần phải làm hết sức chặt chẽ, khoa học” - ông Trần Thọ cho biết.
Theo ông Thọ, lịch sử đã chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam. Chúng ta có đầy đủ chứng cứ pháp lý, lịch sử để khẳng định điều này và các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế, các chính khách đều ủng hộ tính chính nghĩa của Việt Nam. Điều này là không thể chối cãi. “Nhưng vấn đề hiện nay là kiện ở thời điểm nào cho hợp lý thì đang cần phải tính toán” - ông Thọ nói.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc kiện tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cáĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), ông Trần Văn Lĩnh, Quyền Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, cũng cho hay: “Các chứng cứ khởi kiện tàu Trung Quốc đã được chúng tôi thu thập đầy đủ. Hiện chúng tôi đang tiếp tục củng cố hồ sơ và nhờ các cơ quan chức năng của chúng ta yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc truy tìm tàu cá đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 chiều 26-5 trên vùng biển Hoàng Sa”. Theo ông Lĩnh, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp định tương trợ tư pháp nên họ phải có trách nhiệm tìm hiểu và cung cấp thông tin về tàu cá này. Còn họ có làm hay không thì lại là một việc khác. “Chúng ta đang làm đúng quy trình tố tụng dân sự theo quy định của luật pháp Việt Nam” - ông Lĩnh cho hay.
Ngư dân đang trục vớt tàu cá Đna 90152 bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm tại vùng biển Hoàng Sa chiều 26-5. Ảnh: LÊ PHI

Tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Chí, thuộc Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc tấn công ở Hoàng Sa. Ảnh: LUẬN NGỮ
Kiện để chặn sự bạo ngược
Liên quan đến việc hàng loạt ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang xúc tiến việc khởi kiện tàu Trung Quốc, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), cho biết phía nghiệp đoàn đã thu thập đầy đủ tất cả nhân chứng, vật chứng liên quan đến các tàu cá và ngư dân bị phía Trung Quốc tấn công khi hoạt động khai thác hải sản hợp pháp trên ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam. “Từ đầu năm đến nay đã có chín tàu cá của ngư dân địa phương bị phía Trung Quốc tấn công gây thiệt hại nặng về người và tài sản” - ông Hùng thông tin. Theo ông Hùng, quan điểm của Nghiệp đoàn nghề cá Bình Châu là phải kiện Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi trên ngư trường Hoàng Sa và yêu cầu Trung Quốc không được tiếp tục có những hành vi gây hấn, đánh đập, cướp phá tài sản ngư dân” - ông Hùng nói. Theo ông Hùng, ngư trường Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Bình Châu nói riêng và ngư dân Việt Nam nói chung nên Trung Quốc không được tiếp tục cản trở hoạt động đánh bắt bình thường.
Cũng về vụ việc này, ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), cho biết phía nghiệp đoàn cũng đã hoàn thành việc xác minh, thu thập chứng cứ, tổng hợp thành hồ sơ đầy đủ đối với chín tàu cá của ngư dân trong nghiệp đoàn bị Trung Quốc tấn công, cướp phá kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động phi pháp trên vùng biển của Việt Nam. “Còn tính riêng hai nghiệp đoàn An Hải và An Vĩnh, huyện Lý Sơn có 11 tàu cá bị Trung Quốc tấn công. Tất cả trường hợp này chúng tôi đều đã có đầy đủ hồ sơ và sẽ tổng hợp để cùng với các nghiệp đoàn nghề cá khác khởi kiện Trung Quốc” - ông Chinh cho hay.
Thứ Hai, ngày 23/6/2014 - 03:05
LÊ PHI - LUẬN NGỮ

Quy trình khởi kiện dân sự trong vụ tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm
Liên quan đến sự vụ tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 11209 đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng tại vị trí thuộc vùng biển Việt Nam chiều 26-5, theo quy định tại Điều 56 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, Nhà nước Việt Nam có quyền tài phán đối với các hành vi vi phạm xảy ra. Do đó, khi tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu cá Trung Quốc xâm phạm thì lực lượng thực thi pháp  luật của Việt Nam có quyền xử lý, ngăn chặn hoặc bắt giữ để khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp xác định hành vi của tàu cá nước ngoài có dấu hiệu phạm tội hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cạnh đó, tòa án Việt Nam cũng có quyền thụ lý vụ án dân sự của ngư dân Việt Nam - người bị thiệt hại khi họ yêu cầu tàu cá nước ngoài bồi thường thiệt hại.
Vì đây là vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài và phía người gây ra thiệt hại không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở tại Việt Nam nên theo quy định tại Điều 34 và 36 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì chủ tàu cá ĐNa 90152 có thể khởi kiện tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 11209 ra TAND TP Đà Nẵng để yêu cầu tòa buộc đối tượng gây ra thiệt hại phải bồi thường thiệt hại cho mình.
Để khởi kiện yêu cầu tàu cá Trung Quốc ra TAND TP Đà Nẵng thì chủ tàu cá ĐNa 90152 cần có đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 11209 và tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại của mình. Tuy nhiên, cần lưu ý khi khởi kiện dân sự yêu cầu tòa buộc bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho mình thì chủ tàu cá ĐNa 90152 cần phải xác định, cung cấp cho tòa tên của bị đơn (tức là chủ của tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 11209), nếu không cung cấp được thì tòa không thể thụ lý hồ sơ khởi kiện (hiện phía khởi kiện đang xúc tiến để yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam cung cấp các thông tin về tàu cá của Trung Quốc).
Theo quy định pháp luật, trong trường hợp người khởi kiện đã có hồ sơ khởi kiện gửi tòa án, trong đó xác định được ai là bị đơn (xác định được chủ của tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 11209) thì tòa án sẽ thụ lý và giải quyết vụ kiện. Trên cơ sở yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn được thể hiện trong đơn khởi kiện hoặc đơn khởi kiện bổ sung thì tòa án sẽ tiến hành việc thông báo thụ lý vụ án, triệu tập bị đơn để giải quyết vụ án. Trường hợp bị đơn không tham gia vào quá trình giải quyết vụ án bao gồm các buổi hòa giải, phiên xét xử thì tòa án vẫn có quyền xét xử vắng mặt bị đơn và giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn trên cơ sở các chứng cứ có được trong hồ sơ vụ án.
Theo quy định tại Điều 15 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thì bản án, quyết định dân sự có hiệu lực pháp luật của tòa án Việt Nam sẽ được công nhận và cho thi hành trên lãnh thổ Trung Quốc nhưng việc họ có hợp tác để thi hành bản án của tòa án Việt Nam hay không lại là chuyện khác.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM)
P.ĐIỀN ghi

No comments:

Post a Comment