HÀ NỘI (NV) .- Tám tàu kiểm ngư và Cảnh sát biển của Việt Nam bị đoàn tàu Trung Quốc, có cả tàu hải quân, lớn hơn, đông hơn đâm, phun vòi rồng làm hư hại và 6 viên chức kiểm ngư bị thương.
Ông Ngô Ngọc Thu, tư lệnh phó Cảnh Sát Biển Việt Nam trình bày các biến cố trên vùng biển Việt Nam trong cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 7/5/2014. (Hình: STR/AFP/Getty Images)
Đây là điều được Việt Nam đưa ra trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 7/5/2014 về các diễn biến xảy ra trên Biển Đông, khu vực phía nam quần đảo Hoàng Sa khi Trung Quốc đưa dàn khoan khổng lồ Haiyang Shiyou 981 (Việt Nam gọi là HD 981) tới để bắt đầu khoan tìm dầu khí ngay tại vùng biển nằm sâu trong giới hạn đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Những ngày từ đầu Tháng 5 đến nay, người ta chỉ thấy Hà Nội đưa ra các lời phản đối ngoại giao đối với hành động của Trung Quốc. Ngày Thứ Tư 7/5/2014 thì mới thấy đưa ra trong cuộc họp báo gồm cả hình ảnh và video clip chứng minh cho các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam của Bắc Kinh.
Cũng từ cuộc họp báo này, người ta mới chính thức được biết nhà cầm quyền Việt Nam đưa khoảng hơn 10 chục tàu vừa kiểm ngư vừa tàu cảnh sát biển đến để cản trở hoạt động ngang ngược của phía Trung Quốc. Các tàu này nhỏ bé và ít gấp nhiều lần so với lực lượng của Trung Quốc dùng bảo vệ dàn khoan HD 981, gồm cả tàu chiến trang bị hỏa tiễn. Không có tàu quân sự nào của Việt Nam có mặt, theo các viên chức CSVN nói trong cuộc họp báo.
Vụ việc bắt đầu có va chạm bắt đầu từ ngày 2 kéo dài tới ngày 7 Tháng 5 khi Bộ Ngoại Giao Hà Nội mở cuộc họp báo vẫn còn, không biết sẽ đi đến đâu trong mối quan hệ giữa hai nước Cộng Sản có các khẩu hiệu làm kim chỉ nam bang giao gồm “4 tốt” và “16 chữ vàng”.
Tàu Cảnh sát biển của Việt Nam bị tàu Trung Quốc xịt vòi rồng trong khi một tài Hải giám Trung Quốc đâm thẳng vào hông ở khu vực gần vị trí dàn khoan Trung quốc chuẩn bị khoan tìm dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. (Hình: AP Photo/Vietnam Coast Guard)
“Từ ngày 2-7/5, Trung Quốc thường xuyên sử dụng từ 2-3 tàu kèm 1 tàu ta để ngăn cản, đâm húc và phun nước áp lực cao làm hư hại 8 tàu Kiểm ngư đang thực thi pháp luật trên biển, có tàu Kiểm ngư bị tàu Hải cảnh đâm, húc đẩy nhiều lần (KN 762 bị 9 lần vào các ngày 2, 3, 4 và 5/5)”, TTXVN tường thuật.
Theo sự mô tả của báo chí ở Việt Nam về cuộc họp báo ở Hà Nội, “các cơ quan chức năng nhận định hành động của Trung quốc là 'hung hăng', ngang ngược' và 'cố tình', 'có chủ ý” khi dùng vòi rồng mạnh, đâm trực tiếp vào tàu của Việt Nam. Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam nói trong cuộc họp báo, có lúc lực lượng Trung Quốc đông tới 80 tàu, gồm cả 7 tàu quân sự trang bị hỏa tiễn.
Tất cả các tàu võ trang của Trung Quốc “đều mở bạt che súng, pháo để sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào, gây nên cảnh hết sức căng thẳng trên thực địa”, báo Một Thế Giới tường thuật lời một quan chức tại cuộc họp báo. “Trong quá trình thực thi pháp luật trên biển, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã kiên trì, kiềm chế trước hành động hung hăng, ngang ngược của tàu Trung Quốc”.
Không những làm vòng đai bảo vệ dàn khoan, một số tàu võ trang và tàu đánh cá thuộc đoàn tàu hùng hậu của Trung Quốc còn tiến sâu vào vùng biển của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn từ 50 hải lý đến 60 hải lý. Không những vậy, Trung Quốc còn điều động một số chiến đấu cơ bay trên đầu, uy hiếp các tàu của Việt Nam, một viên chức nói.
Tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam bị tàu Hải giám Trung Quốc đâm vỡ mạn tàu khi ngăn cản dàn khoan HD 981 của Trung quốc dò tìm dầu khí. (Hình: AP Photo/Vietnam Coast Guard)
Song song với các biến cố diễn ra phía nam quần đảo Hoàng Sa, dư luận quốc tế cũng tỏ vẻ quan tâm đến việc Philippines bắt giữ một tàu đánh cá với 11 người của Trung Quốc khi nó hoạt động ở khu vực bãi đá ngầm Half Moon Shoal thuộc Trường Sa mà Philippines nói thuộc chủ quyền của mình. Phi nói những người Trung Quốc này đánh bắt một số rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng sẽ bị truy tố trong khi Bắc Kinh lên tiếng đòi thả.
Việc Trung quốc đưa dàn khoan HD 981 tới vùng biển Việt Nam khoan dò dầu khí được báo chí quốc tế coi như là hành động khiêu khích nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Sự việc nằm trong sự tính toán của Bắc Kinh từng bước một tiến đến kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông.
Các nước trong khu vực Đông Nam Á đang “đối mặt với một kịch bản vô cùng nguy hiểm”, hệ quả của việc Trung quốc đưa dàn khoan nước sâu Haiyang Shiyou 891 tới vùng biển Việt Nam. Tiến sĩ Ian Storey, một chuyên viên tại Viện Nghiên Cứu Các Vấn Đề Đông Nam Á, phát biểu trên tờ Straits Times ở Singapore.
“Trung quốc dường như cố ý đặt dấu chân vững vàng xuống vùng biển tranh chấp và trói tay Hà Nội. Nó có vẻ như vụ việc nghiêm trọng đã diễn ra mà người ta đoán Hà Nội sẽ phải cân nhắc các biện pháp nào sẽ dùng để đối phó.” Ông Jonathan London, một chuyên viên về Việt Nam đang dạy tại đại học Hongkong nói với hãng thông tấn AP.
“Lưng của nhà cầm quyền Việt Nam đã bị đẩy tới chân tường. Chủ trương của Trung Quốc đã đem đến tình thế này mà ngoại trừ Trung Quốc, người ta ai cũng tin rằng hành động của họ vô cùng phi lý.” (TN)
05-07-2014 2:46:11 PM
No comments:
Post a Comment