Thursday, May 29, 2014
Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn….
Tổng thống Mỹ John F. Kennedy.
29.05.2014
Ở Việt Nam hầu như ai cũng nghe, ít nhất một lần, câu này trong bài hát Khát vọng tuổi trẻ của Vũ Hoàng: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay.”
Thật ra, ý này đã có nhiều người nói. Một trong những người ấy là Hồ Chí Minh tại trường Đại học nhân dân Việt Nam vào ngày 19 tháng 1, 1955: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?”
Ý ấy cũng lại được Tổng thống Mỹ John F. Kennedy phát biểu trong bài diễn văn nhậm chức năm 1961: “Đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho bạn. Hãy hỏi: Bạn có thể làm được gì cho tổ quốc.” (Ask not what your country can do for you - ask what you can do for your country).
Đọc thoáng qua, chúng ta có thể nhận ra ngay, hai câu nói của Hồ Chí Minh và Kennedy rất giống nhau. Dĩ nhiên không phải Kennedy bắt chước Hồ Chí Minh. Một số nhà nghiên cứu Mỹ, gần đây, phát hiện Kennedy được gợi hứng từ câu nói của một hiệu trưởng trường Choate ở Connecticut từ thập niên 1930, nơi Kennedy theo học lúc nhỏ: “Những bạn trẻ yêu trường học của mình đừng bao giờ hỏi ‘Trường ấy làm được gì cho tôi?’ mà nên hỏi ‘Tôi có thể làm được gì cho trường ấy?’”
Xuất phát từ miệng tổng thống của một siêu cường quốc số một phe tư bản thời Chiến tranh lạnh, lại nằm ngay trong bài diễn văn nhậm chức long trọng được cả thế giới theo dõi, câu nói của John F. Kennedy nhanh chóng trở thành danh ngôn và được mọi người yêu thích cũng như nhắc nhở. Ở khắp nơi, người ta dùng câu ấy để giáo dục giới trẻ, để động viên tinh thần xả thân của họ cho những mục đích khác nhau.
Tôi nghe câu nói ấy, từ tiếng Việt và tiếng Anh, đã lâu lắm, không chừng từ những năm còn ngồi ghế trung học. Nhưng thú thật, tôi không thích và cũng không đồng ý. Hơn nữa, còn thấy nó rất dễ bị lạm dụng, do đó, trở thành rất nguy hiểm.
Điểm then chốt trong câu nói ấy là “đất nước” hay “tổ quốc”. Nhưng tổ quốc là gì? Nói một cách tổng quát, đó là một cộng đồng cùng sống trên một mảnh đất và cùng chia sẻ một lịch sử chung, một văn hóa chung, và, ở một mức độ nào đó, một hệ thống kinh tế và một ngôn ngữ chung. Hai yếu tố sau chỉ có giá trị tương đối và càng ngày, cùng với xu hướng toàn cầu hóa, càng tương đối, ví dụ, ở châu Âu, rất nhiều nước có một hệ thống kinh tế chung nhưng vẫn là những quốc gia độc lập; hoặc ở nhiều nơi trên thế giới, có khá nhiều quốc gia song ngữ hoặc đa ngữ, v.v…
Còn những cái gọi là chung ở trên thì hoàn toàn không có tính chất tự nhiên. Nguyên nhân của hiện tượng những người sống trên những mảnh đất rất xa nhau, có những hoàn cảnh, đặc điểm và những kinh nghiệm rất khác nhau mà cảm thấy có sự liên hệ chặt chẽ với nhau chủ yếu là từ văn hóa với những huyền thoại chung (ví dụ, ở Việt Nam, chuyện trăm trứng trăm con), những ký ức tập thể chung (ví dụ các truyền thuyết lịch sử, và sau đó, lịch sử) và cuối cùng, những tưởng tượng chung (ví dụ, một nước Việt Nam độc lập với Trung Hoa cũng như các quốc gia khác kể cả chủ nghĩa thực dân). Tất cả những cái chung ấy, thời gian, được lan rộng nhờ phương thức truyền khẩu, sau đó, bằng văn hóa in ấn với những sách và báo. Chính vì vậy, Benedict Anderson gọi tố quốc hay đất nước chỉ là một “cộng đồng tưởng tượng” (imagined community).
Cái cộng đồng tưởng tượng ấy không biết nói; hoặc nếu có, nó chỉ thì thầm, sâu thật sâu, trong tâm hồn của mỗi người. Nhưng phải ai cũng nghe được những tiếng nói ấy. Hầu hết đều nghe tiếng nói của tổ quốc qua các lời tuyên truyền của chính phủ. Nhưng chính phủ không những không phải là tổ quốc mà có khi còn là những kẻ lợi dụng tổ quốc cho các lợi ích của cá nhân, dòng tộc hay đảng phái của mình .
Câu nói của Kennedy và của Hồ Chí Minh chỉ đúng với một điều kiện: Tổ quốc và chính phủ là một. Tuy nhiên, sự đồng nhất ấy hoàn toàn không chính xác. Đồng nhất chính phủ và tổ quốc là một điều gian lận. Tổ quốc vĩnh cửu trong khi chính phủ chỉ tạm thời. Tổ quốc là đối tượng để phục vụ trong khi chính phủ là một phương tiện để phục vụ tổ quốc. Tổ quốc bao gồm tất cả mọi công dân, cả người sống lẫn người đã chết, không những trong hiện tại mà còn cả trong quá khứ và tương lai, trong khi chính phủ chỉ bao gồm một số người, trong trường hợp may mắn nhất, đại diện cho những người đang sống. Không ai chọn được tổ quốc, nhưng người ta có thể chọn được chính phủ. Tổ quốc, vốn là nguồn suối của tình yêu và chân lý, bao giờ cũng đúng, trong khi đó, chính phủ, do điều hành bởi những con người cụ thể, rất dễ sai lầm. Trong trường hợp chính phủ sai lầm, việc phê phán những sai lầm ấy là trách nhiệm đạo đức của mỗi công dân. Nếu chính phủ không lắng nghe, mỗi công dân yêu nước cần phải chống lại chính phủ để bảo vệ tổ quốc. Người ta có thể hy sinh chính phủ cho tổ quốc, nhưng bất cứ người nào hy sinh tổ quốc cho chính phủ cũng đều là tội phạm: tội phản quốc.
Với chính phủ, chúng ta không cần tự hỏi là chúng ta đã làm được gì cho chính phủ. Điều đó đã quá hiển nhiên: Ngay cả khi tôi không làm được điều lớn lao, tôi cũng đã làm một vài điều vô cùng cần thiết: Đóng thuế và hoàn tất tất cả các nghĩa vụ khác của mình với tư cách một công dân. Với chính phủ, tôi là chủ nợ hơn là con nợ. Tất cả các dịch vụ do chính phủ cung cấp cũng như lương hướng của tất cả các nhân viên công quyền, kể cả của các lãnh tụ cao nhất cũng đều do tôi và các công dân khác đóng góp. Không có cái gì là miễn phí cả.
Bởi vậy, với chính phủ, câu hỏi hợp lý và quan trọng nhất là: Chính phủ làm được gì cho tôi cũng như bao nhiêu người dân khác? Chính phủ đã hoàn tất các bổn phận được dân chúng phó thác để xứng đáng với những quyền lực và quyền lợi mà chính phủ đã có hay chưa?
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment