Monday, February 3, 2014

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2014



THAMNHUNG-LUAT3

Có một số chính sách, quy định sẽ chính thức có hiệu lực thi hành trong tháng 2/2014 sẽ như: Doanh nghiệp được thỏa thuận trước về giá tính thuế; Nới room cho ngân hàng ngoại lên 20%; Bổ sung trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra tham nhũng.

Quy định mới về xử lý nợ phải thu tồn đọng của doanh nghiệp nhà nước

Nghị định 206/2013/NĐ-CP về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có hiệu lực từ ngày 1/2/2014, trong đó quy định việc xử lý các khoản nợ phải thu tồn đọng của doanh nghiệp.
Cụ thể, về xử lý các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi, đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi được xử lý theo thứ tự: Doanh nghiệp xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu tập thể, cá nhân bồi thường theo quy định của pháp luật; dùng nguồn dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi để bù đắp; hạch toán vào chi phí hoặc thu nhập doanh nghiệp, tuỳ theo trường hợp cụ thể.
Trong trường hợp thực hiện bán nợ theo quy định của pháp luật, sau khi xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu đương sự bồi thường theo quy định của pháp luật, chênh lệch giảm giữa giá trị khoản nợ với giá bán được bù đắp bằng nguồn dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi, nếu thiếu hạch toán vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi, các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi, sau khi xử lý một lần mà doanh nghiệp bị lỗ thì tiếp tục xử lý theo các quy định của Nhà nước khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được thỏa thuận trước về tính giá thuế

Thông tư 201/2013/TT-BTC hướng dẫn về việc áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế do Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực thi hành từ 5/2/2014.
APA là thoả thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế với người nộp thuế hoặc giữa cơ quan thuế với người nộp thuế và cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký Hiệp định thuế cho một thời hạn nhất định, trong đó xác định cụ thể các căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường. APA được xác lập trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đối tượng áp dụng APA tại Thông tư này bao gồm: Các tổ chức, đơn vị có quan hệ liên kết trong một doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hoạt động tại nhiều địa bàn khác nhau (bao gồm cả các quốc gia, vùng lãnh thổ); Các tổ chức, đơn vị có mối quan hệ là cơ sở thường trú và trụ sở chính của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, mỗi một cơ sở thường trú sẽ được xem là một doanh nghiệp (người nộp thuế) riêng và hoàn toàn tách biệt khỏi trụ sở chính hay các cơ sở thường trú khác của doanh nghiệp.

Quy định mức phí quản lý chất lượng nuôi trồng thủy sản

Thông tư 204/2013/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí quản lý chất lượng trong nuôi trồng thủy sản do Bộ Tài chính vừa ban hành có hiệu lực thi hành từ 10/2/2014.
Trong đó, việc cấp giấy chứng nhận chất lượng giống thuỷ sản; cấp giấy chứng nhận chất lượng thức ăn thuỷ sản; cấp giấy chứng nhận chất lượng chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thuỷ sản; cấp giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản đối với 1 sản phẩm; cấp giấy thay đổi thông tin của sản phẩm đã có trong danh mục; cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật, thực vật thuỷ sản, có mức phí 50.000 đồng/lần cấp.

Bổ sung trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra tham nhũng

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nếu để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ, việc sẽ bị xử lý kỷ luật.
Trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp Nhà nước thì bị xử lý kỷ luật bằng một trong ba hình thức: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức.
Trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật hiện hành và điều lệ của tổ chức đó.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2014.

Mức thu phí trông giữ ôtô không quá 40.000 đồng/lượt

Đây là một trong những nội dung của Thông tư 02/2014/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tài chính ban hành.
Mức thu phí lượt ban ngày đối với xe đạp không quá 2.000 đồng/lượt, đối với xe máy không quá 4.000 đồng/lượt.
Đối với ô tô thì tuỳ theo số ghế hoặc trọng tải của xe nhưng phí cũng không quá 20.000 đồng/lượt; riêng đối với đô thị loại đặc biệt, mức thu phí đối với ô tô có thể áp dụng mức thu cao hơn, nhưng không quá 40.000 đồng/lượt.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/02/2014.

Nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược người nước ngoài tại TCTD

Theo Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Theo Nghị định 69/2007/NĐ-CP hiện đang áp dụng thì mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đó không vượt quá 15% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam.
Nghị định cũng nêu rõ, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.
Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam, trừ trường hợp nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thì tỷ lệ này là không được vượt quá 20%.
Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.
Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng phi ngân hàng Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng, công ty niêm yết.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2014.

Mua bán vàng trên 300 triệu đồng phải trình chứng minh thư

Theo thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước ban hành, hướng dẫn thực hiện quy định về phòng chống rửa tiền, một trong những nội dung mới là việc yêu cầu các cá nhân, tổ chức phải để lại thông tin cá nhân khi mua, bán vàng
Theo đó, từ ngày 14/2 khi Thông tư có hiệu lực, giao dịch vàng có giá trị quy đổi từ 300 triệu đồng trở lên sẽ phải báo cáo với cơ quan phòng chống rửa tiền thông tin về khách hàng. Ngoài ra, giống như trước đây, các giao dịch nộp, rút tiền mặt “có giá trị lớn” tại ngân hàng cũng sẽ phải báo cáo. Trong đó, giao dịch “có giá trị lớn” theo quy định hiện nay của Thủ tướng là từ 300 triệu đồng.
Dù khách hàng giao dịch một hay nhiều lần, miễn là trong cùng một ngày tổng giá trị từ 300 triệu trở lên đều phải báo cáo. Với các cá nhân, thông tin cần báo cáo gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư hoặc số hộ chiếu, quốc tịch, địa chỉ cư trú. Nếu là doanh nghiệp, khách hàng cần để lại thông tin về tên tổ chức, địa chỉ, quốc gia, mã số thuế (hoặc giấy phép hoạt động, giấy đăng ký kinh doanh).
Việc yêu cầu các tổ chức tín dụng phải báo cáo các giao dịch tiền mặt đã được quy định từ năm 2009 trong Thông tư 22. Tuy nhiên, mức giá trị giao dịch tiền mặt phải báo cáo theo quy định cũ từ 200 triệu đến 500 triệu đồng thay vì thống nhất ở mức 300 triệu như hiện nay.
Ngoài những thông tin về khách hàng, thông tin cụ thể về giao dịch cũng phải báo cáo cơ quan phòng chống rửa tiền như số tiền, loại tiền giao dịch, địa điểm phát sinh giao dịch và lý do thực hiện. Riêng với giao dịch mua bán vàng trị giá từ 300 triệu trở lên, các ngân hàng và những cửa hàng kinh doanh phải báo cáo giá trị từng giao dịch và tổng giao dịch trong một ngày (quy đổi sang VND).
Đồng thời, Thông tư cũng quy định cụ thể về mức giá trị kim loại quý (trừ vàng), đá quý và những công cụ chuyển nhượng phải khai báo hải quan là 300 triệu đồng. Riêng giá trị của ngoại tệ tiền mặt, VND và vàng khai báo qua hải quan sẽ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
THEO BIZLIVE


No comments:

Post a Comment