Saturday, April 27, 2024

Tham nhũng và quan phẩm

 


Tạ Duy Anh

Bắt đầu cầm quyền qua tranh cử năm 1959, đảng PAP và chính phủ Singapore đã ý thức về tầm quan trọng phải làm sạch bộ máy chính quyền như một nhiệm vụ mang tính sống còn.

Họ sử dụng bộ luật chống tham nhũng được thiết lập bởi người Anh, từ năm 1937. Cũng chính người Anh sau đó, vào năm 1952, đã thành lập “Ban điều tra hành vi tham nhũng” (Corrupt Practices Investigation Bureau, viết tắt là CPIB) để xử lý tình trạng gia tăng tham nhũng.

Năm 1960, sau một năm nắm quyền, ông Lý Quang Diệu thực hiện việc thay đổi Luật chống tham nhũng mà ông cho là đã lỗi thời. Đến 1963, việc thay đổi xảy ra thêm một lần nữa và tới quy định năm 1989, thì hình phạt cho tội tham nhũng ăn hối lộ ở Quốc đảo được nâng lên tới mức khắc nghiệt. Chỉ riêng phạt tiền với quan chức nhúng chàm đã tăng gấp 10 lần, trước khi anh ta bị phạt tù.

Họ sử dụng bộ luật chống tham nhũng được thiết lập bởi người Anh, từ năm 1937. Cũng chính người Anh sau đó, vào năm 1952, đã thành lập “Ban điều tra hành vi tham nhũng” (Corrupt Practices Investigation Bureau, viết tắt là CPIB) để xử lý tình trạng gia tăng tham nhũng.

Những gì ông Lý tiến hành ở Singapore, nhất là sau ba lần sửa đổi, có vẻ đang được Giáo sư Trọng áp dụng vào công cuộc đốt lò ở Việt Nam. “Ủy ban kiểm tra Trung ương” gần giống với CPIB của Singapore về nhiệm vụ và quyền hạn. Những bước thực hiện tiền tố tụng, chấp nhận lời khai của nhân chứng khi khép tội, không khác mấy cách làm của ông Lý. Và rõ ràng công cuộc “đốt lò” đang cho thấy sự không khoan nhượng trong việc chống tham nhũng mà đảng của Giáo sư Trọng tiến hành.

Hai chủ tịch nước, hai phó thủ tướng đương nhiệm buộc phải về hưu, nhiều bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh bị tống giam và có thể sẽ còn những nhân vật khủng nữa phải bay chức… không thể nói công việc “đốt lò” không nghiêm túc. Cho dù hiệu quả thực chất, lâu dài của công cuộc chống tham nhũng ra sao, thì Giáo sư Trọng và Tô tướng quân chắc chắn đang “Ghi điểm với lịch sử”.

Chúng ta cần phải công tâm và trung thực với mình khi nói về chuyện đó.

Tuy nhiên, hàng ngày người dân đến các cơ quan công quyền, xin học cho con, vào viện chữa bệnh, kiểm định xe, thậm chí làm khai sinh, khai tử cho người thân… vẫn phải phong bao phong bì đút lót cho những người thực thi trách nhiệm, cho thấy chỉ hình phạt thôi sẽ rất khó hạ gục sức mạnh của đồng tiền. Nó cần một văn hóa chính trị, một nền quan trí, quan phẩm cao hơn nhiều mức hiện nay. Chỉ cần thấy cách hành xử khác xa nhau của kẻ tham nhũng ở Singapore và ở Việt Nam, cũng có thể rút ra nhiều điều cần phải suy ngẫm nghiêm túc.

Trong hồi ký của mình, ông Lý Quang Diệu dành ra phần quan trọng kể về việc ông làm trong sạch bộ máy chính quyền, triệt hạ không thương xót thứ mà ông gọi là “LÒNG THAM CHÂU Á”, trong đó đáng chú ý là trường hợp tham nhũng của ông Bộ trưởng Phát triển quốc gia, một người thân tín và có công riêng với ông Lý.

Xin trích:

Sự sụp đổ bi kịch nhất là trường hợp của Teh Cheang Wan, Bộ trưởng Phát triển quốc gia. Tháng 11 năm 1986, một trong những người giao thiệp cũ của ông khi bị CPIB tra vấn đã thú nhận rằng hắn từng đưa cho Teh hai khoản tiền mặt, mỗi khoản trị giá 400.000 đô la Singapore. Khoản đầu tiên là để xin phép cho một công ty phát triển giữ lại phần đất của công ty mà chính phủ đã đánh dấu để trưng thu; và khoản thứ hai để giúp cho một nhà kinh doanh mua lại phần đất của nhà nước nhằm sử dụng cho mục đích cá nhân. Hai vụ hối lộ này diễn ra vào năm 1981 và 1982.Teh Cheang Wan phủ nhận việc mình nhận tiền và cố gắng thương lượng với viên trợ lý thanh tra cao cấp của CPIB để dừng việc điều tra. Thư ký nội các báo lại việc này và nói Teh yêu cầu được gặp tôi. Tôi đáp là tôi không thể gặp ông cho đến khi nào cuộc điều tra kết thúc.

Một tuần sau, sáng ngày 15 tháng 12 năm 1986, nhân viên an ninh của tôi thông báo rằng Teh đã chết và để lại cho tôi một bức thư:

Ngài Thủ tướng

Suốt hai tuần nay tôi đã rất ân hận và thực sự suy sụp. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm với những sự việc đáng tiếc xảy ra và tôi nên nhận toàn bộ trách nhiệm về mình. Là người phương Đông trọng danh dự, tôi phải nhận lấy hình phạt cao nhất cho lỗi lầm của mình“.

(Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất, trang 188, NXB Chính trị-quốc gia)

Cũng cùng một tội, đám quan chức Việt, khi ra tòa đều vẫn đủ trơ trẽn trưng cả thùng giấy khen, bằng khen, huân huy chương – những thứ rõ ràng ông bà ta nhận được khi đã mất phẩm cách, để mặc cả, xin xỏ, đổi chác, gây áp lực cho quan tòa nhằm giảm nhẹ về hình phạt. Rồi thì bỗng nhiên ông bà nào cũng đủ thứ bệnh nan y, đều ở đoạn cuối đời, với bộ mặt thiểu não đánh vào lòng thương hại của dư luận.

Chỉ có thể phán một câu: Rất hèn!

Nếu ở một nền chính trị thượng tôn đạo đức, đề cao danh dự, một nền quan trí, quan phẩm cao… thì những thứ đó, trong suy nghĩ của kẻ phạm tội, nên được giấu nhẹm hoặc ngấm ngầm tiêu hủy, như tiêu hủy bằng chứng về sự dối trá, ô nhục.

Vấn đề chốt lại là vì sao họ được học hành để có đủ bằng cấp, được “chọn lọc kỹ càng” mà lại dễ dàng đánh mất liêm sỉ như vậy?

No comments:

Post a Comment