Monday, April 29, 2024

“Tránh xa Bắc kỳ”

 Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn

“Tránh xa Bắc kỳ”Đường phố Hà Nội hôm 17/12/1986-AP

Bàn luận trong gia đình hay chỗ bạn bè thân thiết thì nói sạch sẽ tuốt luốt, N. khẳng định rất chắc chắn và cương quyết. Đề tài này tuy tế nhị nhưng chúng tôi đều đã có nhiều năm và nhiều phen trải nghiệm cùng kiểm nghiệm, cuối cùng đều thống nhất với nhau.

Nhưng để nói ra chỗ bàn dân thiên hạ thì phải cân nhắc rất nhiều. Nó nhạy cảm quá, mà những tấm gương ăn gạch của đám đông- dù họ nói không hề sai-thì vẫn luôn còn đấy.

Đúng rồi, tôi muốn nói đến chuyện kỳ thị Nam-Bắc, đặc biệt là sau thời điểm thống nhất đất nước.

Không chơi, không làm ăn với người Bắc

Kỳ thị vùng miền thì ở đâu và thời nào cũng có. Tuổi tôi không chứng kiến được đời sống Việt Nam trước 1975, nhưng đọc văn của các tác giả miền Nam giai đoạn đó thì thấy rất rõ: dân miền Nam thời đó không kỳ thị Nam-Bắc, chí ít không kỳ thị sâu bằng sau thời điểm này. Theo quan sát của tôi, sau 1975, sự kỳ thị Nam-Bắc giống như chiếc rãnh xẻ ra trong cao su. Nó cực kỳ đàn hồi và giỏi biến dạng đến nỗi nhiều lúc trông từ bên ngoài như vẫn hoàn toàn nguyên lành, nhưng thực ra nó vẫn ở đó và ngày càng sâu hơn.

Nguyên nhân trực tiếp thì là vì sau 1975, người miền Nam tiếp xúc với người miền Bắc nhiều hơn và sát gần hơn.

Gia đình tôi dặn con cháu: không thân thiết với người Bắc, không làm ăn với người Bắc, hết sức cẩn trọng với đồng nghiệp là người Bắc, cố gắng không mua bán gì ở các cửa tiệm do người Bắc làm chủ, và quan trọng nhất, dĩ nhiên không lấy chồng lấy vợ người Bắc.

Ngạc nhiên chưa, gia đình tôi lại không phải là người miền Nam thuần túy kiểu sinh ra lớn lên tại miền Nam và/hoặc mất mát nhiều sau thời điểm tháng 4/1975.

Không phải! Cha mẹ tôi gốc Nam Bộ nhưng đều lưu lạc sinh sống ở rất nhiều nơi, cả nước ngoài, mà nhấn mạnh này: thời gian sinh sống dài thứ nhì của cha mẹ tôi là ở miền Bắc, đến vài chục năm. Dài thứ nhất thì chắc chắn là ở miền Nam rồi.

Sự cảnh giác của cha mẹ tôi, sau đó là toàn thể gia đình tôi bắt nguồn từ kinh nghiệm trong các mối quan hệ với người Bắc. Dĩ nhiên ở đây nói về số nhiều.

Dịch vụ: Người Bắc nói chung làm dịch vụ rất kém. So với sự xởi lởi, sòng phẳng và linh hoạt của người (làm dịch vụ) miền Nam thì chạy xịt khói không tới. Từ người chủ cho đến nhân viên bán hàng người Bắc thường có vẻ mặt khinh khỉnh, nói năng với khách lạnh nhạt hoặc thô lỗ. Họ sẵn sàng phân biệt và gọi khách bằng những đặc điểm cơ thể mang tính body shaming như chị Béo kia, anh Hói nọ. Mặt bên kia của đặc điểm này thì lại là những lời ngọt ngào tâng bốc quá mức đến giả tạo. Tư vấn và hậu mãi cho khách đều không tốt, hay nói chung là không có. Họ chỉ cần bán được hàng xong thì sẵn sàng trở mặt với khách. Tư tưởng chém khách luôn đặt trên đỉnh đầu, đặc biệt là chém khách nói giọng miền Nam (dân miền Nam được mặc định là có tiền và hào sảng, dễ dàng bỏ tiền). Người làm dịch vụ người Bắc dường như luôn có nỗi hổ thẹn ngầm vì cái nghề đang nuôi sống mình, do đó họ thường có các hành động và lời nói phủ nhận nghề nghiệp, ví dụ như chỏng lỏn với khách, bỏ mặc khách hoặc thậm chí quát tháo, mắng mỏ khách. Người bán hàng thì gian dối, vụ lợi.

AP400686960288.jpg
Người bán hàng trên đường phố Hà Nội hôm 21/3/1993 (minh họa). AP

Lối sống: (Nhiều) người Bắc bị cho là có lối sống nịnh nọt, ích kỷ, giả trá, đội trên đạp dưới, hai mặt, háo danh, vụ lợi.

Cách đây khoảng chục năm, hàng loạt công ty gia công giày da và may mặc ở Bình Dương đã nổi tiếng vì công khai treo băng rôn tuyển dụng hàng loạt công nhân, nhưng nộp hồ sơ vào thì “trừ công nhân Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh”.

Sự việc gây một chấn động không nhỏ trong dư luận xã hội nói chung vào thời điểm đó, nhưng bất ngờ là ngay tại nơi nó diễn ra thì không mấy ai ngạc nhiên.

Là vì, công nhân xuất thân từ ba địa phương nói trên được người tuyển dụng nhận xét chung là hay kết bè kết đảng, trộm cắp lừa đảo thậm chí đập phá tài sản của chính công ty mình, gây gổ ẩu đả với những công nhân khác, lôi kéo ngừng việc tập thể sai pháp luật.

Sự việc kéo theo vô số người bình luận, phân tích. Rất nhiều nam nữ công nhân sinh ra ở ba địa phương trên lên báo nói mình bị oan. Nhiều người lên án các công ty có hành vi chọn lọc này, bảo họ vơ đũa cả nắm gây thiệt thòi cho người lao động. Có người nói tính cách của người quê mình là bộc trực, yêu ghét rõ ràng, đoàn kết… nhưng bị người tuyển dụng hiểu sai.

Có điều người tuyển dụng không bỏ thời gian đi đãi cát tìm vàng. Họ cứ ra lệnh cho bảo vệ: nếu nghe giọng hoặc xem hồ sơ thấy nơi sinh, quê quán là mấy địa phương trên thì không nhận hồ sơ. Hoặc, vẫn nhận, để người ta không có cớ kiện thưa. Nhưng nhận xong vứt sọt rác.

Dân Bắc: Dân Nam dại, dễ lừa

Trong khi đó, dân Nam thực lòng và thẳng thắn thì bị dân Bắc chê là ít học, cục mịch, hời hợt, thiếu sâu sắc tinh tế, không “khôn”, lừa dễ lắm. Thế cho nên dân Nam chọn cách né xa dân Bắc để khỏi phải mất công đề phòng với những người luôn mang tâm kế, thích dùng thủ đoạn và cách sống lắt léo để giành lợi ích về mình.

Trừ các mối quan hệ công việc hoặc các mối quan hệ bắt buộc phải giữ, thì thái độ của dân Nam với dân Bắc là kính nhi viễn chi hoặc chỉ xã giao, tuyệt đối không hơn.

Dĩ nhiên, ở đâu cũng có người nọ người kia. Nhưng với người nói giọng miền Bắc thì cái sự “người nọ” lại đông hơn “người kia” quá nhiều.

Ở các không gian khác, sự kỳ thị không rõ ràng như ở các Khu công nghiệp-Khu chế xuất Bình Dương, nhưng vẫn luôn tồn tại. Trong công sở, nhân viên buộc phải giữ quan hệ xã giao để phục vụ công việc, thế nhưng ra ngoài phạm vi này, vẫn rất nhiều nơi tự động chia thành nhóm dân Bắc-nhóm dân Nam, nhóm này không thực lòng và thân thiết với nhóm kia.

Hỏi, thì hầu như tất cả mọi người sẽ nói: Không phải ghét người Bắc, mà ghét cách sống của họ.

Nhưng, cách sống bị khinh ghét đó của (nhiều) người Bắc không phải là thuộc tính từ xưa của họ, mà nó sinh ra và được vun đắp, bồi dưỡng, khai hoa kết quả và ngày càng phát triển bền vững trong sự nghiệp của chế độ (gọi là) cộng sản được áp đặt trên miền Bắc trong suốt mấy chục năm, và sau đó là cả nước. Nên nói chung là ghét người Bắc nhưng dần dần đã có không ít người miền Nam bị cảm nhiễm những thói xấu này.

Trong khi đó, cũng do sự hòa trộn văn hóa và lối sống, nhiều người Bắc lại học được tính cách rõ ràng rạch ròi và trượng nghĩa của miền Nam.

Tuy nhiên, nói một cách thành thật và tỉ mỉ thì hầu như chẳng còn cộng đồng nào còn giữ được trọn vẹn những đặc tính vốn có của mình. Chỉ là tính cách nào được số đông thống nhất là đặc điểm chung của cộng đồng đó mà thôi.

Quay trở lại nguồn gốc của hình ảnh “Bắc Kỳ bị ghét”.

Siêu nhân con người mới xã hội chủ nghĩa

Những thế hệ người Bắc từ 1954 đã được giáo dục từ khi mặc quần thủng đít là lớn lên phải trở thành “con người mới xã hội chủ nghĩa”. À không, siêu nhân mới xã hội chủ nghĩa mới đúng. Tiêu chuẩn của nó như thế này:

“Thứ nhất, con người mới xã hội chủ nghĩa phải có tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, trên lập trường của giai cấp công nhân.

Tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng chính là tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước trong cuộc đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột (…).

Thứ hai, con người mới xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng mới, có đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, chân thành, lối sống trong sáng, có khát vọng mới, hướng tới hạnh phúc, tự do.

Thứ ba, con người mới xã hội chủ nghĩa phải có lòng vị tha, bao dung, thương yêu con người, tôn trọng nhân cách con người và coi trọng đạo lý làm người” (Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.66).

Sự nghiệp xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đến nay là 70 năm. Chẳng biết trong gần một thế kỷ ấy có bao nhiêu con người mới được sinh ra, chỉ biết chế độ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội đã đẻ ra vô số tục ngữ ca dao mới, mà một trong số đó khái quát về những con người rất đặc trưng của xã hội mới như sau:

Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc.

Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương.

Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.

Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.

Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng.

Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay “đồng ý”!

Ở nông thôn thì:

Mỗi người làm việc bằng hai

Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe!

Mỗi người làm việc bằng ba

Để cho chủ nhiệm xây nhà lát sân.

Đối chiếu thực tế ấy với những tiêu chuẩn con người mới như của thánh thần, những “tư tưởng mới, đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, chân thành, lối sống trong sáng, có khát vọng mới, hướng tới hạnh phúc, tự do”, thu được kết quả là… một lũ nói dối như cuội!

Trong cái xã hội đó, người ta nói dối và lấy lòng cấp trên, giẫm đạp cấp dưới, lý tưởng cả đời là thăng quan tiến chức hoặc xây nhà mình cao hơn nhà thằng hàng xóm…Nó trở thành một lối sống, thậm chí một lẽ sống bắt buộc, người nào đi ngược dòng sẽ bị tẩy chay và gánh chịu vô số thiệt thòi. Từ nói dối dẫn đến lừa lọc, thủ đoạn, xảo quyệt, “xã hội mới” đã đào luyện ra những sản phẩm méo mó để phù hợp và phục vụ chính nó như thế đấy.

Các tiêu chí con người mới xã hội chủ nghĩa không tưởng đến nỗi hài hước, đồng thời vô cùng khắc nghiệt ở chỗ nó bắt con người bằng xương bằng thịt phải tự đánh giá mình bằng hệ thống chuẩn mực đó. So sánh với ngũ thường-Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín đơn giản nhưng thâm sâu vô cùng thì nó chỉ là một trò hề dối mình lừa người.

Ngụp lặn suốt mấy chục năm trong cái hệ thống như thùng thuốc nhuộm đó, ai không trở thành con lươn trơn tuột giỏi luồn lách nịnh nọt thì phải gọi là của hiếm, sắp tuyệt chủng.

Những người đó được gọi là “người Bắc nhưng mà tốt”.

Cho nên nguồn cơn của sự ghét người Bắc, bên ngoài là bắt đầu từ những con người cụ thể, nhưng bên trong, nó là ý thức tẩy chay, chống lại cả một hệ thống, cách thức vận hành xã hội. Cùng với khoảng cách với thế giới ngày càng ngắn lại, sự tẩy chay đó lẩn vào trong nhưng dai dẳng và không phai nhạt đi chút nào.

Bao giờ còn cái cỗ máy quái thai nhào nặn ra những con người quái thai như thế thì sự kỳ thị vẫn còn, và còn sâu sắc đến tận xương tủy.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.

No comments:

Post a Comment