Huy Đức-28-11-2023
Hôm qua, một ông anh gọi, tâm sự: Sau khi bị tòa tuyên thua trong một vụ tranh chấp tài sản mà anh tin là tất cả lý lẽ đều thuộc về anh, anh muốn nhảy từ lầu cao tòa án xuống.
Tôi hỏi, “Để làm gì”. Anh nói, “Để họ biết, để dư luận biết”. Tôi nói, “Với những kẻ sẵn sàng ra một bản án bất chấp đạo lý và pháp lý [như anh nói], lương tri của họ không làm việc. Họ sẽ đứng ở ban công nhìn xe chở xác anh đi rồi lại mở công văn đọc tiếp“.
Cũng vừa mấy hôm qua, một người dân gửi cho tôi bộ hồ sơ xin điều chỉnh diện tích và tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nộp đã mấy năm mà không hiểu sao không làm được. Vì tôi không thể trực tiếp điều tra, tôi hứa với cô, tôi sẽ chuyển trường hợp của cô cho một nhà báo. Nhưng, tới hôm nay vẫn chưa nghĩ ra có thể chuyển cho nhà báo nào.
Tôi vẫn thường nói với các nhà báo và hôm qua tôi nói với “ông anh” của tôi, “Anh sẽ không tuyệt vọng đến mức đó nếu anh không quá tin là tòa sẽ xử theo công lý“. Sống mà không tin vào công lý thì sẽ rất bất hạnh. Nhưng, sống mà tin một cách tuyệt đối rằng, hệ thống tư pháp này có khả năng cung cấp công lý thì còn bất hạnh hơn.
Tôi không biết ông Nguyễn Cảnh Bình in bộ sách này là để trang trí hay để tìm người đọc. Tôi không rõ ở trong trường luật, trường báo chí và cả trường dạy cảnh sát, an ninh… sinh viên có đọc những loại sách này không. Làm luật sư, làm báo, làm cảnh sát, làm thẩm phán… mà không tin vào công lý thì khi đối diện với cách vận hành hiện nay của hệ thống tư pháp rất dễ, ngay lập tức, tha hóa.
Đây là những cuốn sách được viết trong thế giới tư bản. Nhưng, tôi nghĩ, chúng cần cho các nước XHCN hơn. Theo tôi, lý do CNXH không thành công trong “phe XHCN” là bởi công lý đã không được coi là nguyên tắc quan trọng nhất; mục đích đã bị lấy để biện minh cho phương tiện.
Không có nhà nước pháp quyền thì không bảo vệ được công lý, không hình thành được xã hội dân sự, không xây dựng được kinh tế thị trường, và cũng sẽ không bao giờ có CNXH [theo nghĩa công bằng, dân chủ…].
No comments:
Post a Comment