Gia Minh, biên tập viên RFA 2014-05-15
Hàng ngày công nhân Việt Nam tập trung biểu tình chống Trung Quốc ở khu công nghiệp Bình Dương hôm 13/05/2014.-AFP
Nhận định về tình hình căng thẳng tại Biển Đông hiện nay, giáo sư Jonathan London thuộc Đại Học Hong Kong và là người nghiên cứu về Việt Nam, nói rằng chính quyền Việt Nam cần có một thông điệp cụ thể hơn nữa trong vấn đề này nhằm có thể tranh thủ được sự ủng hộ của thế giới.
Quan điểm của ông được nêu ra trong cuộc nói chuyện với Gia Minh của Đài Á Châu Tự Do. Trước hết ông cho biết:
GS Jonathan London: Tôi cũng có thể khẳng định cũng có thể không đồng ý về tình trạng của Việt Nam hiện nay cực kỳ phức tạp, và tôi biết có khá nhiều người tò mò lý do tại sao giới lãnh đạo của Việt Nam chưa có một thông điệp rõ nào với dân và đất nước?
Tôi không có cớ nào cho điều đó mà tôi muốn nhấn mạnh điều kiện của giới lãnh đạo Việt Nam là rất khó.
Tôi cũng có chút ấn tượng về phát biểu của Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng ở Myamar nhưng tôi cũng muốn biết bao giờ thì sẽ có một thông điệp tương tự đối với dân ở Việt Nam.
Tôi nghĩ đã đến lúc Việt Nam nên có một thông điệp nhưng việc chưa có thông điệp nào cũng có thể là đang diễn biến các thảo luận của cấp cao của Việt Nam.
Phải minh bạch với dân
Gia Minh: Theo đánh giá của giáo sư thì chính quyền và các cấp cao trong đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay họ đang gặp khó khăn gì mà đến sau hơn 10 ngày mà vẫn chưa có được thông điệp rõ ràng như thế?
GS Jonathan London: Theo tôi biết thì vấn đề Trung Quốc là một vấn đề lớn trong chính trị của Việt Nam từ xa xưa đến nay.
Tôi có thể đoán chính việc đó là lý do tại sao cho đến nay chưa có một thông điệp rõ. Tôi không đồng ý với việc này nhưng cũng có thể hiểu lý do tại sao.
Nếu Việt Nam muốn có một nền chính trị hiện đại, văn minh và thật sự coi người dân, thì phải sớm làm sáng tỏ, minh bạch vấn đề bởi vì không có một bí quyết nào khác.
GS Jonathan London
Điều chắc chắn là nếu Việt Nam muốn có một nền chính trị hiện đại, văn minh và thật sự coi người dân, công nhân, những người thật sự có quyền tham gia chính trị thì Việt Nam phải sớm tìm hướng khác để làm sáng tỏ, làm minh bạch vấn đề bởi vì không có một bí quyết nào khác.
Thực tế, có phức tạp về một số mặt nhưng những mặt khác thì thật đơn giản. Trung Quốc vào Việt Nam để gây hấn thì đã đến lúc họ tiến hành những nỗ lực để áp đặt những đòi hỏi vô cơ sở về pháp lý đối với Biển Đông Nam Á. Vì đã đến lúc rồi, nên trong tình trạng như thế này thì việc không nói hay không tuyên bố gì về Trung Quốc là không hợp lý rồi.
Tôi cũng đồng ý là từ trước cho đến nay chưa có một thông điệp rõ nào, nhưng thôi lạc quan một chút và hy vọng trong vài ngày tới không biết là ai, có thể là ông Nguyễn Tấn Dũng hoặc là ai đó sẽ có một thông điệp rõ với dân.
Nếu không thì tôi nghĩ nền chính trị Việt Nam chưa phát triển đủ và vẫn ở một mức độ quá thấp đối với yêu cầu của đất nước. Tôi tin rằng là sẽ có.
Tranh thủ sự ủng hệ quốc tế
Gia Minh: Nhiều người cũng nói đây là cơ hội rất lớn cho chính quyền Việt Nam đổi mới, để theo đường lối dân chủ. Ông có tin tưởng là chính quyền Việt Nam hiện nay có nắm bắt được cơ hội đó không, thưa ông?
GS Jonathan London: Đây là một câu hỏi phức tạp. Tôi thấy không nên ảo tưởng một chút nào vì nếu ảo tưởng thì không giúp được gì hết.
Tôi đã viết trong một thời gian khá dài rồi. Việt Nam muốn phát triển toàn diện thì phải cải cách, điều cơ bản mà ai cũng biết dù khó.
Tuy nhiên, trong bộ máy cầm quyền cũng có những người có thể cải cách nhưng không có kinh nghiệm và chưa có đủ cơ hội.
Việt Nam đang đối mặt với một tình trạng phức tạp nhưng lại là một cơ hội để cải cách, để giành được sự ủng hộ của quốc tế.
GS Jonathan London
Như chúng ta thấy, năm ngoái, Quốc hội VN thông qua hiến pháp gọi là mới nhưng chưa phải là mới nhưng đã thể hiện, phản ánh quá trình tiến hóa của Việt Nam về cải cách là chưa đến đâu, chưa đủ mạnh.
Tuy vậy, với tình hình hiện nay thì Việt Nam đang đối mặt với một tình trạng phức tạp nhưng lại là một cơ hội để cải cách. Và tại sao phải cải cách? Một trong những lý do đó là giành được sự ủng hộ của quốc tế.
Muốn được như vậy thì phải thật sự cải cách và làm những gì đã hứa từ nhân quyền đến những cải cách về kinh tế.
Cách đây một năm, anh Vũ Quang Việt ở tỉnh Quảng Ngãi đã trình bày một bài có nội dung Việt Nam muốn đề cập biển Đông một cách hiệu quả thì phải giành sự ủng hộ của quốc tế.
Như vậy chắc chắn là phải cải cách, nếu không thì sẽ không có nhiều nước trên thế giới để ý đến Việt Nam.
Mặc dầu nhiều người biết đến Việt Nam nhưng bây giờ trên thế giới chẳng ai hiểu Việt Nam đang trong tình trạng như thế này. Họ không biết là Việt Nam đang đối phó với vấn đề nào cụ thể đối với Trung Quốc mặc dầu về mặt pháp lý thì trường hợp này quá rõ rồi: Việt Nam đang bị xâm lược và đòi hỏi của Trung Quốc hoàn toàn vớ vẩn. Để cho quốc tế thực sự ủng hộ cho Việt Nam thì phải có những lý do rất rõ nhưng đến nay vẫn chưa có, chẳng hạn, nhân quyền hay những vấn đề khác.
Bây giờ họ phải thực hiện những điều này, nếu không thì Việt Nam sẽ phải cô đơn và không có bạn thân nào trên thế giới và như vậy cũng sẽ không có ủng hộ nào.
Bây giờ thì hình như Mỹ rất muốn ủng hộ nhưng trở ngại trong quan hệ song phương của hai nước vẫn còn nên rất khó cho dân Mỹ thấy vấn đề của Việt Nam là vấn đề của Mỹ dù trên thực tế vấn đề của Việt Nam hiện nay không chỉ là vấn đề của Mỹ mà của toàn khu vực.
Gia Minh: Cảm ơn giáo sư Jonathan London đã có một số nhận định và trình bày về tình hình Việt Nam hiện nay.
No comments:
Post a Comment