Sunday, June 22, 2014

Lột mặt TQ ăn cướp... đổ lỗi cho ngư dân Việt Nam

(Kienthuc.net.vn) - Tàu cá TQ xâm nhập vào vùng biển Việt Nam và các nước láng giềng đánh bắt cá trái phép, nhưng Bắc Kinh vẫn "mặt dày" kêu ca bị nước khác vào đánh bắt phi pháp.

Những ngày gần đây, truyền thông Trung Quốc tiếp tục có những bài viết ngang ngược phê phán Việt Nam vì tranh chấp biển đảo. Cụ thể, Tân Hoa Xã ngày 20/6 “không ngượng mồm” tuyên bố hoạt động đánh bắt “phi pháp” của các tàu cá Việt Nam quanh Hoàng Sa “tăng lên những năm gần đầy, đe dọa an toàn của ngư dân Trung Quốc và tài nguyên cá ở Biển Đông”.
Hãng tin nhà nước Trung Quốc này cũng dẫn lời một lãnh đạo tuần duyên thuộc cái gọi là Thành phố Tam Sa đưa tin, trong 5 tháng đầu năm 2014, lực lượng này đã phát hiện ra 237 tàu của Việt Nam đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa. Cũng theo Tân Hoa Xã, số tàu cá Việt Nam đánh bắt trong khu vực này không ngừng gia tăng: "Theo số liệu từ chính quyền địa phương, trước năm 2000, chỉ có hơn 20 tàu cá Việt Nam được phát hiện mỗi năm. Con số này tăng lên gần 100 tàu trong năm 2004. Tính trong năm 2013, chính quyền Trung Quốc đã bắt được 319 tàu".
Ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở Trường Sa. Ảnh: Tuổi trẻ.
Ông Sun Xiaoying, một nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, nói rằng số tàu cá của Việt Nam ở các tỉnh dọc bờ biển phía đông nam đã tăng từ dưới 1.000 lên đến 5.000 trong thời gian gần đây, chủ yếu hoạt động trên Biển Đông.
Những động thái kể trên cho thấy rõ ràng về chính sách "vừa ăn cướp vừa la làng" của chính quyền Trung Quốc.
Trung Quốc vừa ăn cướp vừa la làng
Trong bài viết của mình, Tân Hoa Xã dường như đã quên rằng ngư trường Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam và Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Hoàng Sa – vốn bị Trung Quốc đánh chiếm bằng vũ lực năm 1974.
Bài viết của Tân Hoa Xã cũng lớn tiếng cho rằng hoạt động đánh bắt ngày càng tăng của các tàu cá Việt Nam quanh Hoàng Sa “đe dọa an toàn của ngư dân Trung Quốc”. Tuy nhiên, báo cáo của BCH Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại. Theo đó, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng thường xuyên phát hiện tàu quân sự của Trung Quốc hoạt động trái phép ở quần đảo Hoàng Sa. Đặc biệt nghiêm trọng, các tàu này thường xuyên vây ráp, xua đuổi gắt gao tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động tại vùng biển truyền thống, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất bình thường của ngư dân ta.
Với việc thành lập trái phép thành phố Tam sa phi pháp và ban hành đạo luật sai trái cho phép tàu cảnh sát biển, tàu ngư chính kiểm soát tàu cá hoạt động trên Biển Đông, Trung Quốc đang ngang nhiên biến biển của nước khác thành ao nhà của họ. Không những vậy, họ còn đưa hàng nghìn lượt tàu cá của mình xâm phạm vùng biển Việt nam, đánh bắt hải sản trái phép cũng như lợi dụng cấu tạo vững chắc để tấn công các tàu cá Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc tăng cường kiểm soát hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, thực chất là uy hiếp nhằm làm ngư dân ta sợ không dám bám ngư trường truyền thống. Âm mưu này rất thâm độc, vừa đánh vào kinh tế của ngư dân vừa ngang nhiên chiếm biển.
Thời gian đầu tháng 5 đến tháng 6 đang là đợt cao điểm vụ cá Nam trên biển - mùa đánh bắt chính trong năm của bà con ngư dân Việt Nam. Chính vì vậy, ngư dân Việt Nam đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung tiếp tục bám biển dài ngày để khai thác hải sản trên các ngư trường truyền thống. Trung Quốc lợi dụng hoàn cảnh này để có các hành động uy hiếp, đâm chìm các tàu cá Việt Nam đang hoạt động khai thác bình thường, hợp pháp trên các ngư trường truyền thống của Việt nam.
Chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng (tính từ ngày 07/5/2014 đến 5/6/2014), trong quá trình sản xuất bình thường trên ngư trường truyền thống tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đã có 12 tàu cá của Việt Nam đã bị các lực lượng chấp pháp và tàu cá của Trung Quốc cản trở, uy hiếp, phá hoại tài sản, đối xử thô bạo với ngư dân.
Tàu cá mang số hiệu ĐNa-90152-TS bị đâm chìm đang được lai dắt về đảo Lý Sơn.
Đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc xảy ra vào ngày 26/5/2014 khi tàu cá mang số hiệu ĐNa-90152-TS có 10 ngư dân trên tàu đang hoạt động khai thác hải sản cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý thì bị tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 11209 đâm chìm. Đáng chú ý là hành động của tàu cá Trung Quốc là rất manh động, thể hiện rõ mục đích là đâm chìm tàu cá Việt Nam (tàu cá 11209 của Trung Quốc đã bám đuổi, đâm, đẩy tàu cá Việt Nam đến khi lật úp). Ngoài ra, các tàu Trung Quốc còn có hành động ngăn cản các tàu của Việt Nam tham gia cứu hộ, cứu nạn 10 ngư dân của tàu ĐNa-90152-TS. Tuy nhiên, 10 ngư dân trên tàu đã được các tàu cá Việt Nam cùng tổ đội vớt và cứu hộ an toàn. Hiện, tàu cá ĐNa-90152-TS đã được các tàu của lực lượng Kiểm ngư kéo về bờ để trục vớt và sửa chữa.
Mới đây nhất, khi đang đi từ khu vực giàn khoan 981 nằm trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam để về đất liền sáng sớm 19-6, tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4033 phát hiện hơn 45 tàu cá vỏ thép của Trung Quốc ngang nhiên đánh bắt cá ở khu vực chỉ nằm cách đảo Lý Sơn chừng 146 hải lý, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chỉ chưa đầy 30 phút sau khi tàu Cảnh sát biển 4033 đã mở loa tuyên truyền, xua đuổi số tàu cá vỏ thép Trung Quốc rời khỏi ngư trường của Việt Nam, một tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46102 đã lao tới chắn ngay trước mũi tàu CSB 4033 ngăn không cho lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam tiếp cận với các tàu cá Trung Quốc.
Tàu cá bọc thép của Trung Quốc bao quanh giàn khoan Hải Dương 981. 
Ngày 18/6, Cục Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tại hiện trường vùng biển của Việt Nam có giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép, Trung Quốc sử dụng nhiều tàu cá vỏ sắt có sự hỗ trợ của tàu hải cảnh liên tục dàn hàng ngăn cản ngư dân ta đánh bắt thủy hải sản.
Như vậy, Trung Quốc lộ rõ bộ mặt “nói một đằng làm một nẻo” khi một mặt vẫn la làng lên án thuyền cá Việt Nam đánh bắt “phi pháp” trong cái gọi là Thành phố Tam Sa của nước này nhưng vẫn xua thuyền cá bọc thép xuống đánh trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có những chính sách “nói một đằng làm một nẻo” như vậy.
Chính sách "nói một đằng làm một nẻo" của Trung Quốc
Bị vong lục ngày 12/5/1988 của Trung Quốc - một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, từ trước đến nay Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa vốn có được là do đánh chiếm của Việt Nam năm 1974.
Năm 1996, Trung Quốc tham gia ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhưng vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền hàng hải hoàn toàn trái với các quy định trong UNCLOS. Trung Quốc còn có những lý luận rất nực cười như “Đường chín đoạn, do chính phủ Trung Quốc tuyên bố hồi đầu năm 1947 và được ghi rõ ràng trong các tư liệu lịch sử, rõ ràng là một vấn đề liên quan tới chủ quyền và không bị chi phối bởi UNCLOS”.
Trung Quốc cũng là một bên tham gia Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tuy nhiên, thông qua việc tiếp tục quấy rối tàu thuyền nước ngoài ở vùng biển quốc tế, hành động leo thang tại bãi cạn Scarborough vào năm 2012 và cải tạo đất tại bãi đá ngầm Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa nhằm biến bãi đá này thành đảo nổi năm 2014, Trung Quốc đã trắng trợn vi phạm các cam kết chính trị về việc tránh các hành vi làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp.
Ông Tập Cận Bình tuyên bố một đằng, Trung Quốc xử xự một nẻo. 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng lên tiếng cho biết: “Trung Quốc cam kết tìm kiếm cách giải quyết hòa bình trong việc tranh chấp với các quốc gia khác về chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi và lợi ích hàng hải”. Tuy nhiên, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vẫn ngang nhiên đặt vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, cùng hàng trăm tàu hộ tống đâm húc, dùng vòi rồng cực mạnh phun nước vào các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư của Việt Nam. 
Đặc biệt nghiêm trọng, trong các tàu được Trung Quốc triển khai xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 còn có các tàu quân sự các loại mặc dù phía Trung Quốc nhiều lần “mặt dày” tuyên bố Trung Quốc không triển khai tàu quân sự ở khu vực giàn khoan.
Mới đây nhất, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng không biết ngượng khi lên tiếng: “Trung Quốc chủ trương tranh chấp về biển Hoa Đông, Biển Đông cần do nước đương sự trực tiếp hữu quan đàm phán giải quyết thông qua thương thảo hữu nghị trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật quốc tế”. Song, dường như ông Dương Khiết Trì quên mất rằng, Trung Quốc có rất nhiều động thái tránh né cuộc chiến pháp lý với Philippines, Việt Nam cũng như Nhật Bản liên quan đến các vấn đề chủ quyền!
Ngô Trang

No comments:

Post a Comment