Nguyễn Thông-28-11-2023
Giờ đây, Quốc hội sau bao nhiêu bàn đi tính lại, nâng lên đặt xuống, tranh luận nảy lửa, thậm chí ông chủ tịch Vương có lần khẳng định, tên gọi cái thẻ tùy thân phải là “căn cước công dân” mới đầy đủ và hợp lý, không thể thay đổi, thì hôm qua Quốc hội đã quyết định đổi.
Một việc nhỏ con con, đơn giản, dễ làm mà phải mất bao nhiêu công phu, thời gian, tiền bạc, thậm chí mất đoàn kết, để “thành công tốt đẹp”, chứng tỏ bộ máy thượng tầng rất rảnh, thái vô tích (vô tích sự), kém hiệu quả.
Trong dư luận dân chúng, mạng miếc, có không ít người cười, bảo rằng cuối cùng lại bắt chước chính thể Việt Nam Cộng hòa, thực ra cũng không hẳn vậy. Họ bắt chước chính họ. Chính cái bộ máy của chế độ này cách nay hơn 50 năm (nửa thế kỷ) đã từng gọi thẻ ấy là “căn cước”. Đang yên đang lành, tự dưng phát huy trí tuệ sáng suốt, đổ đốn tư duy, đổi nó thành chứng minh thư, chứng minh nhân dân, giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân, rất rắc rối, đèn cù, lằng nhằng dây điện.
Tôi nói có sách mách có chứng. 50 năm trước, năm 1973, ở miền Bắc, tôi đã từng có Thẻ căn cước. Chỉ có điều, chả biết hồi ấy mặt mũi nhân dạng thế nào mà bị “quy” thành “sống mũi thẳng khúc khuỷu”. Thông tin cá nhân này cũng lạc hậu rồi cho nên tôi chẳng sợ bị lộ.
Điều này cũng cần nói thêm: Theo luật mới vừa được Quốc hội thông qua, “những căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ“. Vậy tôi hỏi các bác công an và tất cả các bác chức việc nhà nước kính mến: Căn cước công dân gắn chip của tôi chỗ mục “Có giá trị đến – Date of expiry” ghi rõ là “Không thời hạn”, vậy tôi cứ tuân chỉ, làm theo luật mới thì có… vi phạm pháp luật không?
Hàng triệu người đã được cấp căn cước có giá trị vĩnh viễn (không thời hạn), vậy mà ra cái luật, thông qua cái luật cũng không nên hồn. Tôi nói thật.
No comments:
Post a Comment