Thới Bình
(VNTB) – “Không thể lấy tên một người trực tiếp chỉ đạo đánh tư sản để đặt tên đường ở TP.HCM, dù người đó có là tổng bí thư lớn đến mấy đi nữa!”.
Cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, nhà báo Đặng Tâm Chánh không đồng ý việc đề xuất vinh danh Đỗ Mười bằng việc chọn tên Đỗ Mười để đặt tên đường vì đó là người “trực tiếp chỉ đạo đánh tư sản Miền Nam” . Thành phố HCM dự định sẽ cho quốc lộ 1 đoạn từ nút giao Thủ Đức (ngã ba Trạm 2 cũ) đến nút giao An Sương (đi qua TP Thủ Đức, quận 12), dài 21km mang tên Đỗ Mười.
Tương tự, đặt tên Lê Đức Anh cho đoạn 2 từ nút giao An Sương đến vòng xoay An Lạc (quận 12, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân), dài 14,2km; đặt tên Lê Khả Phiêu cho đoạn 3 từ vòng xoay An Lạc đến ranh tỉnh Long An (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh), dài 9,4km.
Về phương diện lịch sử với riêng người Sài Gòn thì chọn cái tên Đỗ Mười để vinh danh là một sự xúc phạm, bởi đây chính là tác giả của chính sách đánh tư sản khiến đời sống xã hội của miền Nam sau tháng tư 1975 lâm vào bi đát bởi nạn cướp ngày công khai của những người nhân danh cách mạng đến từ miền Bắc.
Lúc sinh tiền, nhà báo Đinh Phong kể, khi ấy những tổ công tác mật được gấp rút thành lập, bắt đầu rà soát, lên danh sách những hộ gia đình kinh doanh, những gia đình giàu có phải “cải tạo tư sản”. Những nhà tư sản chỉ còn biết bàng hoàng với những gì xảy ra khi cửa mở, và tổ công tác đặc biệt bất ngờ có mặt, đọc quyết định “kê biên tài sản” như một lệnh công khai cướp ngày với đội ngũ đeo băng đỏ, súng ống kèm theo.
Nhà báo Đinh Phong trầm ngâm: “Chúng tôi vác máy đi tuyên truyền mà lòng trĩu nặng, ngơ ngác nhìn nhau hỏi tại sao lại như vậy? Có lần, chúng tôi mang máy ra chợ Tạ Thu Thâu quay cảnh niêm phong tài sản một hộ kinh doanh hàng điện tử. Chưa kịp ghi hình ảnh nào, ông chủ hộ kinh doanh bước ra gạt máy, rồi chỉ vô mặt tôi bảo: “Chú về mà hỏi Huỳnh Văn Tiểng (tức giám đốc đài truyền hình lúc bấy giờ) xem ngày xưa tôi đã gửi linh kiện vô chiến khu lắp ráp đài phát thanh như thế nào, hỏi coi thời chống Mỹ tôi đã giúp đỡ các ông những gì? Bây giờ tôi buôn bán, có tội tình gì mà bay bắt tôi về làm ruộng hả?”. Thời gian sau tôi có trở lại tìm ông chủ ấy nhưng không gặp, chỗ cũ đã trở thành một cửa hàng quốc doanh”.
Ông Đinh Phong kể tiếp: “Một tối, tôi tiếp hai vợ chồng anh bạn trong cơ quan. Họ đến bảo rằng cả gia đình là cơ sở điệp báo của ta trước năm 1975, họ dùng chính cửa hàng vải sợi của mình làm bình phong cho cơ sở liên lạc của cách mạng. Những câu chuyện ấy chưa kịp được xác nhận sau năm 1975 thì gia đình trở thành điểm “cải tạo” với cửa hàng vải sợi…
Tính cho đến ngày gọi là “giải phóng 1975”, Sài Gòn đã có một cơ sở vật chất, kinh tế kỹ thuật lớn nhất miền Nam, nơi tập trung hơn 80% năng lực sản xuất công nghiệp cả miền Nam. Nơi đây tập trung hơn 38.000 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lớn nhỏ, trong đó có 766 công ty và 8.548 cơ sở công nghiệp tư nhân.
Sau năm 1975 chính quyền cách mạng đã tiến hành hai đợt gọi là “cải tạo công thương nghiệp”. Kết quả là đã quốc hữu hóa tài sản của 171 tư sản mại bản, 59 tư sản thương nghiệp cỡ lớn, 400 xí nghiệp, 14.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp.
Riêng về tổng số vàng, nữ trang tịch thu từ tư bản ở miền Nam được các báo đài của Hà Nội khi ấy thừa nhận lên đến 4.000 lượng vàng, và đây chỉ là con số tượng trưng tính riêng ở Sài Gòn từ tháng 5-1977 đến tháng 2-1978 mà thôi. Bởi con số sau này được công bố là cả thảy trên dưới gần 35 ngàn lượng vàng, tính luôn cả nữ trang và kim cương tịch thu trong những đợt đánh tư sản.
Cùng với đó là hàng ngàn gia đình cán bộ miền Bắc đã vào Sài Gòn sinh sống trong những ngôi nhà bị tịch thu ấy của việc đánh tư sản.
Tình trạng ở nông thôn miền Nam càng kinh khiếp và dữ dội hơn ở Sài Gòn dù không ồn ào bằng. Tổng số lúa mà nông dân miền Nam bị chở ra ngoài Bắc là khoảng 4 triệu tấn gạo vào đầu năm 1978, theo con số trên đài phát thanh Hà Nội khi ca ngợi thành tích đánh tư sản của các đảng bộ địa phương miền Nam. Đương nhiên, con số chính thức được các nông dân kêu ca là lớn hơn nhiều.
Trong tác phẩm “Bên Thắng Cuộc”, nhà báo Trương Huy San (tức Huy Đức) dẫn lời ông Võ Văn Kiệt thừa nhận rằng “Lúc đầu, tôi cũng cứ tưởng cải tạo tư sản sẽ khác với cải cách ruộng đất, một sai lầm mà những người ở miền Nam chúng tôi nhắc nhau phải tránh. Nhưng, tiến hành rồi mới thấy, cách cải tạo tư sản thương nghiệp mà anh Đỗ Mười làm, cũng không khác gì đánh tư sản mại bản nhưng tràn lan hơn”.
Với những đợt đánh tư sản đó nên sau một đêm thức dậy, người dân bỗng thấy Sài Gòn vắng bóng hơn 1.000 nhà thuốc thuở nào. Các bác sĩ thì chỉ đợi tan giờ làm việc để về nhà nuôi heo, trồng rau cải thiện đời sống…
Sau 49 năm, tháng 4-2024, sẽ là phỉ báng lịch sử khi nhà chức trách dự tính đặt tên đường Đỗ Mười ngay chính thành phố Sài Gòn này.
No comments:
Post a Comment