Nguyễn Huy Cường
Thẳng thắn mà nói, đang có một cuộc khủng hoảng quyền lực. Một thiết chế bị những gián đoạn, giống như cây cầu có các dầm cầu đúc hẫng, các dầm cầu không liên kết với nhau.
Dĩ nhiên là, sẽ có “những giải pháp thay thế” nhưng nó mang ý nghĩa hợp thức hơn là tạo dòng chảy cho con kênh nhiều rác rến.
Câu hỏi từ bậc thức giả đến thần dân ham thời sự hôm nay là “Tứ trụ” nay còn mấy? Hoặc “Ai sẽ vào tứ trụ”?
Không giấu bạn đọc là tôi ưu tư nhiều về chuyện này. Tôi không có tâm thế của kẻ hiếu kỳ luôn chờ những sự rơi rụng mới để vỗ tay hỷ hả bởi những bức xúc bấy lâu nay của mỗi người.
Tôi cũng không hóng xem sắp tới ai sẽ đến lượt!? Tôi muốn chia sẻ với cộng đồng vài điểm nhưng trước hết là một thông báo:
Tôi và nhiều bạn đọc “ruột” phát hiện ra một điều là hiện anh Facebook chơi một chiêu mới với tôi và một số trang khác bằng cách: Không xoá trắng, không chặn, không áp chế điều gì khó chịu. Nhưng anh này chơi một trò rất thông minh: Anh ta ngăn trở rất nhiều bạn xem bài mới của tôi, chỉ cho xem bài từ ngày 1/4/2024 trở về trước, có bạn thì thời gian bị “cấm chợ ngăn sông” này từ 1/2/2024.
Những bạn này nhiệt tình gọi cho tôi thì tôi biết. Còn phần lớn thì tưởng là tôi bị “Ấy” rồi, nghỉ viết rồi, rồi từ từ bỏ trang này. Tôi cho rằng, đây là bài khôn ngoan nhất của anh này.
Bây giờ trở lại đề tài “Tứ trụ”. Trên trang Facebook này đã hơn 10 lần tôi nêu sự quan ngại sâu sắc khi mỗi kỳ bầu cử HĐND tỉnh, bầu đại biểu Quốc hội, ‘kênh’ duy nhất để người đi bỏ phiếu biết về người mình sắp bầu là một trang A-4 viết sơ sài, phần lớn là nêu thành tích của ứng cử viên treo tòng teng gần tiệm tạp hoá.
Thi thoảng, có người gặp dân bằng một cuộc tiếp xúc với cử tri. Ở những cuộc ấy, không có ứng viên nào nói lên những giới hạn, trở lực, thất bại của mình (và cũng chẳng ai khảo mà xưng) mà chỉ toàn nói về bằng cấp với thành tích, nghe ngọt lừ!
Ở thượng cấp thì trước đó đã có một quy trình gọi là “quy hoạch”, chấm sẵn những người để tạo nguồn. Nếu cần giải ngân cho những mục đích xem như cao cả thì cho đi học một khoá lý luận cao cấp, hoặc học tập tác phong gì đó.
Trong quá trình điều hành, lãnh đạo nếu bộc lộ những điểm yếu hoặc mong manh có tín hiệu xấu thì “áp” thêm thủ thuật “luân chuyển”. Nếu thấy có vấn đề hoặc cần điều chỉnh lại cái “quy hoạch” bữa trước chưa ổn thì diễn tiếp cuộc “Bỏ phiếu tín nhiệm”. Cuối cùng thì cho họp … bất thường. Thế thôi.
Ngày nay, khi đọc báo mạng thấy rõ là cái đề tài nêu vụ điều chỉnh, bổ nhiệm, phế truất cán bô từ cấp huyện trở lên đang ở cấp độ dày đặc. Điều này không cho thấy tinh thần “Đoàn kết, vững mạnh” mà là chuyện khác.
Bây giờ, sau biến cố vừa qua, hầu như muôn dân lại chú mục vào vấn đề: Ai thay ai, tứ trụ là ai v.v…
Thưa Quý bạn, chúng ta hãy bình tâm lại nghĩ thế này. Nếu, xin copy lại ý trên đây là: “Trên trang Facebook này đã hơn 10 lần tôi nêu sự quan ngại sâu sắc khi mỗi kỳ bầu cử HĐND tỉnh, bầu đại biểu Quốc hội, ‘kênh’ duy nhất để người đi bỏ phiếu biết về người mình sắp bầu là một trang A-4 viết sơ sài, phần lớn là nêu thành tích của ứng cử viên treo tòng teng gần tiệm tạp hoá.
Thi thoảng, có người gặp dân bằng một cuộc tiếp xúc với cử tri. Ở những cuộc ấy, không có ứng viên nào nói lên những giới hạn, trở lực, thất bại của mình (và cũng chẳng ai khảo mà xưng) mà chỉ toàn nói về bằng cấp với thành tích, nghe ngọt lừ!”
(Hết đoạn copy)
Đó, nếu vẫn như vậy thì kết quả sẽ ra sao? Hoặc, ta giả sử, ê-kip hiện nay (trước 2022) vẫn nguyên đó, vững như thành thì sao?
Thì đó, có gì bí ẩn hay úp mở gì đâu, Vũ nhôm vũ sắt, AIC, Việt Á, Vạn Thịnh Phát cùng một ngàn vụ khác vẫn quét biến một năng lượng lớn gấp nhiều lần GDP Việt Nam vài năm?
Ông Phúc, Cậu Thưởng, anh Huệ, dăm bảy ông tướng tá từ Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển có ngăn chặn được ai khôn,g hay chờ đến khi “Ban kiểm tra” họp bất thường mới biết?
Thưa các bạn, nếu chỉ viết đến đây rồi dừng, dễ có người quy kết “vậy ông bất tín nhiệm cả cái thượng tầng kiến trúc xã hội này sao”. Một thể chế mà không có “Tứ trụ” thì ai lãnh đạo, ai chịu trách nhiệm. Tôi phải làm rõ điều này.
Tôi không phải diện vô chính phủ, càng không phải diện “phủ nhận sạch trơn”, Tôi có nhân tố trội trong từng tế bào máu là nhân tố CHÍNH SÁCH.
Tôi cho rằng, ngay ở chính sách tạo dựng bộ máy cầm cân nảy mực Quốc gia (tạm tính từ cấp tỉnh trở lên đến tứ trụ) được “cơ cấu” kiểu hiện nay là bất ổn. Có lẽ không phải tranh cãi điều này.
Nhưng nếu nó được thực thi bởi một chính sách khác (bầu bán, phân công, cọ sát, kiểm tra, chế tài) khác, tốt hơn, minh bạch hơn thì Ban Kiểm tra Trung ương đỡ vất vả hơn.
Bây giờ xin tự trả lời câu hỏi là tựa đề bài viết (nặng đầu) này: VIỆT NAM CẦN BAO NHIÊU TRỤ?
Có một quan điểm như thế này: Nếu chỉ là “Tứ” trụ như hiện nay, thì dẫu trụ ra trụ, trụ có là thánh cũng không ngăn được cơn khát tiền đang cháy cổ họng lớp thượng dân có quyền có chức kia, dù tay phải nó vơ, tay trái vẫn ký các hợp đồng ma quái, miệng vẫn hô “vạn tuế” như người lớn.
Nhưng nếu khác đi thì sao?
***
Một lần tôi bắt gặp một đoàn người chừng 15 người khá lịch lãm, trang phục tử tế đi dọn rác ở hồ Hale (Gần toà báo Tiền Phong Hà Nội). Họ làm việc rất cần mẫn, trách nhiệm và hiệu quả.
Khi tôi tiếp xúc, hỏi ra, thì ra họ là người Nhật. Họ là những doanh nhân Nhật Bản đang làm ăn. Công ty của họ ngoài quận Thanh Xuân và trên Long Biên, cách xa cái hồ này chừng 6 km.
Hàng tuần, vào ngày nghỉ, họ tự nguyện làm việc này, làm rất tốt. Về sau họ cuốn hút được một số người Việt, có cả trẻ con làm theo.
Tôi còn hàng chục câu chuyện như thế này nhưng kể một chuyện để nói rằng: Đất nước cần rất nhiều “Trụ” như thế.
Những người dân Nhật này chính là trụ cột của một quốc gia vững như thành, bất kể nhà nước họ do ai cầm quyền, tứ trụ họ là ai! Tôi nghĩ rằng (nói dại) nếu bây giờ động đất, sóng thần gây ra một biến cố nuốt chửng một nửa nhân sự chính phủ Nhật thì những cái “Trụ” này vẫn vững như thành, vẫn cần mẫn xây dựng những Giá Trị Nhật. Đất nước Nhật Bản vẫn là một cường quốc văn minh.
***
Một câu chuyện nhỏ khác. Chính phủ Singapore mỗi năm phát (cho không) mỗi người dân một khoản tiền (Năm 2019 mỗi người khoảng 5.000 đô Sing) đó là tiền lãi, tiền hiệu quả thu được từ nền tài chính của họ. Số tiền này ngoài những quyền lợi thông thường như lương, thưởng, tiện ích công cộng mà người dân đã nhận.
Nhưng, nhiều người dân không nhận vì hai lý do, một là họ không có nhu cầu, hai là họ nhường cho những người khó khăn khác.
Đó, những người dân này chính là “Trụ” của đất nước tuyệt vời này, bất kể thủ tướng là ai!
Ở Việt Nam thiếu hẳn yếu tố này mà “toàn đảng toàn dân” ta cứ mong ngóng một “Bộ tứ, bộ ngũ, bộ mười ba” nào đó thần thánh, tài giỏi, liêm khiết “lên” là đất nước phồn vinh ngay!
Khó lắm!
Nói lời cuối trước khi dừng phím: Để có một đất nước mà mỗi người dân là một “Trụ” thì trước hết phải có một chính sách tốt. Đừng mong ngóng những gì không phải ngôn ngữ của … vĩ độ, kinh độ này.
No comments:
Post a Comment