DatViet-Chính phủ Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc bằng việc không ngừng khẳng định vai trò quan trọng của luật biển quốc tế và thúc đẩy đàm phán TPP, trong khi bản thân lại chưa thuyết phục được quốc hội thông qua hai quyết sách quan trọng trên.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Trong ảnh là giàn khoan 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển của Việt Nam. Ảnh: China News
Năm 2012, khi Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa giàn khoan nước sâu đầu tiên vào sử dụng, Chủ tịch công ty Vương Nghi Lâm tuyên bố rằng đây là vũ khí chiến lược, là "lãnh thổ quốc gia di động" của Trung Quốc.
Trung Quốc đang hiện thực hóa chính sách bành trướng trên, với việc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng biển của Việt Nam và điều động cả trăm máy bay, tàu chiến cản trở lực lượng thi hành pháp luật của Hà Nội. Và đây chỉ là một trong hàng loạt những hành động gây hấn trên biển của Bắc Kinh những năm gần đây.
Ứng phó với cục diện trên, Mỹ một mặt sử dụng Hạm đội 7 đồn trú tại châu Á - Thái Bình Dương để gây sức ép về quân sự, mặt khác dựa vào các công cụ pháp luật quốc tế như yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Giới phân tích nhận định rằng sau nhiều năm sa lầy tại các chiến trường Afghanistan và Iraq, Mỹ không còn mong muốn rơi vào các cuộc xung đột khác nữa. Điều này thể hiện rất rõ qua cách hành xử của Washington trên vấn đề Syria và Crimea.
Chính vì vậy, luật pháp quốc tế và tập hợp lực lượng được cho là hai sách lược mà Mỹ sẽ vận dụng để kiềm chế Trung Quốc, từ đó đảm bảo địa vị chủ đạo của mình trong khu vực.
Tuy nhiên trên phương diện luật pháp quốc tế, Mỹ đang ở trong một vị thế rất tế nhị. Washington ủng hộ đồng minh Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế căn cứ theo UNCLOS, nhưng bản thân lại không tham gia ký kết Công ước. Hiện có 166 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước, trong đó có Trung Quốc.
Cố tổng thống Ronald Reagan từ chối phê chuẩn tham gia UNCLOS, bởi quy định về khai thác tài nguyên dưới đáy biển bất lợi với các hoạt động thương mại và an toàn quốc gia của Mỹ.
Nhưng các quy định trên đã được sửa đổi vào năm 1994. Các đời tổng thống Mỹ sau đó đều tán thành tham gia Công ước và giành được sự ủng hộ của quân đội cũng như các công ty năng lượng. Tuy nhiên, phe bảo thủ trong Thượng viện không muốn quyền tự do hành động của Washington bị hạn chế bởi một hiệp ước đa phương, nhất là khi phải ứng phó với các tổ chức bảo vệ môi trường.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama luôn khẳng định việc Mỹ không tham gia UNCLOS sẽ không gây ra ảnh hưởng lớn, bởi Washington luôn tuân thủ các quy định của Công ước. Tuy nhiên các nhà phân tích có ý kiến khác.
"Điều này rất khác với việc Mỹ trở thành một thành viên tích cực của Công ước, bởi các thành viên tích cực sẽ tham gia vào quá trình xây dựng điều lệ và cơ chế giải quyết tranh chấp, như trường hợp vụ giàn khoan Trung Quốc", bình luận viên Andrew Browne của tờ Wall Street Journal nhận định.
Năm 2012, năm vị cựu ngoại trưởng Mỹ ra tuyên bố chung kêu gọi Thượng viện thông qua UNCLOS, bởi như vậy Washington sẽ có thêm sức ảnh hưởng trên bàn đàm phán với các quốc gia có ý đồ bành trướng lãnh thổ. Cũng trong năm đó, Trung Quốc đoạt quyền kiểm soát bãi đá Scarborough/Hoàng Nham khỏi tay Philippines.
Hiện nay, sử dụng UNCLOS để ứng phó với Trung Quốc là một trong những lựa chọn chính sách hàng đầu của Mỹ, bởi bất kỳ một cuộc xung đột nào giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng sẽ gây ra tác động tiêu cực khôn lường. Điều này giải thích cho việc Washington không tỏ rõ thái độ đứng về quốc gia nào trên vấn đề chủ quyền, dù là các đồng minh thân cận nhất như Nhật Bản và Philippines.
Tập hợp lực lượng
Tiến trình đàm phán TPP diễn ra không mấy thuận lợi do sự khác biệt giữa các nước liên quan và mâu thuẫn nội bộ chính trị Mỹ. Đồ họa: TPP Info
Một sách lược khác của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc là tập hợp lực lượng trong khu vực, thông qua tăng cường hợp tác quân sự với đồng minh và thúc đẩy đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Chuyến thăm bốn nước châu Á vừa qua của Tổng thống Obama nhằm mục đích củng cố niềm tin của đồng minh về chính sách xoay trục của Mỹ, từ đó đảm bảo sức ảnh hưởng quân sự của Mỹ tại "Chuỗi đảo thứ nhất", nối dài từ Hàn Quốc, qua Nhật Bản, Đài Loan, đến Philippines và Singapore.
Việc Mỹ công khai đưa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào phạm vi ứng dụng hiệp ước an ninh chung với Nhật Bản, rồi hoãn lại thời hạn trao trả quyền chỉ huy thời chiến cho Hàn Quốc, đồng thời ký kết với Philippines thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự trong 10 năm, được cho là những bước đi mạnh mẽ nhằm tạo sức ép và ngăn chặn tham vọng viễn dương của Hải quân Trung Quốc.
Các nghiên cứu cho rằng quá trình thực hiện chiến lược trên cần phòng tránh khả năng bùng nổ xung đột cục bộ do sơ suất và tính toán sai lầm. "Điều này thật khủng khiếp, bởi chiến tranh có thể sẽ leo thang nhanh chóng và không thể dự đoán được kết cục sẽ ra sao", bình luận viên Geoff Dyer thuộc tờ Financial Times cho biết.
Một thực tế khác mà Mỹ phải đối diện là việc liên hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng khăng khít. Bắc Kinh cũng đưa ra sáng kiến hình thành Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Đông Nam Á (RCEP) với sự tham gia của 16 quốc gia.
Mối liên kết sâu rộng về kinh tế chính là lý do khiến các định chế đa phương trong khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không thể đưa ra quan điểm đồng nhất mang tính thực chất trước các yếu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Việc chính quyền Obama hoan nghênh ý tưởng xây dựng TPP, dẫn dắt tích cực trong tiến trình đàm phán, được cho là nhằm đan xen lợi ích kinh tế giữa Mỹ và khu vực, từ đó tạo ra đối trọng với Trung Quốc.
Tuy nhiên, tiến trình đàm phán không mấy thuận lợi do không gian của Hiệp định quá rộng và trình độ phát triển giữa các nước tham gia cách biệt quá lớn. Ngay cả hai nước đồng minh thân cận như Mỹ và Nhật Bản cũng tồn tại những bất đồng sâu sắc.
Ngay tại sân nhà, TPP cũng đang vấp phải những trở ngại lớn tại Quốc hội Mỹ. Sách lược của chính phủ Obama là thông qua việc đạt được thỏa thuận với Nhật Bản, để tranh thủ sự ủng hộ thông qua tại quốc hội. Tuy nhiên, Tokyo dường như không chịu nhượng bộ trước một hiệp định có khả năng bị phủ quyết.
http://www.datviet.com/viet-nam
No comments:
Post a Comment