Trong ngôn ngữ bình dân của miền Nam, hay còn gọi là tiếng lóng của nhiều thập niên trước – lưỡng và chôm – thường được biết đến với cách định nghĩa khác nhau.
“Chôm” là một hành động trộm cắp, một cách qua mặt và lấy đi trong một bối cảnh nào đó có tính thủ thuật. Còn “lưỡng”, được mô tả như một hành động gian trá trộm cắp, nhưng có tính toán và thủ đoạn. Và thậm chí là có vẻ “điếm đàng” trong đó.
Câu chuyện bộ phim Đất Rừng Phương Nam gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam về nội dung là một chuyện. Nhưng bên cạnh đó, một nội dung khác cần phải được nhắc tới đó là chuyện giới trí thức lãnh đạo học đường nhiều nơi, lại tìm cách “lưỡng” tiền của phụ huynh, bằng chuyện ra công văn tổ chức cho học sinh phải đi coi bộ phim này, mà theo ngôn từ của các công văn thông báo là chuyện học tập quan trọng.
Có nơi thì gọi việc bán vé cho học sinh đi coi phim như là một tiết học mở rộng nâng cấp tri thức “tích hợp liên môn”, có nơi thì gọi là để “khơi gợi tình yêu nước”, tìm hiểu về “truyền thống”. Nói chung là trường nào cũng giỏi diễn đạt để “lưỡng”. Và ngôn ngữ của việc “lưỡng” tiền phụ huynh nghe rất kêu, âm vang như trống trận của lòng yêu nước thời bình.
Đáng ngạc nhiên rằng trước khi phim ra mắt, tức là đa số giới lãnh đạo của các trường trung học và đại học cũng chưa biết gì về bộ phim, và nhiều người cũng chẳng được coi trước qua bộ phim đó như thế nào ngoài tấm ảnh poster, nhưng các công văn lại nói như đinh đóng cột về một giá trị cần phải được nhận thức, phải học thuộc từ bộ phim sắp chiếu.
Rõ là có một đường dây marketing rất công phu và chi tiết đến mức khiến những ngón tay có học thức của các vị lãnh đạo giáo dục phải gõ ra những điều “tha thiết”, hối thúc học sinh phải “yêu nước qua phim”, và việc coi phim được kẹp vào ruột giáo dục nhà trường. Chính họ cũng không lường được phản ứng xã hội với bộ phim này như thế nào lúc này. Thậm chí sau đó, cũng không có trường nào có tổ chức kiến giải nội dung phim bị tranh cãi, nhằm gỡ rối cho những học sinh, sinh viên của mình đã bị thúc hối đến rạp.
Nhiều lời tố cáo của phụ huynh, khi so sánh với thực tế, cho thấy tiền bán vé cho học sinh, sinh viên không nhằm vào giá trị tri thức của lớp trẻ, mà dường như là cho một mục đích nào đó, cụ thể và tồi tệ hơn. Một phụ huynh trên Facebook đưa ra dẫn chứng về việc các nhà trường buộc học sinh mua vé từ 80.000 đồng cho đến 95.000 đồng, cao hơn hẳn giá vé gốc tại rạp là từ 45.000 đồng đến 65.000 đồng. Hơn nữa, giới phụ huynh còn nói chuyện ai cũng biết, vé mua với số lượng lớn đều có phần trăm giảm giá, và còn phần giảm giá khác, vẫn đặc biệt dành cho sinh viên học sinh. Không ai giải thích số tiền lớn thừa ra từ bán vé, rồi sẽ dùng vào việc gì, và tại sao những người lãnh đạo giáo dục lại nâng giá như bọn buôn bán chợ đen?
Đó là những bài toán bí mật, mà lời giải của chúng, có thể đoán là đều nằm trong việc thực hiện marketing cho bộ phim, thỏa thuận với những người có quyền sinh sát ở các cơ sở giáo dục quốc gia. Những thỏa thuận đó không tiết lộ trên các công văn thúc hối đầy tính cấp bách của tri thức. Nhưng từ góc tối của sự hăng hái từ các công văn đồng loạt hô to “yểm trợ và học tập từ phim”, người ta có thể suy đoán được bằng một chữ đơn giản, là “lưỡng”.
Nhắc lại, “lưỡng” của miền Nam là một cách ăn cắp, có pha trộn sự tính toán điếm đàng, điệu nghệ hơn “chôm” một bậc. Lưỡng có tính toán, tạo vỏ bọc tri thức trơn láng trong chuyện tổ chức đi coi phim. Và lưỡng điếm đàng là nâng giá một cách tự nhiên, coi phụ huynh là đám đông dễ dàng bị moi túi, không khác gì những con bò bị vắt sữa đến giọt cuối mà chỉ dám kêu đau khe khẽ.
Sau làn sóng dư luận bàn luận trên các trang mạng, nhiều trường cảm thấy “thốn” như bị lộ, nên vội vã rút lại lời kêu gọi xem phim, hoặc ra công văn bao biện cho chuyện đã làm. Đây không phải là lý do để ngành công an mở cuộc điều tra sao, về việc đột nhiên có một loạt các trí thức lãnh đạo giáo dục đột nhiên có cùng tư tưởng yêu nước, cùng một thời điểm, cùng sự mơ hồ về nội dung sản phẩm, nhưng cùng dứt khoát ra lệnh cho học sinh phải ra sức học tập từ phim? Sự lạm dụng tiền bạc trên đầu hàng ngàn phụ huynh, và cả sinh viên học sinh như vậy, được gọi tên bằng gì?
Đừng thở dài, và cũng đừng nản chí. Hãy một lần nữa nhìn thẳng vào nền giáo dục Việt Nam qua sự kiện “giải cứu tri thức từ phim” bị thất bại này, để biết và tinh tường chuyện con em Việt Nam hôm nay đang và sẽ trưởng thành qua những điều kỳ lạ như thế nào.
No comments:
Post a Comment