Monday, April 29, 2024

Quan và dân (Phần 3)

 Nguyễn Thông


Những ngày này, thậm chí vài năm cũ trở lại đây, cứ nói, nhắc tới cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao (tỉnh thành), cao cấp (trung ương, tứ trụ) là thiên hạ lại… bĩu môi. Cán bộ-quan đã thành thứ biểu tượng méo mó về sự suy đồi, tệ hại. Nếu khi xưa, thời cộng sản lập nghiệp hàn vi, người ta còn yêu quý, kính trọng cán bộ, kính nhi viễn chi, xem như một thứ mục tiêu để mình vươn tới, thì giờ đây chỉ là cái… bĩu môi.

Chưa bao giờ tôi thấy người ta thèm khát quyền lực, ham hố địa vị như lúc này. Trước kia họ còn che đậy, giấu diếm để gìn giữ hình ảnh, giờ thì cứ phơi bày hết, họ coi dân chúng như củ khoai củ ráy.

Lòng tham của con người là vô cùng. Người tham tiền, kẻ tham quyền; người tham có hạn, kẻ tham không cùng… Càng quan-cán bộ càng tham. Ông bà nào xưng xưng cái mồm bảo rằng mình không ham muốn gì, làm ông nọ bà kia chỉ để có điều kiện phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, xạo bà cố. Nếu thực thế, hãy tự bỏ hết tất cả những ưu đãi đang thụ hưởng đi, đừng xơi sơn hào hải vị, đừng lên ngựa xuống xe, đừng bác sĩ riêng bệnh viện riêng, đừng tiền hô hậu ủng… nữa, cho người ta tin vào tấm lòng thành thực, chứ không phải lý luận suông, lời đãi bôi.

Cứ vài ba năm, tới kỳ bầu bán, chia ghế chia mâm, lòng tham quyền lực bộc lộ ra kinh khiếp nhất. Như cái chợ trời, đủ mọi trò mánh. Bao năm nay, mỗi mùa vụ như thế, kết cục bao giờ cũng “thành công tốt đẹp”, cũng “sáng suốt lựa chọn được những người xứng đáng” vào bộ máy cai trị. Chỉ một bài, họ diễn đi diễn lại không bao giờ chán. Còn dân thì cứ ngơ ngơ, mười rằm cũng ư mười tư cũng gật.

Tôi thành thực khuyên những ông bà nào đã dày mặt, mặt dày trong chốn quan trường, còn ham hố chức tước, địa vị, còn muốn “phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”, “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bực” nhưng ngự trên ghế quyền lực không làm được điều chi ra hồn, thậm chí để lại nhiều điều tiếng, tai tiếng, thì hãy tự xấu hổ mà rút lui. Người như thế mà lãnh đạo dân, thì dân được nhờ vả gì.

Lâu lâu, tôi phải nhắc lại câu “thơ” cũ của mình để kiểm đếm xem các ông ấy đã làm được những gì. Thời gian là thứ vô cùng vô tận (vô hạn), nhưng với mỗi đời người, với số phận một dân tộc thì nó là hữu hạn, ngắn lắm, thoáng nhanh. Chớ có lãng phí một cách ngu si, tội lỗi. Tôi khuyên ai đó đừng mê muội chạy theo mấy thứ nhì nhằng chả biết có đạt được không nhưng nhãn tiền là dân đói khổ, cuộc sống đầy những ngột ngạt tai ương.

Câu thơ ấy là:

Họ vẫn say sưa tự lừa dối chính mình

Trong đói nghèo vẫn hét toáng quang vinh

Cũng là một dạng tự sướng “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Cái “chưa bao giờ có” ấy thực tế như thế nào? Không nói nhiều, tôi chỉ dẫn chứng ngắn gọn về đồng bằng sông Cửu Long lúc này.

Suốt bao nhiêu năm, trong đó có gần nửa thế kỷ qua, ĐBSCL (miền Tây Nam Bộ) là vùng đất trù phú nhất nước, vựa gạo, vựa cá, vựa trái cây, vựa đủ thứ vựa nuôi sống cả nước. Hình như nhà cai trị nghĩ đó là cái kho vô tận, chỉ việc khai thác, vơ vét. Và tới giờ, không nói ra, nó như thế nào ai cũng biết. Dân ĐBSCL phiêu tán khắp nơi, bỏ lại một vùng quê xơ xác, cạn kiệt nguồn sống. Hạn hán, ngập mặn năm này qua năm khác, dân chống chọi trong đường cùng. Nhà cai trị hết khuyên dân “sống chung với lũ”, giờ lại khuyên “sống chung với hạn mặn”, “thuận thiên”. Đổ cho trời.

Các ngài quan ở ngôi cửu trùng lẫn đủ thứ ngôi, một giọt rượu ngon chả bao giờ thiếu, có động lòng mà cảm thấy mình tội lỗi khi bà con khắp các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng… phải chờ từng chai nước uống 300ml do nhà hảo tâm đem tới để sống qua ngày. Nước uống cũng còn không có, nói chi nước nấu nướng, tắm giặt, tưới cây trồng. Nhìn cái cảnh những xe từ thiện (đủ các loại xe, từ xe máy tới xe lôi, xe tải nhỏ, tải lớn) treo tấm băng rôn “xe chở nước uống cho người dân vùng hạn mặn”, nói thật, trào lên buồn giận. Dân tự lo cho nhau là chính. Nhà cai trị có thấy chăng? Nửa thế kỷ, họ đã làm gì cho dân vùng ĐBSCL mà để cơ sự này?

Cái số tiền nhà nước đem đổ vào những lễ lạt, những kỷ niệm này nọ, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ chẳng hạn, nếu chỉ cấu một phần đem cho dân đang chết khát cũng có thể giúp họ qua được đoạn trường này, chứ đâu phải chỉ tuyệt vọng trông trời. Để dân chỉ còn biết trông trời, đó là tội ác.

Tôi vừa có dịp về ĐBSCL nhân chuyện nhà, chứng kiến khá kỹ cuộc hí trường, nghe nhiều lời than thở phẫn uất. Sực nghĩ, nếu cái kênh đào Phù Nam của Campuchia xong và đưa vào khai thác sau 4 – 5 năm nữa, ĐBSCL ngày nào sẽ thành dĩ vãng (tôi sẽ có bài riêng về chuyện này), cuộc tan tác, xơ xác, kiệt quệ còn khủng khiếp gấp trăm lần những gì ta đã chứng kiến.

(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment