Tuesday, October 31, 2023

Có bao nhiêu hệ thống luật pháp tại Việt Nam?

 10/31/2023 - 03:22 — nguyenhuuvinh


Kỹ thuật viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật

(Ảnh minh họa - Nguồn: Hocluat.vn)

Tại Việt Nam, luật pháp được định nghĩa là hệ thống quy định có nội dung thể hiện ý chí, bản chất của giai cấp thống trị. Giai cấp thống trị ở đây, là Đảng Cộng sản Việt Nam, một tổ chức tự nhận vai trò “lãnh đạo tuyệt đối” đối với đất nước, dân tộc từ việc “Cướp chính quyền” năm 1945. Thế rồi, một nhà nước độc tài đã ra đời và một hệ thống luật pháp chỉ nhằm phục vụ chế độ đó được hình thành với mệnh danh là “Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa’.

Hình như, cụm từ “Xã hội chủ nghĩa” – đã trở thành một cụm từ dùng để chỉ một khái niệm trừu tượng nhất, quái gở nhất mà người ta không thể giải thích rành rẽ được như chính cái khái niệm Xã hội Chủ nghĩa mà cả nước đã được hò hét “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” từ cả gần thế kỷ trước, để rồi đến hôm nay ngay cả các Tổng Bí thư vẫn còn cứ ú ớ Việt gian rằng: “Dần dần sẽ sáng tỏ” hoặc “đến cuối thế kỷ vẫn chưa chắc đã nhìn thấy Chủ nghĩa xã hội”.

Điều đó cũng có nghĩa là cả nước đã được cái gọi là trí tuệ, sáng suốt, tài tình của đảng dẫn dắt đi qua gần một thế kỷ mà chẳng biết rồi sẽ đi đến đâu. Và đến bây giờ, mới tá hỏa tam tinh rằng chưa rõ cái mặt ngang mũi dọc của nó là cái gì.

Và cũng quái gở như cái mục tiêu mà nó hướng đến, những lĩnh vực nó liên quan, cũng đầy rẫy những trái khoáy và ngược ngạo. Trong đó, hệ thống luật pháp, tư pháp như một trò đùa mang tên “Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa”.

Một bộ luật, nhiều cách sử dụng

Có thể thấy một điều: Trong hệ thống tư pháp Việt Nam, cùng một hành vi, nhưng sẽ được xem xét, xử lý hoàn toàn khác nhau, không vì tính chất hay hậu quả vụ việc mà là căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, yếu tố chính trị, nghĩa là sự trung thành với chế độ, chủ nghĩa Lý lịch, ý chí cá nhân hoặc một yếu tố nào đó từ sự lãnh đạo của đảng mà sự việc được xem xét hoàn toàn khác nhau, nhiều khi là hoàn toàn ngược nhau trong cách hành xử.

Người ta có thể thấy điều này hết sức rõ ràng trong những vụ án đối với những người đấu tranh cho quyền con người, cho quyền lợi của người dân Việt, cho lãnh thổ của Tổ Quốc đang dưới sự hăm he và xâm chiếm của bạn vàng của đảng, cho những người cùng đinh, bần hàn trong xã hội đang bị chà đạp, cướp bóc bởi hệ thống chính trị hiện tại. Những vụ án đó, thường là những vụ án bỏ túi, chóng vánh và vi phạm luật pháp, vi phạm quy trình tố tụng một cách nghiêm trọng. Đặc biệt, những hành vi tra tấn tàn bạo, rồi mớm cung, ép cung… bằng mọi cách để đạt được những gì nhà cầm quyền muốn với họ, cứ nhìn những người dân Đồng Tâm trước Tòa án thì sẽ rõ những điều này.

Rất nhiều vụ án, thời gian xét xử chỉ vài tiếng đồng hồ cho mọt bản án cả chục năm tù đối với những người yêu nước, hợp lòng dân nhưng trái ý đảng.

Không chỉ với những người được liệt kê vào “thế lực thù địch”, mà ngay cả với những đảng viên cộng sản, thậm chí thuộc “thế lực thân địch” hẳn hoi, cũng không tránh khỏi sự tùy tiện của hệ thống luật pháp và tư pháp hiện nay. Đơn cử vài vụ án làm nổi sóng dư luận, chúng ta sẽ thấy điều gì đằng sau.

Vụ án Cô giáo Lê Thị Dung, là đảng viên, bí thư chi bộ hẳn hoi, hoàn toàn không phải là “thế lực thù địch”, nhưng sự hành xử của hệ thống luật pháp đã làm dậy sóng dư luận xã hội.

Đó là việc TAND huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) đã tuyên án 5 năm tù cho bà Lê Thị Dung (cựu giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bà Dung bị quy kết gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 45 triệu đồng trong 6 năm. Đây là những khoản tiền thanh toán dạy thêm và các chi tiêu khác từ ngân sách nhà nước cấp.

Viện kiểm sát cho rằng do bà Dung thanh toán nhiều lần trong nhiều năm nên rơi vào trường hợp "phạm tội nhiều lần" và bị truy tố ở khung hình phạt 5 - 10 năm tù. Sau đó bà Dung bị TAND huyện Hưng Nguyên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 5 năm tù về tội danh trên.

Dư luận phản ứng dữ dội, vì sự khắc nghiệt của bản án có “mùi” không bình thường.

Thế rồi, trước dư luận xã hội phản ứng, ngày 13/6/2023, hội đồng xét xử TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên bị cáo Lê Thị Dung 15 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với cáo buộc chiếm đoạt gần 45 triệu đồng. Mức án này đã giảm 45 tháng tù so với bản án của phiên tòa cấp sơ thẩm TAND huyện Hưng Nguyên tuyên ngày 24/4.

Như vậy, có nghĩa là việc xử án này không căn cứ vào Luật quy định, mà căn cứ vào văn bản của Tỉnh ủy Nghệ An rằng phải xử lại để trấn an dư luận nhân dân. Điều đó cũng có nghĩa là luật pháp chẳng có ý nghĩa gì với việc xét xử, tất cả phụ thuộc vào Tỉnh ủy.

Người ta đặt câu hỏi: Tại sao rõ ràng cô giáo Lê Thị Dung có sai phạm, trong hành động về tiền bạc, về chứng từ, về sử dụng tiền nhà nước với chứng cứ cụ thể hẳn hoi, mà khi Tòa tuyên án mức án nghiêm khắc, lại tạo nên dư luận xã hội không đồng tình, dù xã hội đã quá chán ngán với nạn tham nhũng của quan chức cộng sản?

Xin thưa, đơn giản là vì ở đó, người ta thấy sự hài hước của luật pháp, người ta thấy rằng luật pháp được sử dụng tùy tiện như một phương tiện để trả thù cá nhân. Và người ta so sánh với những vụ án tày trời khác, quan chức được xử cứ như chuyện đùa.

Người ta chưa quên rằng: Vài năm trước, vụ án Đô đốc hải quân Nguyễn Văn Hiến, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã bị tòa tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù vì tội dẫn đến việc mất quyền quản lý 3 lô đất ở đường Tôn Đức Thắng, gây thất thoát cho nhà nước hơn 939 tỉ đồng.

Vâng, gần 1.000 tỷ đồng của nhà nước, là tiền dân chỉ có hình phạt 3 năm rưỡi tù giam, trong khi đó nhiều sự hài hước đã diễn ra tại những phiên tòa này, đó là phạm nhân đã trưng ra nào là giấy của Phường, của xóm để giảm tội, hoặc là công lao của gia đình để xóa tội…

Hài hước hơn nữa, đó là chính nạn nhân bị hại là quân chủng Hải Quân, lại đề nghị tha tội cho thủ phạm là Đô Đốc Nguyễn Văn Hiến. Chỉ đơn giản vì đó là của dân chứ quân chủng Hải Quân chẳng là của riêng ai.

Không chỉ một vụ án đó, người ta còn thấy nhiều điều trắng trợn trong các vụ án tương tự.

Chẳng có một lý do nào, để Tòa quyết định bỏ qua tội nhận hối lộ của Trung tướng Công an Phan Văn Vĩnh, khi mà trước tòa, Phan Sào Nam đã khai rõ ràng hàng tháng phải cống nộp cho Vĩnh hàng trăm ngàn đôla, chưa kể các loại vật dụng đắt tiền như đồng hồ tiền tỷ…

Cũng như mới đây, tòa bỏ qua tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Thiếu tướng Công an Nguyễn Anh Tuấn, là Phó Giám đốc Công an Hà Nội khi nhận 2,85 triệu đola để chạy án trong vụ “Chuyến bay Giải cứu”, nhưng chỉ bỏ ra mấy trăm ngàn, còn lại thì đút túi cho đến khi xộ khám mới đưa nộp tiếp.

Có thể kể rất nhiều trường hợp tương tự trong hệ thống các vụ án tại Việt Nam.

Đến việc đối xử sau kết án

Ngày 13/3/2023, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa có lệnh khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Đình Cương - giám định viên, giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị. Ông Cương bị khởi tố về hành vi "giả mạo công tác" liên quan đến việc làm sai lệch kết quả giám định pháp y, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.

Điều lạ là dù đã bị bắt giam, nhưng 8 tháng sau, ông ta vẫn là Giám đốc Trung tâm Pháp y và vẫn hưởng lương, phụ cấp như thường. Lý giải điều này, cán bộ có trách nhiệm nói rằng: “Căn cứ nghị định 112/2020 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì cơ quan có thẩm quyền chưa có quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Nguyễn Đình Cương do chưa có kết luận của cơ quan điều tra”.

Và như vậy, thì vẫn có nghĩa là ông ta đang là Giám đốc và đương nhiên được hưởng mọi quyền lợi mà không ai thay thế được.

Điều người ta băn khoăn tự hỏi: Liệu có đất nước nào, có thể chế nào nhân đạo hơn thể chế Việt Nam hay không?

Và ở trong tù gần một năm qua, ông ta có sinh hoạt đảng, vẫn là bí thư chi bộ điều hành hoạt động của chi bộ bình thường, để lại ra các kết quả giám định tương tự hay không?

Và một điều nữa, là so sánh với các vụ án vi phạm luật tố tụng hình sự như bắt người rất lâu mới thông báo cho gia đình, và thậm chí là tính thời gian lùi lại rất lâu so với ngày bắt giữ đối với những người hoạt động nhân quyền, thì chính quyền giải thích ra sao?

Không chỉ một trường hợp vừa nêu, lấy lý do là mới chỉ khởi tố chưa thành án, chưa có tội. Mới đây, dư luận ngỡ ngàng khi biết được rằng Trần Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam, ủy viên HĐND Tỉnh Quảng Nam đã bị tuyên án ngày 27/7 với mức án 6 năm tù vì tội nhận hối lộ 5 tỷ đồng. Trước tòa, Trần Văn Tân còn lẩy Kiều: “Trót đà gây việc chông gai”.

Thế nhưng, đến tận 3 tháng sau thì Trần Văn Tân vẫn nguyên chức vụ là Phó Chủ tịch Tỉnh và là Ủy viên HĐND Tỉnh. Nguyên nhân, chỉ vì theo lý luận của các quan chức tỉnh này, thì Trần Văn Tân đang kháng án, nghĩa là chưa có tội. Và phải chờ sau phiên phúc thẩm mới có thể kết luận có tước chức vụ hay không?

Điều người ta thấy lạ, là với cái sự bình đẳng trước pháp luật, tại sao có hiện tượng kỳ lạ này?

Vậy thì sau phiên phúc thẩm, nếu Trần Văn Tân cũng tiếp tục gửi đơn kháng cáo lên Giám đốc thẩm, thì chờ đến khi nào thôi trả lương và phụ cấp cho tội phạm này?

Và nếu như, tất cả tù nhân đều kháng cáo, thì có khi nào bị các hình thức cách chức, kỷ luật, thi hành án khi chưa có bản án Giám đốc thẩm hay không?

Câu hỏi không khó trả lời.

Cái khó trả lời nhất, là ở chỗ: Đối tượng đó là ai, và nói theo ngôn ngữ dân gian ngày nay thì: “Mày biết bố mày là ai không”?

Bởi dù có một hệ thống luật pháp, nhưng có muôn vàn cách hành xử với hệ thống đó.

Và đó là cái gọi là “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” trong chế độ Cộng sản.

30.10.2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh

No comments:

Post a Comment