2023.11.28
Quốc hội Việt Nam vào chiều ngày 28/11 biểu quyết thông qua “Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở”. Ba lực lượng gồm bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó đội dân phòng được sáp nhập thành “lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, cơ sở”.
Truyền thông Nhà nước loan tin cho biết 386/463 đại biểu biểu quyết tán thành, (chiếm 78,14%).
Luật gồm 5 chương, 33 điều quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được bố trí ở thôn, tổ dân phố, do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở “tự nguyện” của người dân nhằm hỗ trợ công an xã, phường, thị trấn giúp cho ủy ban nhân dân cùng cấp trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng cái gọi là “phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Lực lượng này được bảo đảm kinh phí hoạt động, trang bị công cụ hỗ trợ; có trang phục, huy hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.
Theo Luật mới được thông qua, người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên mỗi tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định. Ngoài ra họ còn được một số quyền lợi khác như nhận kinh phí khi được cử đi bồi dưỡng, tiền bồi dưỡng độc hại, nguy hiểm…
Việc chi trả cho lực lượng này do ngân sách Nhà nước đảm nhiệm.
Báo cáo của Chính phủ Việt Nam cho thấy, trên toàn quốc hiện có gần 297.000 người đang tham gia trong lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách… được tiếp tục sử dụng, và các chức danh đội trưởng, đội phó dân phòng.
Theo dự kiến tổng kinh phí cần chi để bảo đảm hoạt động cho lực lượng này được tính toán là hơn 3.500 tỷ đồng mỗi năm; trung bình mỗi tỉnh/thành phố cần khoảng gần 56 tỷ đồng/năm.
No comments:
Post a Comment