BẮC KINH (NV) - Bộ Ngoại Giao Trung Quốc vừa khẳng định: Trung Quốc không có lỗi. Phía có lỗi chính là Hoa Kỳ khi khuyến khích cách hành xử gây căng thẳng ở biển Ðông trong vụ giàn khoan HD 981.
Tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhằm đáp trả chỉ trích của ông John Kerry, ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Tàu mang số hiệu 4032 của Cảnh Sát Biển Việt Nam bị tàu của Cảnh Sát Biển Trung Quốc húc gãy 10 mét lan can ở mạn trái, hư ba thông gió. (Hình: Thanh Niên)
Hôm 12 tháng 5, khi trò chuyện với ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, ông Kerry tái khẳng định quan điểm của Hoa Kỳ. Theo đó, việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để thăm dò dầu là hành động khiêu khích.
Tường thuật về cuộc trò chuyện này, bà Jen Psaki, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết, ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh với ngoại trưởng Trung Quốc là Hoa Kỳ “hết sức lo ngại” trước các diễn biến vừa qua trên biển Ðông. Ông Kerry kêu gọi cả hai bên có liên quan “giảm bớt căng thẳng” để tàu của hai bên cùng hoạt động trong tinh thần đảm bảo an toàn trên biển và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ðến ngày 13 tháng 5, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc xác nhận trên biển Ðông đã xảy ra những hành động khiêu khích nhưng Trung Quốc không có lỗi. Phía Trung Quốc khuyến cáo, ông Kerry cần nhìn vấn đề “khách quan và công bằng” đồng thời phải “phát ngôn một cách thận trọng.” Theo Trung Quốc, vấn đề biển Ðông cần phải được giải quyết thông qua đối thoại trực tiếp giữa các bên có liên quan và Hoa Kỳ không nên “vô cớ can thiệp.”
Theo Reuters, khi gặp gỡ ngoại trưởng Singapore ở thủ đô Wahington hôm 12 tháng 5, ngoại trưởng Hoa Kỳ lặp lại sự lo ngại của Hoa Kỳ về những “thách thức” của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Theo ông Kerry, không riêng Hoa Kỳ mà tất cả các quốc gia có liên quan đến việc đi lại trên biển Ðông, biển Hoa Ðông đều “lo ngại sâu sắc về hành động hung hăng đó.” Ông Kerry nhấn mạnh, Hoa Kỳ mong sớm thấy sự hiện diện của một Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Ðông. Các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình thông qua Công ước về Luật Biển, thông qua trọng tài chứ không phải bằng đối đầu trực diện và bằng “hành động hung hăng.”
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, trong ngày 13 tháng 5, diễn biến ở khu vực đang xảy ra tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn hết sức căng thẳng. Tàu của Trung Quốc vẫn tiếp tục tìm cách đâm vào tàu của Việt Nam và cả hai bên vẫn dùng vòi rồng tấn công lẫn nhau. Tàu mang số hiệu 4032 của Cảnh Sát Biển Việt Nam đã bị húc gãy 10 mét lan can ở mạn trái, hư ba thông gió.
Gần đây, Việt Nam đã tổ chức cho khoảng 20 nhà báo của các cơ quan truyền thông Việt Nam và quốc tế tháp tùng một số tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam để ghi nhận thực tế ở khu vực có tranh chấp.
Trong ngày 13 tháng 5, ngoài các hộ tống hạm và tàu cảnh sát biển, Trung Quốc còn đưa thêm các tàu đánh cá vỏ sắt tham dự cuộc đối đầu ở khu vực tranh chấp. Có thể vì vậy nên đến trưa hôm qua, 30 tàu đánh cá của ngư dân Quảng Nam và Ðà Nẵng đã rời đất liền đến khu vực tranh chấp để “sát cánh cùng lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam yêu cầu các tàu Trung Quốc chấm dứt ngay việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.”
Tối 13 tháng 5, các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã đến hiện trường. Theo tường thuật của tờ Thanh Niên, dù bị các tàu đánh cá của Trung Quốc đe dọa và rượt đuổi nhưng những tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam không rời hiện trường. Vào tối 13 tháng 5, gió ở trên biển đã lên đến cấp 5, cấp 6. (G.Ð)
05-13-2014 3:42:57 PM
No comments:
Post a Comment