(Dân trí) - Tại cuộc họp báo quốc tế chiều nay ở Hà Nội, đại diện Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, Trung Quốc đã đưa giàn khoan khủng HD 981 cùng 80 tàu và hàng chục tốp máy bay vào thềm lục địa Việt Nam và tàu Trung Quốc đã ngang ngược đâm rách 8 tàu Việt Nam khi các tàu làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Cuộc họp báo quốc tế về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam vào chiều nay 7/5 tại Nhà khách Chính phủ số 12 Ngô Quyền.
Vào 16h chiều nay 7/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam kết hợp với các ban, ngành liên quan đã tổ chức cuộc họp báo quốc tế về động thái Trung Quốc mới đây đã đưa giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa Việt Nam. Cuộc họp báo có sự tham dự của ông Lê Hải Bình, Quyền vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia; ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và ông Ngô Mai Thịnh, đại diện Cục Kiểm Ngư, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn và đông đảo các phóng viên báo chí trong và ngoài nước.
Tại cuộc họp báo quốc tế diễn ra tại Hà Nội vào chiều nay 7/5, ông Ngô Ngọc Thu, phó tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, Trung Quốc đã đưa giàn khoan HD981 cùng 80 tàu hộ tống các loại, trong đó có 7 tàu quân sự, vào thềm lục địa Việt Nam. Và giàn khoan HD 981 đã được định vị và khoan thăm dò tại khu vực thuộc thềm lục địa Việt Nam.
Hình ảnh cắt từ clip cho thấy tàu Trung Quốc đã ngang ngược đâm, phun vòi rồng vào tàu của Việt Nam.
Cũng tại cuộc họp báo, các quan chức Việt Nam đã công bố đoạn clip cho thấy Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 tại tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc-111o12’06” kinh Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, thuộc thềm lục địa Việt Nam. Các tàu hộ tống giàn khoan của Trung Quốc đã ngang ngược đâm tàu kiểm ngư của Việt Nam khi các tàu đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Theo ông Thu, lực lượng tham gia bảo vệ giàn khoan HD981 trong các ngày 02, 03/5 có khoảng 40 tàu các loại. Nhưng đến 12h00 ngày hôm nay 7/5, Trung Quốc đã huy động, lúc cao nhất 80 tàu các loại, trong đó có 07 tàu quân sự gồm: Tàu Hộ vệ Tên lửa 534 và tàu Tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh số hiệu 753; cùng 33 tàu Hải Cảnh, Hải Giám, Ngư chính; và các tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự đã vào cách đảo Lý Sơn từ 50 – 60 hải lý.
Một trong 6 kiểm ngư viên bị thương do bị mảnh kính văng vào khi tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam.
Khi các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ra kiểm tra, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan HD981, các tàu bảo vệ của Trung Quốc, được sự yểm trợ của máy bay, có hành động hung hăng, chủ động đâm thẳng vào các tàu, dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào các tàu của Việt Nam nhằm làm hư hỏng tàu thuyền và các trang thiết bị trên tàu, gây thương tích cho thủy thủ trên tàu. Cụ thể Lúc 08 giờ 10 phút này 03/5, tại tọa độ 15031’ N– 111002’E (cách giàn khoan HD981 khoảng 10 hải lý) tàu Hải Cảnh 44044 chủ động đâm thẳng vào mạn phải tàu CSB4033, hậu quả làm cho tàu 4033 bị rách mạn phải chiều dài 3 mét, rộng 01 mét, làm hư hỏng máy phải và các trang thiết bị khác(mời quý vị xem hình ảnh trên màn hình). Lúc 08 giờ 30 phút ngày 04/5: Tàu Hải Cảnh 44103 chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu CSB2012; do tàu 2012 đã tăng tốc vòng tránh, nên vết đâm chỉ bị ở chính góc đuôi tàu mạn phải diện tích khoảng 1m2, làm hư hỏng một số trang thiết bị khác trên tàu.
Hình ảnh trong clip được công bố tại cuộc họp báo.
Ngoài các tàu Cảnh sát biển thì các tàu Trung Quốc còn chủ động đâm va, phun nước vào hàng chục tàu Kiểm ngư và các tàu thực thi pháp luật khác của Việt nam. Hậu quả làm hư hỏng các trang thiết bị trên tàu và làm bị thương cho một số thủy thủ Việt Nam.
Lúc 12.00 ngày hôm nay tàu Hải cảnh 3411 tiếp tục có hành động đâm vào tàu CSB8003. Trung Quốc sử dụng đồng thời máy bay số hiệu 8321 bay trên không phận tàu CSB8003, nhằm uy hiếp các tàu Việt Nam.
Đối với các tàu Trung Quốc được trang bị vũ khí đều mở bạt che súng, pháo để sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào, gây nên tình trạng hết sức căng thẳng trên thực địa.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Ngọc Thu cho hay tàu Trung Quốc đã chủ động đâm vào tàu Việt Nam, gây hỏng hóc nhiều nhưng lực lượng phía Việt Nam vẫn kiên trì kiềm chế. Tuy nhiên, “mọi sự kiềm chế vẫn có giới hạn, nếu tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục đâm vào tàu Việt Nam, chúng tôi sẽ buộc phải tự vệ”, ông Nguyễn Ngọc Thu nhấn mạnh.
Ông Thu cũng cho hay, đến nay, phía Việt Nam chưa khống chế bất cứ người nào tại vùng biển có nhiều tàu Trung Quốc đang xâm phạm trái phép.
|
Ông Thu khẳng định giàn khoan HD981 và các tàu của Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam và hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc đối với các tàu Việt Nam là việc làm vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và luật pháp Quốc tế, vi phạm thỏa thuận giải quyết các vấn đề trên Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC).
Ông Ngô Mai Thịnh, đại diện Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết phía Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc đền bù thiệt hại gây ra đối với các tàu của Việt Nam.
Số tàu Trung Quốc có vẻ đang gia tăng
Trong khi đó, trả lời phóng viên Dân Trí, ông Trần Duy Hải, phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cho biết, con số 80 tàu Trung Quốc đưa đến thềm lục địa Việt Nam là tính đến 12h trưa nay 7/5 và số lượng này có vẻ đang gia tăng. Ông cũng nhận định tình hình hiện nay rất căng thẳng.
“Việt Nam chủ trương các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp liên quan. Sắp tới Việt Nam vẫn tiếp tục kiên trì trao đổi với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề trên biển Đông và sẽ sử dụng các biện pháp hòa bình theo công ước quốc tế để bảo vệ", ông Trần Duy Hải cho hay.
“Việt Nam là nước ưa chuộng hòa bình vì chúng ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, kiên trì biện pháp hòa bình. Tôi đã nói nhiều lần chủ quyền lãnh thổ rất thiêng liêng, sẽ sử dụng các biện pháp được quy định của Hiến chương Liên hợp quốc”, ông nhấn mạnh.
Ông Hải cũng cho biết, trong cuộc điện đàm với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, phía Trung Quốc nhắc lại lập trường Trung Quốc trên biển Đông, cho rằng khu vực giàn khoan 981 đang hoạt động thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Nhưng Phó thủ tướng đã bác bỏ quan điểm của Trung Quốc và khẳng định quyền chủ quyền của chúng ta với Hoàng Sa. Phó Thủ tướng nhấn mạnh hoạt động của giàn khoan 981 xâm phạm các vùng biển của Việt Nam và Việt Nam sẽ kiên quyết phản đối.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tiềm năng dầu khí của khu vực mà Trung Quốc đang đặt giàn khoan, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia cho hay, chưa có phát hiện thương mại nào ở khu vực này có thể khai thác dầu khí và đây là lần đầu tiên có hoạt động thăm dò dầu khí.
PetroVietnam đã nhiều lần tiến hành thăm dò nhưng chưa khoan, đồng thời cũng gửi thư cho Chủ tịch và Tổng giám đốc Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt. “Các cơ quan chức năng sẽ không cho phép Trung Quốc tiến vào thăm dò, khai thác trong bất kỳ trường hợp nào,” ông nhấn mạnh.
Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc
Trước đó vào ngày 2/5, Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc ngang nhiên thông báo đã đưa giàn khoản Hải Dương 981 (HD-981) vào định vị khoan tại tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc-111o12’06” kinh Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam từ ngày 2/5 đến 15/8/2014, vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Chiều 06/5/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì về việc giàn khoan HD-981 và nhiều tàu của Trung Quốc hoạt động tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam từ ngày 01/5/2014 đến nay. Tại cuộc điện đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc làm này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam.
“Việt Nam không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này”, thông cáo của Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Trước đó ngày 3/5, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cũng đã lên tiếng phản đối động thái của phía Trung Quốc và nêu rõ: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối".
Ngày 4/5/2014, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc cực lực phản đối hành động này và kiên quyết yêu cầu Tổng Công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc dừng ngay các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Chiều 06/5/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì về việc giàn khoan HD-981 và nhiều tàu của Trung Quốc hoạt động tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam từ ngày 01/5/2014 đến nay. Tại cuộc điện đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc làm này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam.
“Việt Nam không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này”, thông cáo của Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Trước đó ngày 3/5, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cũng đã lên tiếng phản đối động thái của phía Trung Quốc và nêu rõ: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối".
Ngày 4/5/2014, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc cực lực phản đối hành động này và kiên quyết yêu cầu Tổng Công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc dừng ngay các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Thứ Tư, 07/05/2014 - 17:02
Nhóm PV
No comments:
Post a Comment