Wednesday, May 7, 2014

Nguy cơ bệnh chồng bệnh tại TP HCM


 

Trong khi sởi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì bệnh tay chân miệng lại đang có xu hướng tăng dần tại TP HCM.
Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện có 50 bệnh nhân sởi, 51 ca tay chân miệng đang điều trị nội trú. Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng ghi nhận 68 ca sởi nội trú và mỗi ngày có khoảng 30-40 bệnh nhi tay chân miệng nhập viện theo dõi. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 2.000 trường hợp mắc tay chân miệng trên địa bàn TP HCM. Những ngày gần đây, xu hướng sởi nội trú giảm dần nhưng ngoại trú vẫn chưa hạ nhiệt. Một số ca bệnh thủy đậu cũng xuất hiện rải rác.
Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, Phó Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh tay chân miệng chưa ở mức cao điểm nhưng nhiều dịch bệnh xuất hiện cùng lúc nên đã gây nên áp lực trong việc điều trị. 
Bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng dần tại TP HCM. Ảnh: Lê Phương.
Bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng dần tại TP HCM. Ảnh: Lê Phương.
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng nhận định, chu kỳ hằng năm thì mùa này là mùa bệnh tay chân miệng diễn tiến và bệnh đang có xu hướng tăng dần. So với các năm trước thì số lượng giảm hơn rất nhiều, không có sự đột biến do ngành y đã tiên lượng trước tình hình cũng như có kinh nghiệm xử lý hơn.
"Năm nay do bệnh sởi diễn biến phức tạp nên các dịch bệnh có nguy cơ chồng chéo nhau. Tại bệnh viện, mỗi loại bệnh có một khu cách ly riêng, người nhà cũng cần hạn chế vào ra để tránh lây truyền mầm bệnh", bác sĩ Nam chia sẻ.
Theo bác sĩ Thoa, 3 bệnh sởi, thủy đậu, tay chân miệng đều có triệu chứng chung là sốt cao, nổi hồng ban nhưng mỗi bệnh có biểu hiện cụ thể khác nhau.
Thủy đậu có diễn tiến ban đầu là các hồng ban, sau đó các bóng nước thường nổi ở thân nhiều hơn ở tay chân. Các hồng ban này sẽ nổi theo từng giai đoạn, từng đợt riêng. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng thì các nốt ban xuất hiện ở tay chân, đặc biệt trong lòng bàn tay, bàn chân nhiều hơn trên thân. Ở sởi, bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt, chảy nước mắt, sau đó phát ban theo thứ tự từ đầu đến chân và khi ban bay đi cũng sẽ theo thứ tự như thế. 
Bệnh sởi do đã có văcxin nên có thể chủ động phòng ngừa. Riêng tay chân miệng hiện chưa có văcxin phòng ngừa, bệnh có thể tái đi tái lại, gây biến chứng viêm màng não, viêm não, tổn thương tim... nên cần tăng cường ý thức phòng bệnh. Trẻ có biểu hiện bệnh cần được đi khám và thực hiện cách ly. Trẻ cần được nghỉ học, không đến những nơi đông người để tránh lây lan bệnh, biết cách tự giữ vệ sinh như thường xuyên rửa tay, không móc mũi, biết che miệng khi ho... Người chăm sóc trẻ cũng cần giữ vệ sinh sạch sẽ, dọn dẹp nhà cửa thông thoáng.
Các bác sĩ khuyến cáo người bị sởi, tay chân miệng hay thủy đậu đều cần phải cách ly tốt và thực hiện chăm sóc tại nhà. Bệnh ở giai đoạn nhẹ nếu nhập viện sẽ dẫn đến quá tải, nguy cơ lây nhiễm chéo nhiều loại bệnh. Phụ huynh cần lưu ý không dùng các biện pháp dân gian như đeo vòng tay, tắm các loại lá, uống tiêu ban lộ, ăn cháo muối khiến trẻ không đủ dinh dưỡng phòng bệnh, kiêng gió kiêng nước gây nóng bức, mất vệ sinh ở trẻ.
"Việc áp dụng các biện pháp chưa có nghiên cứu khoa học một mặt sẽ gây tác dụng phụ ở trẻ, mặt khác có thể khiến người nhà nghĩ là đã có biện pháp điều trị bệnh nên chủ quan, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho trẻ", bác sĩ Nam phân tích.
Lê Phương

No comments:

Post a Comment