Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn
“Vân Hạc và các cống sĩ ra khỏi cửa điện thì trời tối mịt. Luôn thể chàng mới tất cả mấy người cùng về nhà trọ mình ăn cơm. Trong lúc uống rượu, người nọ đọc văn cho người kia nghe, hết thảy mọi người đều phục văn chàng có nhiều ý kiến lỗi lạc hơn cả. Người ta lại càng tin rằng đình nguyên sẽ phải về chàng.
Luôn hai hôm sau, chàng và mấy ông bạn mới lần lượt dắt nhau di chơi các danh thắng gần đấy để chờ nghe tin truyền lô. Bụng chàng vẫn chắc mẩm rằng: nếu không đỗ bảng nhỡn, thám hoa, cũng phải đỗ đến nhị giáp tiến sĩ.
Chiều hôm thứ ba, chàng đương cùng bọn cống sĩ trò chuyện vui đùa, bỗng thấy có hai tên lính vác hèo và gông xồng xộc vào trong nhà. Sau khi hỏi qua tên chàng, họ liền đưa chàng một mảnh giấy chữ dấu sơn đỏ chóe. Té ra có lệnh của viện Đô sát sai đi nã chàng, không biết là vì việc gì. Cái gông ở tay người lính liền ghép luôn vào cổ chàng, rồi họ điệu chàng về giam ở ngục Hộ Thành. Các bạn cống sĩ ai cũng thương hại và kinh sợ.”
(Tiểu thuyết Lều chõng, tác giả Ngô Tất Tố).
Đào Vân Hạc là thanh niên có tài học vào loại bậc nhất trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Trong kỳ thi Đình (kỳ thi cuối cùng, người đỗ sẽ được bổ nhiệm làm quan trong triều đình hoặc tại địa phương), chàng đã được những người bạn cùng khoa thi dự đoán sẽ chiếm vị trí tuyệt đối, cao nhất. Thế nhưng cuối cùng, chàng thanh niên tài hoa lại bị gông cùm, bắt giam hai ngày, và cách tuột (hủy bỏ) toàn bộ kết quả của ba kỳ thi trước đó (mất đến hai ba năm).
Lý do: Trong bài thi Đình, chàng có viết bốn chữ phạm vào húy của nhà vua, bị người chấm thi/giám sát phát hiện, tâu lên vua.
Trọng húy là tên vua. Khinh húy là tên của tất cả cha mẹ chú bác đền đài cung điện lăng tẩm của nhà vua.
Mỗi triều đại có rất nhiều tên húy, số tên húy này qua các triều đại khác nhau lại tiếp tục thay đổi có khi đến ba bốn lần. Để nhớ hết được và tránh tuyệt đối trong khi viết lách thì quá bằng vòng Kim cô siết lấy trí não, ngựa trời không thể tung vó.
Và thế là nhân tài trẻ tuổi Vân Hạc bị hỏng thi thẳng cẳng, lại còn bị phạt tù.
Cứ tưởng sáng tác của cụ Ngô Tất Tố chỉ vẽ ra một thời u trì trong xã hội Việt Nam thời phong kiến. Có ai dè đến cái thế kỷ 21 thời của trí tuệ nhân tạo này, Việt Nam chúng ta vẫn y thế; những cái tội phạm húy, khi quân vẫn cứ ngạo nghễ làm khổ, bắt vạ người ta.
Cái tội to ấy, theo ngôn ngữ hiện đại thì được mô tả là: “đã đăng bài viết, video trên mạng xã hội, phát ngôn bôi nhọ, xúc phạm uy tín của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước… “. Nhẹ nhất thì lên đồn nộp phạt, nặng thì đi tù luôn không đùa.
Theo lý thuyết của ngành tư pháp, muốn khép một con người vào tội hình sự thì bên buộc tội phải có chứng cớ vững chắc và đầy đủ chứng minh bên kia vi phạm pháp luật. Ngay cả những cái tội nhẹ nhất như bắt trộm con gà của hàng xóm, nếu kẻ trộm bị bắt và loa phóng thanh ấp phát tin này đi để cảnh báo bà con thì tiên quyết cũng phải nêu cụ thể đã trộm nhà ai ở số mấy đường nào, ngày giờ, cách thức ăn trộm ra sao, con gà bị trộm nặng mấy ký, giá trị bao nhiêu tiền… Bởi vì ngoài thông tin, báo chí còn có trách nhiệm định hướng và cảnh báo xã hội.
Thế nhưng một hành vi được Nhà nước cho là gây nguy hiểm cho xã hội hơn cả ngàn lần hành vi ăn trộm một con gà, là “xúc phạm uy tín lãnh đạo cao cấp” thì trong vô số bản tin trên đủ các nền tảng xuất bản lại không thể tìm thấy các nội dung cụ thể, như bôi nhọ thế nào, xúc phạm uy tín của các lãnh đạo ra sao… Người đọc cứ tù mù tê mê, hoang mang như đi trong biển sương mù bụi mịn của Hà Nội và Sài Gòn, không biết đấy là đâu, không biết nhỡ mình chê vị lãnh đạo nào đó là ít tóc hay xấu giai thì có phạm tội không, có bị đi tù không…
Hóa ra nỗi sợ kỵ húy ăn sâu và ghê gớm đến chừng nào. Hóa ra ngay cả các lãnh đạo báo chí cũng lo xa rằng nếu trích đăng nguyên văn hành vi phạm tội thì có lẽ lại tiếp tục bị khép phạm vào tội phạm húy - khi quân. Giống như các con đường Trần Hưng Đạo (nối dài), Võ Thị Sáu (nối dài)…, đó có thể gọi là tội khi quân (nối dài), xui xui biết đâu bị ăn cơm nhà nước ít lâu không biết chừng.
Thế cũng chưa nhằm nhò gì. Ngay cả một số bản án xét xử các tội phạm trên cũng không dám ghi rõ hành vi phạm tội của bị cáo mà chỉ mơ hồ họ đã “bình phẩm về các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước bằng những lời lẽ thô tục, phỉ báng”.
Tìm mãi tìm mãi, tôi mới tìm được vài bản án được đăng trên trang banan của tòa án tối cao mà ở phần nội dung có ghi rõ các hành vi, phát ngôn được xem là xúc phạm, phỉ báng các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Nói chung cũng không khác nhau lắm. Nó thường là các phát ngôn gọi lãnh đạo cao cấp là thằng, con, cướp, lừa đảo, trùm tham nhũng, ăn chơi sa đọa, giả dối, láo khoét, bán nước, hại nước hại dân…,
Cá biệt có một vụ việc được thông tin khá rõ. Đó là một cô gái streamer khá nổi tiếng, trong một buổi live stream nói những người bị hói là do xem nhiều phim 18+, cô đã đùa cợt liên hệ với nguyên chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Cô gái này đã bị phạt tiền.
Rất nhiều báo trong nước đăng tin này, nhưng ngay cả tờ Tuổi trẻ vốn được cho là khá thẳng thắn mạnh miệng cũng chỉ dám nói chung chung rằng nữ streamer đã phát ngôn không chuẩn mực liên quan tới những lãnh đạo cấp cao ngay trên sóng livestream.
Khi quân mà, tội rất to.
Tiếc thay, rất nhiều vị lãnh đạo cấp cao lại không phải là minh quân để mà phẫn nộ cáo buộc rằng mình bị người dân xúc phạm. Sự thực là trong khi thường xuyên lên ti vi giơ tay hùng hồn tuyên ngôn học tập đạo đức tác phong Hồ Chí Minh và lên án tham nhũng thì bàn tay còn lại của họ vẫn đang múa cật lực dưới gầm bàn để vơ vét các khoản tiền đen.
Thế thì có đáng ăn chửi hay không?
Và đặc biệt hài hước là sau khi các tham quan bị bắt thì cứ như ăn phải thuốc nổ, ba bề bốn bên từ cơ quan điều tra chính thức đến các nguồn tin dân gian và nặc danh đoàng đoàng đoàng tung ra vô số tài liệu hình ảnh chứng minh quá trình tham nhũng, ăn chơi sa đọa trụy lạc… Ối giời ơi lúc này mới hết sức là vô cùng tự do ngôn luận chứ. Từ trên mạng ra ngoài đời, từ hội trường đến hội giường, bàn dân thiên hạ mặc sức chửi rủa, hạ nhục, tổng xỉ vả. Gọi thằng nọ con kia có là gì, người ta moi ra nhân tình nhân ngãi, vợ nọ con kia, tiền đen tài khoản bẩn, các ngón nghề ăn chơi, các thủ đoạn phạm tội… Người dân thì thù ghét quan chức tham nhũng nên có xu hướng tin tất cả những điều xấu xa được gán cho người ấy. Đến lúc này thì như mưa tuyết bay đầy trời, tin đồn ba phần thật bảy phần giả cũng chẳng ai quan tâm tìm hiểu. Quan tham kia có bị vấy bẩn, bôi nhọ, đổ cả thùng sơn đen kịt lên người cũng chẳng ai bênh vực hoặc buộc tội xúc phạm, phỉ báng.
Nếu xem sự kiện quan chức tham nhũng bị bắt là một lằn ranh, thì ngay trước và sau lằn ranh này là sự khác biệt đến cùng cực, đến vô lý và gây cười. Trước lằn ranh, tầng lớp dân đen và đội ngũ bảo vệ lãnh đạo nói chung vốn là hai bên đối đầu; như đã nói, chỉ một phát biểu vu vơ ám chỉ thậm chí đùa cợt liên quan đến lãnh đạo cao cấp cũng có thể dẫn người dân vào tù. Nhưng chỉ ngay sau lằn ranh đó, hai bên lại dường như đạt được sự thống nhất cao độ về quan điểm: cứ chửi chết đi, bọn quan tham kia bị bắt rồi, đã là phạm nhân, kẻ thất thế… chửi thế chứ chửi nữa cũng là bình thường.
Sự thống nhất quan điểm đó rất trái pháp luật. Bởi vì trước thời điểm đại đa số biết về hành vi phạm tội hay đời sống sinh hoạt trụy lạc của các quan chức thì có một số người đã biết trước. Họ đã lên án trước. Nhưng giai đoạn ấy cái dù vẫn còn căng to, vây cánh còn xòe rộng hoặc đơn giản là chính chủ vẫn đang sấp ngửa chạy chọt các cửa chưa xong, nên mọi phát ngôn không mang nội dung ca ngợi họ đều bị xem là phạm húy, bị cấm chỉ, bị ăn phạt.
Thế rồi lật ngược hết cả lại, đến mức ném đá tội phạm.
Lẽ ra, trong một xã hội (đang tự xưng là) văn minh và có pháp luật, các phát ngôn phỉ báng, xúc phạm người khác đều được xem là trái luật, có thể bị kiện ra tòa dân sự. Tòa án sẽ xét xử và quyết định hình phạt. Nhưng nếu người bị xúc phạm không có ý kiến, không đi kiện thì đấy sẽ là việc riêng của họ, cơ quan công an không thể tự hình sự hóa các hành vi thuộc về dân sự kiểu thấy ai bình phẩm không hay về các lãnh đạo thì lại chăm chắm đi bắt nhốt hoặc phạt tiền người ta.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước thì cũng thế, trong trường hợp này họ không thể đứng trên nhân dân và ngoài pháp luật. Thậm chí với cương vị và trách nhiệm của mình, các lãnh đạo phải chấp nhận bị soi xét, bị đánh giá, bị chê trách, thậm chí mắng mỏ, rỉa rói.
Chứ, hàng ngày hàng giờ đều cao giọng tự xưng là nô bộc của nhân dân, thế mà ông bà chủ vừa nhận xét một chút thì (cơ quan công an) đã nhảy dựng lên đi bắt giam hay phạt tiền người ta. Bình phẩm về cái tóc cái trán cũng đều là phạm húy khi quân, thì ối giời ơi tự mình vả mặt mình quá!
_______________
Tham khảo
https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta988214t1cvn/chi-tiet-ban-an
..\Downloads\BA_Nguyen_Cao_T____Loi_dung_cac_quyen_tu_do_dan_chu_xam_pham_loi_ich_c (1).pdf
..\Downloads\BAPT_HS___TP_DINH_THANH___TRAN_THANH_GIANG___212___135___da_ma_hoa.pdfhttps://tuoitre.vn/nu-streamer-milona-bi-phat-kich-khung-vi-xuc-pham-lanh-dao-cap-cao-tren-mang-xa-hoi-20220906221122943.htm
https://www.google.com/search?q=BA_Nguyen_Cao_T____Loi_dung_cac_quyen_tu_do_dan_chu_xam_p
https://congly.vn/nu-streamer-co-phat-ngon-xuc-pham-lanh-dao-cap-cao-bi-phat-kich-khung-213059.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.
No comments:
Post a Comment