Một sự hỗn loạn dưới bề mặt kinh tế và chính trị Việt Nam đang diễn ra ngay lập tức, khi chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Vương Đình Huệ được phép chính thức cho từ chức.
Lời chấp thuận cho ông Huệ từ chức được đăng trên báo chí của Đảng, qua những dòng tin ngắn không có giải thích gì về “những vi phạm và thiếu sót.”
Việc ông Huệ phải từ chức là một dấu hiệu mới về sự bất ổn chính trị đang kéo dài trong suốt vài tháng qua, ảnh hưởng lớn đến nội bộ Đảng CSVN, cũng như với các quốc gia đang có quan hệ ngoại giao lẫn làm ăn với Việt Nam.
Báo chí của nhà nước cộng sản cũng đồng loạt được phát tín hiệu cùng đưa tin việc ông Huệ viết thư từ chức vào ngày 26 Tháng Tư, 2024. Cũng không có tờ báo nào dám viện dẫn hay bình luận nguồn tin riêng cho sự kiện mới này, hầu như mọi nơi đều có cùng một giọng điệu như nhau, úp úp mở mở, buồn tẻ.
Thế nhưng, trên các trang mạng và vỉa hè, chuyện của ông Huệ và tập đoàn Thuận An được bàn tán không ngớt với lời mỉa mai. Đặc biệt câu nói nổi tiếng của người từng đứng đầu Quốc Hội “tiền ở trong dân còn nhiều” luôn được nhắc đến với nụ cười của dân chúng. Những khuyết điểm mà Bộ Chính Trị CSVN nói ông Huệ đã “gây dư luận tiêu cực trong nhân dân” được chỉ ra, là những món lót tay lên đến ngàn tỷ đồng, và kéo dài đã nhiều năm qua, suốt nhiều vị trí của ông.
Đối với các quốc gia và những nhà đầu tư có mặt ở Việt Nam, biến động mới nhất trong giới lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đang làm dấy lên mối lo ngại mới về sự ổn định chính trị ở nơi được coi là trung tâm sản xuất mới tại Đông Nam Á, vốn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn đầu tư và thương mại nước ngoài.
Ông Vương Đình Huệ, 67 tuổi, được coi là ứng cử viên tiềm năng cho chức vụ Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản, chức vụ quyền lực nhất của Việt Nam. Vị trí người đứng đầu quốc hội của ông là một trong bốn chức vụ được mô tả là “trụ cột” của bộ máy lãnh đạo nhà nước.
“Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương Đình Huệ đã gây dư luận tiêu cực, ảnh hưởng đến uy tín của đảng, nhà nước và cá nhân,” ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng sản cho biết trong một báo cáo gửi Quốc Hội.
Việc từ chức của ông Huệ diễn ra rất nhanh, chỉ vài ngày sau khi có thông báo rằng trợ lý của ông là Phạm Thái Hà đã bị bắt vì cáo buộc nhận hối lộ liên quan đến một tập đoàn làm ăn, được coi là sân sau của ông Huệ.
Tuyên bố của Đảng CSVN hôm thứ Sáu 26 Tháng Tư, cho biết đơn từ chức của ông Huệ đã được chấp nhận và ông sẽ bị loại khỏi ban chấp hành Trung Ương và Bộ Chính Trị đầy quyền lực.
Không có thông báo nào được đưa ra về việc ai sẽ thay thế. Đảng CSVN đang đau đầu cần tìm người kế nhiệm lâu dài cho chức chủ tịch quốc hội, lẫn tổng bí thư sắp tới. Việc bổ nhiệm dự kiến sẽ được quốc hội thông qua khi họp phiên thường kỳ vào giữa Tháng Năm, hoặc sớm hơn tại phiên họp bất thường.
Cuộc loại trừ đã để lộ vị trí ứng cử viên chính cho chức vụ cao nhất của CSVN là bộ trưởng Công An Tô Lâm, 66 tuổi, cũng là nhân vật nắm hồ sơ dính chàm của mọi quan chức trong chiến dịch chống tham nhũng mà Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng đề ra.
Một cuộc khảo sát nhanh và bí mật với hơn 650 lãnh đạo doanh nghiệp do Phòng Thương Mại Nước ngoài tại Việt Nam thực hiện và công bố vào Tháng Ba vừa qua, cho biết các công ty nước ngoài bị thu hút vào Việt Nam, chủ yếu vì sự ổn định chính trị. Nhưng lúc này đa số các doanh nhân đều tỏ ý lo ngại, thậm chí có người còn nghĩ đến phương án làm ăn khác ngoài Việt Nam.
Ông Nguyễn Khắc Giang, nhà phân tích tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, cho biết: “Sự kiện của ông Huệ làm nổi bật bất ổn cực độ trong một môi trường chính trị, vốn thường được ca ngợi về sự ổn định của nó, với chuyện ba nhà lãnh đạo hàng đầu đã bị sa thải chỉ trong một năm.”
Ông Giang cũng xác định các nguồn tin trước đó, coi ông Huệ là người có khả năng kế nhiệm Trọng. Ông nói: “Sự sụp đổ của Huệ sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kế nhiệm ở Việt Nam.”
Các nhà lãnh đạo tiếp theo của Việt Nam sẽ triệu tập Đại Hội Đảng Cộng Sản vào đầu năm 2026. Trong khi đó, các nhà quan sát thời sự nói rằng, các phe phái trong nội bộ CSVN đang chen lấn để giành vị trí người kế nhiệm ông Trọng, người được bầu vào nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có với tư cách là Tổng Bí Thư vào năm 2021.
Và chắc chắn lần này thì ông Trọng sẽ phải về hưu, với độ tuổi khó có khả năng tiếp tục được nhiệm kỳ nào nữa.
No comments:
Post a Comment