Một chuỗi sự kiện lịch sử với vô số nhân vật, vô số
trận đánh đuổi quân xâm lược, các cuộc khởi nghĩa, dẹp loạn rồi xây dựng
thống nhất đất nước..., kết thúc cuốn sách giáo khoa lịch sử lớp 4 là:
“Năm 1802, Nguyễn Ánh lật đổ triều Tây Sơn, lập nên triều Nguyễn. Các
vua nhà Nguyễn dùng mọi biện pháp thâu tóm quyền hành vào tay mình”.
Như một cuốn VN sử lược và bọn trẻ con mới 10 tuổi phải
làm quen môn sử bằng cách... học thuộc lòng. Mỗi lần dò bài cho con,
tôi thường trộm nghĩ “nhớ chết liền”! Vì thế khi kết quả kiểm tra học kỳ
vừa qua điểm môn lịch sử của con không cao tôi cũng chẳng buồn trách gì
con cả.
Ở tuổi này chỉ có truyện cổ tích, truyền thuyết, ngụ
ngôn là hấp dẫn nhưng bé buộc phải hoàn thành bài tập như thế này: “Em
hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày sơ lược tiến trình phát triển của
lịch sử nước ta từ thời Hùng Vương đến thời Nguyễn: Lần lượt trải qua
các thời kỳ nào? Những sự kiện chính của mỗi thời kỳ là gì?”. Tội nghiệp
bé quá!
Khỏi phải nói thầy cô giáo đã vất vả như thế nào để học
trò mình yêu sử. Dạy con trẻ về lịch sử cha ông để thấm nhuần tinh thần
dân tộc, để thêm yêu quê hương đất nước mình. Nhưng cách học nhồi nhét
chỉ thêm khổ bọn trẻ. Ở nước ngoài cách người ta đưa lịch sử vào trường
học rất nhẹ nhàng. Các bé được hóa trang vào vai những nhân vật nổi
tiếng trong lịch sử, các bé được diễn kịch và mỗi bé đọc thuộc lòng một
câu ngắn trong bản tuyên ngôn độc lập. Cứ thế cả lớp sẽ nhớ bản tuyên
ngôn độc lập một cách rất ấn tượng và sâu sắc lẫn tự hào. Sự vui thích
làm các bé nhớ và yêu lịch sử nước nhà rồi dần dần lớn lên các bé sẽ có
sách vở đầy đủ để có thể tự tìm hiểu thêm hay đi sâu vào nghiên cứu.
Một lần tôi cùng lớp con đi tham quan đền Hùng và bảo
tàng lịch sử, các bé cũng mang theo bút vở để ghi chép. Nhưng thay vì đi
mỗi một nhóm nhỏ để các bé nhìn hiện vật, nghe giải thích và đặt câu
hỏi liên quan thì nhà trường cho ba lớp hội tụ làm một. Trẻ con xếp hàng
chật cứng trong một không gian hẹp, đi theo hàng, xem lướt nhanh... Nếu
mấy bạn ở xa có câu hỏi cũng không ai trả lời mà ở gần thì trả lời xong
cũng không hiểu! Tóm lại là không gặt hái được chút kiến thức lịch sử
gì, chỉ làm ba mẹ tốn tiền xe...
Cuối cùng sau khi dò bài lược đi lược lại cả chục vòng,
vậy mà con vẫn than: “Con học mà không nhớ được bao nhiêu... vì nhiều
trận đánh, nhiều nhân vật, nhiều người cai trị quá khiến con lẫn lộn
lung tung... Lúc cô dạy thì con hiểu, sau đó thì... quên. Con sợ thi môn
lịch sử lắm vì bài thì dài và nhiều quá nhớ không hết, lỡ thi đạt điểm
không cao con sẽ làm cô và mẹ buồn”.
Mới làm quen đã sợ rồi, vậy học làm sao vô!
THỤY HIỀN
No comments:
Post a Comment