Thursday, May 29, 2014

Có bao nhiêu dầu mỏ tại vị trí mới của giàn khoan Hải dương 981?

Hoàng Ánh - theo Trí Thức Trẻ | 29/05/2014 15:55


(Soha.vn) - Đã có nhiều phân tích về trữ lượng dầu mỏ tại vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên biển Đông.

Theo ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), khu vực
Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 có tiềm năng dầu khí không cao và là vùng nước sâu, độ sâu trung bình là 1.000 m, rất khó để khai thác.

Đồng thời, ông Hậu phản bác hoàn toàn lời vu khống của phía Trung Quốc cho rằng Việt Nam phân 57 lô dầu khí tại các vùng biển có tranh chấp. Trên thực tế, mọi hoạt động dầu khí của Việt Nam đều nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam theo công ước quốc tế.

Năm 1972, PVN đã thuê một công ty của Mỹ để khảo sát tiềm năng dầu khí tại đây. Các nghiên cứu của PVN về tiềm năng dầu khí tại khu vực này cho thấy nơi đây chỉ có một ít khí đốt tự nhiên và hoàn toàn không có dầu mỏ.
5h30 sáng 27/5, giàn khoan 981 đã được 2 tàu Hải Dương 612 và 613 kéo về phía Đông Nam đảo Tri Tôn 25 hải lý nhưng vẫn nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam.
5h30 sáng 27/5, giàn khoan 981 đã được 2 tàu Hải Dương 612 và 613 kéo về phía Đông Nam đảo Tri Tôn 25 hải lý nhưng vẫn nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam.

Kết luận của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây về tiềm năng dầu khí tại khu vực căng thẳng trên Biển Đông cũng khẳng định đây là khu vực ít có dầu khí và thậm chí quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hoàn toàn không có dầu mỏ. Theo EIA, không giống như các bộ phận khác của Biển Đông, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam không có trữ lượng lớn về tài nguyên dầu khí.

Một chuyên gia người Đức cũng phân tích thêm, dù những căng thẳng trên Biển Đông chủ yếu vì tài nguyên cũng như việc khai thác tài nguyên nhưng dường như Trung Quốc không đặt nặng động cơ này. Cái mà Trung Quốc ưu tiên hàng đầu là đòi hỏi tuyên bố chủ quyền và làm các nước láng giềng lo ngại. Để làm điều đó, Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ cho các lực lượng quân sự và bán vũ trang. Lợi ích thu được về kinh tế không đáng kể gì so với chi phí rất lớn mà họ bỏ ra.

Sau khi di chuyển giàn khoan đến vị trí mới, hôm 27/5, Trung Quốc cho hay, giàn khoan Hải Dương 981 đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên trong hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông, vì vậy cần đưa đến vị trí mới để phục vụ giai đoạn hai.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, có thể do vị trí ban đầu nhiều bùn, độ bùn ngập sâu quá hoặc đáy biển chưa phù hợp, hay có thể có dấu hiệu của khí nông nên Trung Quốc không dám làm, không thể đặt được thiết bị đầu giếng; về mặt kỹ thuật có thể Trung Quốc gặp sự cố trong khi khoan... nên nước này mới di chuyển giàn khoan.

Cụ thể, ngày 27/5, giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển cách vị trí cũ 23 hải lý, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý. So với vị trí ban đầu, giàn khoan này đã di chuyển hơn 40 km. Với sự dịch chuyển này, giàn khoan Hải dương 981 vẫn thuộc lô khai thác dầu khí 142, 143 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

"Ở lô 142, 143 mà giàn khoan của Trung Quốc đang khoan tìm kiếm thăm dò dầu khí trái phép chưa có phát hiện thương mại nào để có thể khai thác dầu khí và đây là lần đầu tiên có hoạt động thăm dò dầu khí ở khu vực này. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có nhiều đợt khảo sát thăm dò tại đây nhưng chưa tiến hành khoan", Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu nói trong buổi họp báo quốc tế.

Trong một diễn biến khác, theo quan sát của Cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư, ngày 28-5, giàn khoan Hải Dương 981 vẫn đang ở tọa độ 15 độ 33 phút Bắc - 111 độ 34 phút Đông và chưa có động thái dịch chuyển tiếp theo.

Tổng hợp

No comments:

Post a Comment