Thursday, May 29, 2014

Cần 10 năm để giảm lệ thuộc kinh tế Trung Quốc

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2014-05-29
Việt Nam xuất khẩu hai mươi mấy tỷ đô la hàng may mặc, nhưng lại nhập khẩu hơn 60% nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc
Việt Nam xuất khẩu hai mươi mấy tỷ đô la hàng may mặc, nhưng lại nhập khẩu hơn 60% nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc-AFP
Nếu quyết định giảm lệ thuộc về kinh tế với Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải bắt đầu từ đâu và dự kiến quỹ thời gian bao lâu để đạt kết quả. Nam Nguyên tìm hiểu vấn đề này.
Thương mại Việt-Trung mất cân bằng quá lớn
Theo Giáo sư Vũ Văn Hóa, phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đây là một vấn đề dài hạn và Việt Nam cần sớm có chính sách để khởi sự. Ông nói:
“Thực ra với thị trường này mình chủ yếu xuất nông sản thực phẩm nhưng với con đường tiểu ngạch, còn nhập thì khá nhiều nguyên vật liệu cho công nghiệp nhẹ. Cho nên phụ thuộc trong mối quan hệ này Việt Nam luôn luôn nhập siêu, còn Trung Quốc xuất siêu qua Việt Nam cả mậu dịch tiểu ngạch lẫn đại ngạch. Bây giờ muốn không lệ thuộc thì một là tìm thị trường khác, nhưng thị trường nào thì cũng vậy thôi, cần phải chủ động có được mặt hàng xuất khẩu nhiều hơn, nếu mà  không có mặt hàng xuất khẩu mà chỉ có nhập khẩu thì không phụ thuộc vào thị trường này thì cũng phụ thuộc vào thị trường kia, cho nên đây là cả một quá trình lâu dài. Tôi nghĩ nếu khẩn trương ra thì cũng phải mất mười năm, còn nếu không thì phải lâu hơn nữa.”
Bây giờ VN phải có rào cản hợp pháp, đầu tiên phải có mạng lưới phân phối các sản phẩm với giá tương tự như giá của TQ...Với tư cách người tiêu dùng, người ta cứ tìm mặt hàng nào rẻ và tốt người ta mua, nếu hàng TQ không tốt hơn nhưng rẻ hơn với người ít tiền người ta vẫn tìm đến những mặt hàng đó
GS Vũ Văn Hóa
Theo lời GS Vũ Văn Hóa, Việt Nam phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, xuất khẩu mặt hàng nào, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu là gì. Còn nhập khẩu thì mặt hàng nào Việt Nam có thể tự túc được thì không nên nhập khẩu, ví dụ rau quả nông sản thực phẩm, ngay cả cá, gà của Trung Quốc, Việt Nam không thiếu nhưng người ta sản xuất với giá thành thấp, sản phẩm xuất qua Việt Nam với một giá rẻ hơn. Thương nhân vẫn mua và được lợi . GS Vũ Văn Hóa cho rằng, một mặt Việt Nam nỗ lực sản xuất nhưng mặt khác phải quản lý thị trường cho tốt. Ông nói:
Từ hàng may mặc đến giầy dép đều made in China
Từ hàng may mặc đến giầy dép đều từ Trung quốc...made in China
“ Bây giờ Việt Nam phải có rào cản hợp pháp, đầu tiên phải có mạng lưới phân phối các sản phẩm với giá tương tự như giá của Trung Quốc bán cho những người ở vùng biên giới và nông dân. Với tư cách người tiêu dùng, người ta cứ tìm mặt hàng nào rẻ và tốt người ta mua, nếu hàng Trung Quốc không tốt hơn nhưng rẻ hơn với người ít tiền người ta vẫn tìm đến những mặt hàng đó. Cho nên phải có qui định, nhưng phải có hàng nhiều, nếu mình cung cấp không đủ, dân chúng tiêu dùng mà nó thiếu thì người ta phải tìm đến mặt hàng giá rẻ người ta mua thôi.”
Trong bối cảnh biển Đông rối ren, tình trạng mất chủ quyền qua vụ giàn khoan Hải Dương 981 đã rõ ràng. Dư luận Việt Nam bắt đầu phản ánh nhiều ý kiến là phải giảm lệ thuộc Trung Quốc. Cán cân thương mại Việt-Trung bị mất cân bằng quá lớn, theo số liệu chính thức năm 2013 Việt Nam nhập siêu với Trung Quốc hơn 23 tỷ USD, phần nhập khẩu là 36,9 tỷ USD và xuất khẩu 13,3 tỷ USD. Việt Nam xuất qua Trung Quốc nhiều nhất là nông sản, khoáng sản và nhập khẩu của Trung Quốc nguyên vật liệu, máy móc phục vụ sản xuất để xuất khẩu.
Khi đề ra một lộ trình 10 năm để giảm lệ thuộc kinh tế Trung Quốc, GS Vũ Văn Hóa phân tích:
“Làm gì có cơ sở vật chất để tự chủ ngay, cho nên phải từng bước một, phải cơ cấu xem xét bây giờ cái gì làm trước. Ví dụ công nghiệp sản xuất xuất khẩu của Việt Nam phải có có công nghiệp phụ trợ, dệt may phải tự túc cái gì ít nhất 50%-60% nguyên liệu là bông hoặc các phụ liệu thay thế là phải có. Công nghiệp của Việt Nam gọi là ô tô nhưng lắp ráp là toàn bộ của bên ngoài, tất cả công nghiệp phụ trợ làm ra nó thì chẳng có gì cả. Thế thì chỉ là ăn công thôi, mất đất đai mọi thứ để cho người nước ngoài làm, lợi nhuận mang lại cho nền kinh tế Việt Nam có đáng là bao nhiêu. Cứ tính 90 triệu dân và con số 130 tỷ đô la GDP một năm, thì nó cũng chả đáng là bao nhiêu, bình quân đầu người không đáng kể.”
Về vấn đề kinh tế thuần túy doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu TQ, mình nói xuất khẩu hai mươi mấy tỷ đô la hàng may mặc, nhưng những hàng may mặc ấy có hơn 60% nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc
Ô.Bùi Kiến Thành
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành hiện sống và làm việc ở Hà Nội, đã đến lúc cần gióng tiếng chuông báo động về tình trạng lệ thuộc Trung Quốc. Ông nói:
“Về vấn đề kinh tế thuần túy doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu Trung Quốc, mình nói xuất khẩu hai mươi mấy tỷ đô la hàng may mặc, nhưng những hàng may mặc ấy có hơn 60% nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Tất cả những thứ đó cho chúng ta có cơ hội nhìn lại vấn đề ngoại thương với Trung Quốc và vấn đề khác là dưới chiêu bài kinh tế có vấn đề chính trị quốc phòng hay không thì Việt Nam phải thận trọng.”
Khuyến khích đầu tư trong nước thay vì nước ngoài
Một số ý kiến khác cho là ngoài vấn đề lệ thuộc kinh tế Trung Quốc qua xuất nhập khẩu, Việt Nam còn có thể bị lệ thuộc vòng thứ nhì với chính sách ưu tiên cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định:
Lãnh đạo nhà nước phải suy nghĩ xem, chúng ta có nên trải thảm đỏ ra để rước Trung Quốc vào đầu tư ở Việt Nam hay không. Và nếu Trung Quốc đầu tư ồ ạt thì liệu các doanh nghiệp Việt Nam có đứng vững hay không. Hiện nay đầu tư nước ngoài đã chiếm 68% xuất khẩu rồi, cả cái nước Việt Nam bao nhiêu trăm ngàn doanh nghiệp mà chỉ xuất khẩu được có 32%. Liệu ngày nào Trung Quốc đổ vào đây để đầu tư như thế thì ngoại thương Việt Nam sẽ ra sao tất cả chúng ta cần phải suy nghĩ.”
Theo ông Diệp Thành Kiệt, phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam, phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM thì hãy tự trách mình trước nếu không khuyên khích được giới đầu tư trong nước mà nhường sân chơi cho nhà đầu tư nước ngoài. Ông nói:
“Chúng ta đã có một chính sách chung về đầu tư, việc không khuyến khích được giới đầu tư trong nước để họ đầu tư tăng tỷ lệ nội địa hóa, hoặc là không đa dạng hóa các nhà đầu tư thì nó là một trong những thất bại của chúng ta. Tôi cho rằng việc mở cửa kêu gọi tất cả nhà đầu tư là một chính sách rộng mở của Việt Nam. Và chính phủ Việt Nam cho đến giờ phút này không có sự phân biệt nhà đầu tư đó đến từ đâu, mà chỉ phân biệt nhà đầu tư đó có thực sự làm ăn ở Việt Nam hay không.”
Chúng tôi xin lập lại lời GSTS Vũ Văn Hóa là nếu bắt đầu ngày hôm nay ít nhất cũng phải mất 10 năm Việt Nam mới có thể thoát lệ thuộc kinh tế từ Trung Quốc. Nhưng chúng tôi ghi nhận một câu hỏi từ các mạng xã hội đó là Đảng và Nhà nước nếu thực tâm, thì đừng chần chừ nữa mà hãy khởi sự thoát lệ thuộc Trung Quốc.

No comments:

Post a Comment